Kiên Giang: Vận hành thử hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé
Từ ngày 6-12/11, giao thông thuỷ tại cống Cái Bé trên sông Cái Bé và cống Cái Lớn trên sông Cái Lớn thuộc 2 huyện Châu Thành và An Biên (Kiên Giang) sẽ bị hạn chế để vận hành thử cống.
Theo Thông báo từ Cục Đường thủy nội địa phía Nam, để tổ chức thử nghiệm quy trình vận hành cống Cái Bé đoạn từ Km44+900 đến Km45+500 thuộc xã Bình An, huyện Châu Thành và cống Cái Lớn đoạn từ Km23+700 đến Km24+100 thuộc xã Hưng Yên, huyện An Biên đơn vị sẽ vận hành đóng, mở cống khoảng 6 đến 8 giờ/ngày.
Khi mực nước hạ lưu cao hơn mực nước thượng lưu sẽ tiến hành đóng cửa cống, khi mực nước hạ lưu thấp hơn thượng lưu sẽ tiến hành mở cửa cống. Các phương tiện thủy khi lưu thông đến khu vực này phải tuyệt đối tuân thủ theo quy trình vận hành, sự hướng dẫn của đội ngũ vận hành cống Cái Bé, Cái Lớn và hệ thống báo hiệu đường thủy nội địa.
Công trình cống Cái Lớn, Cống Cái Bé, Cống Xẻo Rô thuộc dự án Hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé giai đoạn I có tổng mức đầu tư hơn 3.300 tỷ đồng. Hiện nay, đã cơ bản hoàn thành công tác thi công các hạng mục chính như cống Cái Lớn, Cái Bé; đê nối cống Cái Lớn, cống Cái Bé với Quốc lộ 61 và cống Xẻo Rô. Ban quản lý đầu tư và xây dựng thủy lợi 10 - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã cho vận hành tạm thời cống Cái Bé từ tháng 2/2021, góp phần đảm bảo an toàn nguồn nước sinh hoạt và sản xuất khu vực thượng lưu cống.
Trước đó, ngày 17/6, cửa van cuối cùng trong tổng số 11 cửa van của cống Cái Lớn làm bằng thép nặng 203 tấn đã được Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng công trình thủy lợi 10 thi công lắp đặt thành công vào cống Cái Lớn. Sau khi hoàn thành, dự án này giúp kiểm soát nguồn nước, tạo điều kiện sản xuất ổn định, bền vững đối với các mô hình sản xuất cho vùng hưởng lợi với diện tích tự nhiên 384.120 ha, trong đó đất sản xuất nông nghiệp, thủy sản là 346.241 ha.
Bên cạnh đó, dự án còn kiểm soát nguồn nước (mặn, lợ, ngọt), tạo điều kiện sản xuất ổn định, bền vững đối với các mô hình sản xuất theo hệ sinh thái (ngọt, mặn - lợ, ngọt - lợ luân phiên), còn kết hợp tuyến đê biển Tây tạo thành cụm công trình chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, phòng, chống thiên tai, giảm ngập úng khi mặt đất hạ thấp (do lún sụt đất); giảm thiệt hại do thiên tai (hạn, mặn) vào mùa khô cho các mô hình sản xuất trong vùng.
Dự án góp phần cấp nước ngọt trong mùa mưa cho vùng sản xuất mặn, ngọt huyện An Minh, An Biên với những năm mưa ít và tiêu thoát cho vùng hưởng lợi của dự án trong điều kiện biến đổi khí hậu, nước biển dâng.
Văn DươngQuý III/2024, Việt Nam là quốc gia có tăng trưởng kinh tế (GDP) cao nhất khu vực ASEAN-6 (bao gồm Việt Nam, Malaysia, Singapore, Indonesia, Philippines và Thái Lan) với mức tăng 7,4%.