Kiên Giang: Xuân bình an, Tết sum vầy
Người dân Kiên Giang phấn khởi đón Tết Nguyên đán khi tình hình dịch COVID-19 đang ngày càng được kiểm soát tốt hơn; đời sống người dân vần ổn định, kinh tế của tỉnh tăng trưởng dương… chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực kỷ niệm Ngày thành lập Đảng và mừng Xuân Nhâm Dần 2022 trong không khí vui tươi, lành mạnh.
Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 đến trong tiết trời nắng đẹp, ấm áp, mở đầu một năm mới với những hy vọng tốt lành cho mọi người trên khắp mọi miền Tổ quốc. Những ngày đầu năm, trên các phương tiện thông tin đại chúng, các trang mạng xã hội ngập tràn những lời chào tạm biệt năm cũ với nhiều tâm trạng "vui cũng nhiều mà buồn cũng không ít" và mong năm mới 2022 đón chào những điều mới tốt đẹp hơn...
Người dân Kiên Giang cũng phấn khởi đón Tết Nguyên đán khi vừa trải qua sự bùng phát mạnh mẽ của đại dịch COVID-19, từ tỉnh nằm trong tốp có số người bị nhiễm F0 cao, có những ngày phát sinh trên 400 ca (ở cuối tháng 11/2021) đã làm ảnh hưởng không nhỏ đối với tinh thần, sức khỏe của những người không may mắc phải và những gia đình mất đi người thân; đã làm sụt giảm kinh tế của từng gia đình, của các đơn vị sản xuất kinh doanh do phải áp dụng nhiều biện pháp giãn cách xã hội để chống dịch hiệu quả…
Trước tình hình đó, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã có nhiều chỉ đạo quyết liệt để kịp thời ứng phó với diễn biến của dịch bệnh, thích ứng an toàn, linh hoạt, cùng với sự nỗ lực và với ý chí, sự quyết tâm của từng người, của các cấp, các ngành, của cả hệ thống chính trị đã thực hiện nhiều biện pháp đạt hiệu quả và đưa tỉnh trở lại trạng thái bình thường mới, hầu hết các hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội đã không còn phải hạn chế, kinh tế của tỉnh đang trên đà hồi phục; đến nay tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát, giảm mạnh (từ ngày 29 Tết đến ngày mùng 5 Tết Nhâm Dần bình quân mỗi ngày chỉ có dưới 20 trường hợp mắc COVID-19).
Các lĩnh vực kinh tế - xã hội của tỉnh năm 2021 vẫn tăng trưởng dương và đạt được một số kết quả tích cực, là một trong 6 tỉnh thuộc ĐBSCL có mức tăng trưởng dương (0,58%), tuy không cao nhưng đã thể hiện được sự đồng lòng và quyết tâm vượt khó của cả hệ thống chính trị, đã đồng hành cùng quần chúng nhân dân, các doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn.
Các chính sách an sinh xã hội được triển khai thực hiện khá tốt; tinh thần tương thân, tương ái được phát huy, thể hiện rõ trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 và chăm lo Tết cho nhân dân, nhất là những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, đảm bảo tất cả mọi người đều có Tết, vui Tết.
Đến đầu tháng 12/2021 đã giải quyết trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp cho 8.904 lao động; hỗ trợ cho 330.572 đối tượng thuộc các nhóm chính sách theo Nghị quyết số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ với số tiền trên 584 tỷ đồng; hỗ trợ cho 50.000 người trở về từ các tỉnh, thành có dịch bệnh COVID-19 với số tiền khoảng 75 tỷ đồng. Thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách đối với người có công với cách mạng, gia đình chính sách; thực hiện tốt các chính sách đối với hộ nghèo, hộ khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số…
Riêng trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, đã tổ chức thăm, chúc tết 25.377 người và 794 đơn vị lực lượng vũ trang, bệnh viện, trường, trại, trung tâm với trên 16,2 tỷ đồng; tổ chức hỗ trợ quà Tết cho gần 12.000 hộ nghèo và khó khăn với số tiền gần 6,2 tỷ đồng; quan tâm hỗ trợ 280 triệu đồng tổ chức 2 chuyến đưa hàng bình ổn giá về 7 xã đảo...
Song song đó, bằng các nguồn an sinh xã hội của các cơ quan, đơn vị cùng với vận động từ các nguồn lực xã hội, các cấp, các ngành đã tổ chức nhiều hoạt động chăm lo Tết cho người lao động hàng chục tỷ đồng, như Liên đoàn Lao động tỉnh đã lãnh đạo các cấp công đoàn hoặc phối hợp với các cơ quan, đơn vị hỗ trợ đoàn viên, người lao động trên 30 tỷ đồng, trong đó tổ chức thăm hỏi và tặng trên 50.000 phần quà, 20 học bổng cho đoàn viên, người lao động và con em của họ vượt khó học giỏi; hỗ trợ "Mái ấm Công đoàn" cho 4 đoàn viên ở các địa bàn hải đảo, biên giới đang khó khăn về nhà ở...
Thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ và đảm bảo an toàn, sức khỏe cho người dân trong điều kiện phòng, chống dịch COVID-19 nên tỉnh không tổ chức Lễ hội đón giao thừa và bắn pháo hoa tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022, tuy nhiên để tạo bầu không khí vui tươi, rộn ràng để mọi người đón một mùa xuân ấm áp, nghĩa tình.
Từ thành thị đến nông thôn, nhất là các xã nông thôn mới, trên khắp các con đường đều rực rỡ cờ, hoa, băng-rôn, panô, áp phích chào mừng kỷ niệm 92 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2022) và mừng Xuân Nhâm Dần 2022; nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật đã được tổ chức ở nhiều địa phương đảm bảo ý nghĩa, mang đậm truyền thống văn hóa dân tộc, tiết kiệm, an toàn, hiệu quả tạo không khí vui tươi, phấn khởi trong dịp tết đến, xuân về…
Các hoạt động du lịch phục vụ du khách du Xuân - đón Tết đã diễn ra trong không khí vui tươi, an toàn, hiệu quả, từ ngày 29/01/2022 (27 Tết) đến ngày 04/02/2022 (mùng 4 Tết), tổng lượt khách đến tham quan tại Kiên Giang đạt 82.000 lượt, trong đó khách người nước ngoài trên 2.700 lượt; riêng tại Phú Quốc đón trên 67.000 lượt.
Ngoài ra, với những chiến thắng của các đội bóng đá nam, nữ trong ngày mùng Một và mùng Hai tết đã làm cho niềm vui của người Việt như được nhân lên… và hơn thế nữa, niềm vui lại càng nhân lên gấp bội khi vào chiều ngày mùng 6 Tết những cô gái vàng của bóng đá Việt Nam lần đầu tiên trong lịch sử đã xuất sắc giành quyền tham dự World Cup 2023… Trong không khí đó, người dân Kiên Giang nhà nhà vui đón "Xuân bình an, Tết sum vầy", mọi người vui Xuân nhưng cũng trong tâm thế phòng chống dịch khi biến chủng Omicron của dịch COVID-19 đã và đang diễn biến phức tạp trên thế giới và đã xuất hiện tại Việt Nam.
Hòa cùng những niềm vui chung của đất nước, đồng cảm, chia sẻ với những mất mát, khó khăn do dịch bệnh, thiên tai gây ra trên khắp mọi miền của Tổ quốc trong năm qua, người dân Kiên Giang cũng như mọi người Việt Nam, cũng đồng lòng và thấu hiểu sự động viên, khuyến khích của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trong thời khắc giao thừa - Năm mới Nhâm Dần 2022: "Chính những thử thách ấy càng tôi luyện thêm cho chúng ta sức mạnh của tinh thần đoàn kết một lòng, của ý chí và lòng kiên định, xứng đáng với phẩm chất anh hùng của cha ông chúng ta trong suốt chiều dài lịch sử ‘sáng chắn bão giông, chiều ngăn nắng lửa’ trải qua hàng ngàn năm văn hiến, dựng nước và giữ nước"…
Có thể nói, một mùa Xuân với nhiều người được sum vầy, đầm ấm bên gia đình, bên những người thân, một cái Tết bình an nhưng chưa thật sự trọn vẹn, vì tuy tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh ta cơ bản đã được kiểm soát nhưng hiện vẫn còn tiếp diễn và đồng bào nhiều tỉnh, thành ở nước ta đã và đang kiên cường chiến đấu chống đại dịch COVID-19 cùng với những hậu quả của nó đã gây ra trong hơn hai năm qua ở khắp mọi nơi…
Và trong những ngày đầu năm này, là người Việt Nam dù ở đâu cũng đang nhớ và đồng cảm, chia sẻ với những người chiến sĩ đang ở tuyến đầu chống dịch; các chiến sĩ ngày đêm giữ gìn an ninh trật tự, bảo vệ biên cương, hải đảo hay những người ở nhiều ngành nghề đang tiếp tục miệt mài với công việc mà không thể đón Tết trọn vẹn bên gia đình theo truyền thống văn hóa của người Việt…
Vậy nên, mọi người, mọi giới, mọi ngành cần phải nâng cao hơn nữa ý thức, tiếp tục triển khai quyết liệt, thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh COVID-19 một cách chủ động và hiệu quả nhất, không để dịch bệnh bùng phát trở lại, đồng thời thực hiện tốt kế hoạch thích ứng an toàn để phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới; đưa Kiên Giang hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2022, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Đại hội XI Đảng bộ tỉnh Kiên Giang đã đề ra.
Văn Dương - Quốc GiangGiá xăng trong nước ngày mai (23/1) được dự báo quay đầu giảm sau khi đã có 3 lần tăng liên tiếp. Nếu không tác động đến Quỹ bình ổn, giá xăng có thể giảm khoảng 50-150 đồng/lít, trong khi giá dầu diesel có khả năng tiếp tục tăng.