Kiên Giang: Vùng ven biển An Biên - An Minh rộn ràng mùa thu hoạch vẹm xanh và lúa hữu cơ trúng mùa

Địa phương
10:48 AM 28/12/2021

Nông dân hợp tác xã tôm cua lúa Thạnh An, xã Đông Thạnh, huyện An Minh đang hết sức phấn khởi, vì lúa trúng mùa, được giá, lại được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chọn thí điểm mô hình tôm lúa hữu cơ. Từ đó mở ra triển vọng nâng cao giá trị cho cây lúa trồng trên nền đất nuôi tôm, trước kia vốn yếu thế và khó cạnh tranh với các vùng chuyên canh lúa.

Trong những năm trở lại đây, nuôi vẹm xanh đang trở thành một trong những nghề ít tốn chi phí, nhưng lại cho lợi nhuận khả quan. Rất nhiều nông dân sinh sống ven biển, nhờ nghề này mà có kinh tế khấm khá. Thời điểm cuối năm, khi đến mùa thu hoạch cũng là lúc những bầu nuôi vẹm xanh ở bãi bồi ven biển của huyện An Biên lại càng rộn ràng và nhộn nhịp nhất.

Lúa hữu cơ góp phần nâng cao giá trị nông sản

Những ngày cuối năm, không khí se lạnh, trên những cánh đồng lúa vàng óng, tiếng máy suốt xen với tiếng cười nói rộn ràng. Vụ mùa năm nay, lúa hữu cơ của hợp tác xã Thạnh An đạt năng suất bình quân hơn 6 tấn/ha, công ty kí kết bao tiêu từ đầu vụ với giá 6.800 đồng/kg. Lúa trúng mùa, được giá, nông dân dự kiến có lợi nhuận khả quan đúng thời điểm chuẩn bị đón năm mới.

Nông dân hợp tác xã tôm cua lúa Thạnh An, xã Đông Thạnh, huyện An Minh thu hoạch lúa hữu cơ nền đất nuôi tôm.

Nông dân hợp tác xã tôm cua lúa Thạnh An, xã Đông Thạnh, huyện An Minh thu hoạch lúa hữu cơ nền đất nuôi tôm.

Ông Nguyễn Văn Khánh, Giám đốc hợp tác xã tôm cua lúa Thạnh An cho biết, năm 2016 khi mới thành lập, hợp tác xã chỉ có 13 thành viên, diện tích chưa đến 20ha. Lúc đầu bà con nông dân vẫn canh tác theo tập quán truyền thống. Vụ lúa gieo sạ không đồng loạt, vụ tôm cũng mỗi người một khung lịch, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật sử dụng tràn lan, dẫn đến năng suất thấp, đời sống bấp bênh. 

Thế nhưng kể từ vụ mùa năm 2017 trở đi, nhờ mạnh dạn hưởng ứng chủ trương của phòng nông nghiệp, trở thành hợp tác xã tiên phong kí kết sản xuất lúa hữu cơ với công ty. Giờ đây, đời sống của thành viên trong hợp tác xã đã thay đổi rõ rệt.

Qua 4 vụ sản xuất lúa hữu cơ, số thành viên hợp tác xã đã tăng từ 13 lên 61 thành viên, diện tích cũng tăng từ 20 ha lên gần 130 ha vào năm 2021. Ngoài lợi ích kinh tế trước mắt là được bao tiêu sản phẩm ngay từ đầu vụ với mức giá ổn định, việc canh tác lúa hữu cơ trên nền đất nuôi tôm còn đem lại nhiều giá trị mang tính lâu dài như: giúp bảo vệ sức khỏe cho nông dân, cải tạo chất lượng thổ nhưỡng, giúp duy trì ổn định năng suất lúa, tăng năng suất vụ tôm…

Toàn xã Nam Thái, huyện An Biên có hơn 1.000 ha đất bãi bồi ven biển, từ lâu đã trở thành kế mưu sinh của hàng trăm hộ gia đình.

Toàn xã Nam Thái, huyện An Biên có hơn 1.000 ha đất bãi bồi ven biển, từ lâu đã trở thành kế mưu sinh của hàng trăm hộ gia đình.

Ông Nguyễn Văn Tùng, Phó phòng NN và PTNT huyện An Minh cho biết, đối với An Minh, bình quân mỗi năm diện tích tôm lúa vào khoảng 23.000 ha, thì việc ngành nông nghiệp định hướng chuyển đổi vụ lúa mùa sang sản xuất hữu cơ được xem là giải pháp hàng đầu giúp nâng cao giá trị nông sản của huyện. Cây lúa mùa trước kia vốn cho năng suất thấp và gần như không đủ sức cạnh tranh với những vùng chuyên canh lúa, thì giờ đây khi đã trở thành lúa sạch, hữu cơ lại tìm được thị trường tiêu thụ ổn định.

