Kiên Giang: Vận động người dân thuê đất canh tác ở Campuchia trở về Việt Nam
Sáng 30/12, Bộ Chỉ huy BĐBP Kiên Giang phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức Hội nghị tuyên truyền, vận động 29 hộ dân đang thuê đất tại Campuchia để canh tác quay về địa phương.
Tại hội nghị, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã nêu lên mục đích, ý nghĩa của việc tổ chức mời bà con đến tham dự Hội nghị. Cơ quan chuyên môn Biên phòng tỉnh tiến hành tuyên truyền các nội dung trong Hiệp định về quy chế biên giới giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa nhân dân Campuchia ngày 20/07/1983. Nghị định 34 ngày 29/04/2014 của Chính phủ về quy chế khu vực biên giới đất liền nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Ngoài ra, còn nêu lên một số hình thức xử lý vi phạm theo tinh thần Nghị định số 96 của Chính phủ.
Vai trò, chức năng, nhiệm vụ của lực lượng Biên phòng, tuyên truyền các nội dung của Luật Biên phòng Việt Nam, Luật biên giới Quốc gia. Nêu lên văn bản pháp lý, quy định mới của phía chính quyền Campuchia và Việt Nam trong vấn đề quan lại biên giới, thuê đất canh tác trong thời gian qua. Lãnh đạo Sở Ngoại vụ cũng tuyên truyền về những quy định chung, tính pháp lý trong việc thực hiện vấn đề biên giới.
Thông báo tình hình, mối quan hệ của nhân dân hai bên biên giới. Những quy định mới nhất của chính quyền các cấp phía Campuchia về vấn đề đất đai. Những hành vi vi phạm về khu vực biên giới và hành vi vi phạm pháp luật trên biên giới. Thông báo đến bà con việc chính quyền Campuchia yêu cầu phía người dân Việt Nam không được tiếp tục thuê đất của Campuchia canh tác như trước đây…
Các cơ quan chuyên môn địa phương cũng đã tiếp thu các ý kiến đề đạt của bà con, đồng thời giải thích một số vấn đề theo thẩm quyền cho bà con rõ hơn. Yêu cầu bà con đặt vấn đề quốc gia, dân tộc lên trên hết, đừng vì một ít lợi nhuận mà cố tình tránh né, ở lại canh tác trên đất bạn.
Hành vi này có thể sẽ dẫn đến mất ANTT khu vực biên giới, ảnh hưởng đến uy tín của đất nước. Thậm chí nếu kéo dài, phía chính quyền nước bạn sẽ có biện pháp xử lý kiên quyết… Đồng thời tiếp thu các nội dung bà con đề đạt, báo cáo về trên tạo điều kiện tốt nhất, đúng pháp luật hai nước, để bà con có thể tiếp tục lao động, thậm chí tiếp tục có thể canh tác trên đất Campuchia theo các quy định mới…
Tại Hội nghị, hầu hết bà con đều đồng tình với BĐBP, chính quyền các cấp về nội dung trả đất trở về địa phương. Tuy nhiên vẫn còn nhiều ý kiến bà con đề xuất nhờ chính quyền tháo gỡ đó là: trong 29 hộ dân, có không ít hộ mới thuê đất, đã đặt cọc, nên trả đất lại đột ngột sẽ bị mất tiền. Có hộ dân thuê đất nuôi tôm, mới thả được 1-2 tháng, xin chính quyền cho thêm thời gian để thu hoạch. Đề xuất xin làm Visa sang Campuchia lao động, sau đó tiếp tục thuê đất canh tác có được không…? Hầu hết bà con đề xuất chủ yếu là xin hoãn lại thời gian để thu hoạch, sau đó về địa phương tìm việc lao động mới, sớm ổn định cuộc sống…
Phát biểu tại buổi gặp mặt, Đại tá Hoàng Minh Dẫn - Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng BĐBP tỉnh Kiên Giang đã chia sẻ với những khó khăn, vướng mắc đối với bà con mình. Đồng thời cam kết tiếp thu đầy đủ, nghiêm túc các ý kiến của bà con. Giải thích các nội dung trong phạm vi thẩm quyền tại Hội nghị để bà con hiểu, cùng với chính quyền và các đơn vị Biên phòng chấp hành yêu cầu của phía chính quyền Campuchia.
Những vấn đề vượt ngoài thẩm quyền, sẽ có trách nhiệm báo cáo lên cấp trên để giải quyết thỏa đáng cho bà con, không để bà con ta bị thiệt thòi. Đề nghị bà con khẩn trương thu hoạch hoa màu, tôm, cá, công cụ lao, không tiếp tục triển khai canh tác, nuôi trồng, để trở về nước.
Trong quá trình thu dọn nông cụ không gây mất ANTT, không làm ảnh hưởng đến đời sống, không gây tranh chấp, mất đoàn kết với người dân và chính quyền sở tại… Đồng thời cũng nhắc lại với bà con việc Campuchia yêu cầu bà con ta trả đất là rất cấp bách, đề nghị bà con có thể chịu thiệt, nhưng phải chấp hành pháp luật nước bạn, vì uy tín, danh dự của đất nước mình…
Văn Dương - Tiến VinhĐà Nẵng, Phú Quốc dẫn đầu top điểm đến được ưa chuộng dịp Tết Ất Tỵ 2025 với nhiều trải nghiệm đặc sắc thuyết phục du khách chọn “ăn tết” xa nhà hoặc tận hưởng năm mới theo cách riêng.