Kiến nghị kéo dài chính sách giảm thuế GTGT đến sau năm 2022
Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa có công văn gửi Bộ Tài chính góp ý về đề xuất sửa đổi luật Thuế giá trị gia tăng, luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, luật Thuế thu nhập doanh nghiệp.
Theo VCCI, thuế giá trị gia tăng (GTGT) đánh vào giai đoạn của sản phẩm, từ sản xuất, lưu thông đến tiêu dùng, và do đó có tác động lớn đến kinh tế - xã hội. Các doanh nghiệp rất hoan nghênh Nghị quyết số 43/2022/NQ15 đã được Quốc hội thông qua với những giải pháp hỗ trợ về tài khóa và tiền tệ, trong đó bao gồm việc giảm thuế GTGT trong năm 2022 cho phần lớn các hàng hóa và dịch vụ (giảm từ 10% xuống còn 8% đến hết năm 2022). Do đó, VCCI kiến nghị chính sách này được tiếp tục duy trì sau năm 2022 đối với những lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19 thời gian vừa qua như du lịch, khách sạn, hàng không, hậu cần…
VCCI cũng cho rằng luật Thuế GTGT hiện hành vẫn quy định rất nhiều loại hàng hóa là đối tượng không chịu thuế GTGT như sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản nuôi trồng, đánh bắt chưa chế biến; giống vật nuôi, giống cây trồng; phân bón; máy móc nông nghiệp; tàu đánh bắt xa bờ; thức ăn chăn nuôi; muối; sách báo, tạp chí; một số loại máy móc, vật tư, phương tiện trong nước chưa sản xuất được; vũ khí, khí tài; bộ phận cơ thể nhân tạo, dụng cụ cho người khuyết tật…
Việc không được coi là đối tượng chịu thuế khiến những doanh nghiệp trong nước sản xuất loại hàng hóa này để tiêu dùng trong nước không được khấu trừ và hoàn thuế GTGT đầu vào. Quy định này khiến các doanh nghiệp trong các lĩnh vực trên gặp rất nhiều thiệt thòi. Các chi phí đầu vào như nguyên vật liệu, năng lượng, quảng cáo, dịch vụ mặt bằng, kho bãi, dịch vụ vận chuyển… đều có thuế GTGT đầu vào nhưng không được khấu trừ.
Trong khi đó, hàng hóa nhập khẩu được hưởng thuế suất 0% ở nước xuất khẩu và không chịu thuế GTGT tại Việt Nam, từ đó có lợi thế về thuế hơn các sản phẩm sản xuất trong nước. Vô hình trung, quy định này khuyến khích nhập khẩu, đi ngược lại chính sách khuyến khích sản xuất trong nước.
Ngoài ra, cách tính thuế này còn dẫn đến hệ quả làm giảm động lực chuyên môn hóa và phân công lao động trong những lĩnh vực sản xuất trên. Bởi doanh nghiệp nào càng ít mua sắm, sử dụng hàng hóa, dịch vụ mua ngoài thì số thuế GTGT không được khấu trừ càng ít và càng được lợi về thuế.
Do đó, VCCI đề nghị Bộ Tài chính nghiên cứu, hạn chế tối đa phạm vi những mặt hàng thuộc diện không chịu thuế, chuyển các mặt hàng đó sang diện có chịu thuế (với mức thuế suất tuỳ vào mục tiêu chính sách, có thể là 0% hoặc 5%).
Trong văn bản góp ý, VCCI cũng cho rằng cơ quan soạn thảo cần đặc biệt thận trọng trong việc bổ sung các hàng hoá, sản phẩm vào danh mục mặt hàng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Việc bổ sung một số mặt hàng tiêu dùng vào danh mục chịu thuế mới sẽ ảnh hưởng đến sức mua và tiêu dùng trong nước, đẩy giá một số mặt hàng và dịch vụ lên cao, từ đó có khả năng tác động tiêu cực đến sản xuất, doanh thu của doanh nghiệp và cơ hội việc làm của người lao động.
Theo VCCI, các sản phẩm thuộc diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt thường là các sản phẩm có tác động xấu đến người tiêu dùng nói riêng và xã hội nói chung, không khuyến khích hoặc hạn chế phát triển. Do đó, cần có những đánh giá kỹ lưỡng và toàn diện về tác động kinh tế, xã hội của mặt hàng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt để có những cân nhắc phù hợp.
Quang LộcTheo khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài cho năm tài chính 2024, do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện, có đến 56,1% số doanh nghiệp được khảo sát trả lời sẽ “mở rộng” kinh doanh trong 1-2 năm tới.