Thêm một tin vui cho bà con nông dân trồng lúa hữu cơ An Minh dịp đầu năm là được Bộ nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chọn thí điểm 500 ha mô hình tôm lúa hữu cơ, dự kiến sẽ mang lại nhiều chính sách hỗ trợ thúc đẩy sản xuất. Ngành nông nghiệp huyện An Minh cũng đang chuẩn bị hoàn thành thủ tục trình đăng ký chứng nhận OCOP cho lúa hữu cơ An Minh để xây dựng thương hiệu, tạo kênh quảng bá lâu dài.

Rộn ràng thu hoạch vẹm xanh ở bãi bồi ven biển An Biên

Có dịp ra thăm bầu nuôi vẹm xanh của bà con nông dân ấp 6 Biển, xã Nam Thái, huyện An Biên đúng vào mùa thu hoạch, ẩn sâu dưới mặt nước biển mênh mông trắng xóa là cả gia tài bạc tỷ mà thiên nhiên ban tặng cho vùng bãi bồi nơi đây. Những nông dân nuôi vẹm xanh cho biết, năm nay tuy giá vẹm xanh giảm mạnh, nhưng bù lại vẹm sinh sôi tự nhiên rất nhiều, gần như không phải tốn kém chi phí mua con giống, chỉ cần đầu tư cọc gỗ, làm giàn ngầm cho vẹm bám vào, rồi thi thoảng xuống thăm xem vẹm phát triển thế nào là có thể chờ đến vụ thu hoạch.

Giá bán vẹm xanh hiện tại dao động ở mức 15.000 đồng/kg, với mức giá này, sau khi trừ chi phí, nông dân vẫn có lợi nhuận khoảng 50%.

Giá bán vẹm xanh hiện tại dao động ở mức 15.000 đồng/kg, với mức giá này, sau khi trừ chi phí, nông dân vẫn có lợi nhuận khoảng 50%.

Đầu năm 2021, anh Võ Văn Sơn (ngụ ấp 6 Biển, xã Nam Thái) vay 50 triệu đồng vốn tín chấp của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để đầu tư nuôi vẹm xanh, đến nay mới sau một vụ thu hoạch, anh Sơn đã bán khoảng 17 tấn, thu trên 200 triệu đồng. Với mức thu nhập này, không chỉ giúp anh Sơn dễ dàng trả nợ, mà còn có tích lũy thêm khoảng 100 triệu đồng cho kinh tế gia đình, nhất là khi năm mới đang đến gần.

Toàn xã Nam Thái có hơn 1.000 ha đất bãi bồi ven biển, từ lâu đã trở thành kế mưu sinh của hàng trăm hộ gia đình. Những nông dân nghèo, kinh tế khó khăn ra bám biển, được vay vốn tín chấp của ngân hàng chính sách mở mô hình nuôi tôm, cua sò, và giờ đây là nuôi vẹm xanh, đang dần vươn lên khấm khá. 

Nông dân hợp tác xã tôm cua lúa Thạnh An phấn khởi, vì lúa trúng mùa, được giá.

Nông dân hợp tác xã tôm cua lúa Thạnh An phấn khởi, vì lúa trúng mùa, được giá.

Chỉ riêng đối với mô hình nuôi vẹm xanh, bình quân mỗi bầu nuôi có diện tích khoảng 2ha, được nông dân cắm từ 1.000 - 5.000 cây cừ tràm, mỗi cừ tràm như vậy đến vụ thu hoạch sẽ cho từ 10 đến 30 kg vẹm xanh. Giá bán vẹm xanh hiện tại dao động ở mức 15.000 đồng/kg, với mức giá này, sau khi trừ chi phí, nông dân vẫn có lợi nhuận khoảng 50%.

Toàn huyện An Biên, có bờ biển dài 21km, dọc theo đó là tuyến đê quốc phòng và vành đai rừng phòng hộ ven biển với trên 7.000 ha mặt nước đất bãi bồi ven biển được giao khoán cho người dân sử dụng. 

Những năm trở lại đây, mặc dù có chịu ảnh hưởng của thời tiết và giá cả thị trường bấp bênh, nông dân vùng bãi bồi vẫn duy trì được kinh tế khấm khá nhờ biết khai thác hợp lý, bền vững nguồn lợi thủy sản do thiên nhiên ban tặng.

Văn Dương
Ý kiến của bạn
Tổng Bí thư Tô Lâm tham dự Chương trình 'Hồ Chí Minh - Hành trình khát vọng 2024 Tổng Bí thư Tô Lâm tham dự Chương trình 'Hồ Chí Minh - Hành trình khát vọng 2024

Tối 15/11, tại Cung Văn hóa Lao động hữu nghị Việt Xô, Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức Chương trình "Hồ Chí Minh - Hành trình khát vọng 2024" - Tôn vinh các điển hình tiêu biểu toàn quốc trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.