Kiên quyết xử phạt đơn vị cố tình chây ì nợ bảo hiểm xã hội

Sự kiện
07:31 AM 19/06/2020

Hiện nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều DN bị đình trệ khiến nợ bảo hiểm xã hội (BHXH) tăng tới gần 1.000 tỷ đồng so với cuối năm 2019. Tuy nhiên, không ít DN vẫn cân đối được thu chi nhưng lợi dụng dịch Covid-19 để chây ì, cố tình kéo dài thời gian, nợ đọng tiền BHXH.

      Người dân làm thủ tục hành chính tại BHXH Hà Nội. Ảnh: Hà Linh

    Tỷ lệ nợ đọng BHXH có dấu hiệu tăng trở lại

    Báo cáo của BHXH TP Hà Nội cho thấy, sau nhiều năm nỗ lực kiềm chế, nhưng thời điểm gần đây, tỷ lệ nợ BHXH trên địa bàn Thủ đô đang có dấu hiệu gia tăng trở lại. Tính đến cuối tháng 5/2020, Hà Nội có 57.610 đơn vị nợ tiền BHXH với tổng số tiền nợ phải tính lãi là 1.970 tỷ đồng (tương đương 4,02%), tăng 990,8 tỷ đồng so với năm 2019, tức tăng 101,8%.

    Tình trạng các đơn vị nợ BHXH không chỉ ảnh hưởng đến việc thực hiện các chỉ tiêu được giao của ngành BHXH, ảnh hưởng đến an sinh xã hội trên địa bàn TP mà nghiêm trọng hơn là nó khiến quyền lợi của hàng trăm nghìn lao động ở các DN này bị ảnh hưởng.

    Lý giải về tình trạng này, Phó Giám đốc BHXH Hà Nội Vũ Đức Thuật cho biết, nguyên nhân chính là do ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến hoạt động sản xuất kinh doanh bị đình trệ, nhiều DN không cân đối được nguồn tiền để đóng BHXH. Những đơn vị chịu ảnh hưởng nặng nề do dịch Covid-19 chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực may mặc, giày da, vận tải, nhà hàng, khách sạn, du lịch, giáo dục, văn hoá, thể thao…

    Tuy nhiên, theo ông Thuật, những DN thực sự khó khăn thì Chính phủ, TP, BHXH Việt Nam đã có các biện pháp hỗ trợ như cho tạm ngừng đóng BHXH. Cụ thể, tính đến nay, trên địa bàn TP Hà Nội đã có 113 đơn vị được phê duyệt dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất với 10.832 lao động, tương ứng với số tiền dừng đóng là hơn 31 tỷ đồng. Ngoài ra, nhiều đơn vị có biến động về lao động được giãn nợ BHXH. Đến nay, BHXH TP đã xác nhận được 56 đơn vị với 920 lao động đủ điều kiện cho giãn nợ BHXH.

    Đáng lưu ý, trên thực tế có không ít DN vẫn cân đối được thu chi, vẫn có nguồn đóng BHXH nhưng lợi dụng, dựa vào tình hình dịch bệnh Covid-19 để lấy cớ chậm đóng, cố tình kéo dài thời gian, nợ đọng tiền BHXH. Bên cạnh đó, còn có nguyên nhân chủ quan từ các giải pháp thu hồi nợ của ngành BHXH chưa phát huy hiệu quả. Trước tình trạng đó, cơ quan BHXH đã phối hợp với cơ quan quản lý thuế để theo dõi và nắm được có những đơn vị vẫn duy trì sản xuất kinh doanh, doanh thu bị giảm không nhiều, vẫn đóng thuế đầy đủ nhưng không đóng BHXH.

    Thu hồi nợ gặp khó

    Để khắc phục tình trạng DN chây ì không đóng BHXH, ngay từ đầu năm, BHXH TP Hà Nội đã giao chỉ tiêu cho BHXH các quận, huyện, thị xã và chủ động phối hợp với Cục Thuế cập nhật danh sách các DN đang đóng thuế nhưng chưa tham gia BHXH hoặc tham gia chưa đủ cho số người lao động (NLĐ) thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc.

    Từ đó, có kế hoạch phát triển, mở rộng đối tượng tham gia. Trong khi đó, cán bộ, viên chức các đơn vị BHXH đã nỗ lực tập trung rà soát danh sách đơn vị sử dụng lao động, số NLĐ tham gia BHXH, số nợ của từng đơn vị kể cả trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội phòng chống dịch Covid-19.

    “Trên cơ sở đó, BHXH Hà Nội có các giải pháp đôn đốc thu nợ như gọi điện, gửi văn bản đến các đơn vị nợ BHXH. Tuy nhiên, cái khó là cả nước đang chống dịch Covid-19, thời điểm này khi dịch đã được kiểm soát thì chúng ta phải tạo mọi điều kiện tháo gỡ khó khăn cho DN phục hồi sản xuất kinh doanh nên các giải pháp thu nợ BHXH chủ yếu vẫn chỉ là đôn đốc”- ông Thuật nói.

    Đặc biệt, lãnh đạo BHXH Hà Nội nhấn mạnh, ngành BHXH sẽ thực hiện thanh tra, kiểm tra các đơn vị sử dụng lao động, kiên quyết xử phạt, kiến nghị xử phạt hành vi chậm đóng, trốn đóng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp theo quy định nhằm giảm tỷ lệ nợ đọng, bảo đảm quyền lợi cho NLĐ.

    "Để thực hiện tốt công tác BHXH năm 2020 và thời gian tiếp theo, BHXH Hà Nội sẽ thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp để cố gắng hoàn thành các chỉ tiêu đề ra, nhất là chỉ tiêu bao phủ BHYT đạt 95% dân số; phát triển đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, BHXH tự nguyện và giảm nợ đọng. Trong đó, số người tham gia BHXH đạt 50% lực lượng lao động." - Phó Giám đốc BHXH TP Hà Nội Vũ Đức Thuật

    Hà Linh
    Ý kiến của bạn
    Standard Chartered: Kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,8% năm 2024 Standard Chartered: Kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,8% năm 2024

    Trong báo cáo cập nhật kinh tế mới nhất về Việt Nam, Standard Chartered dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng ở mức vừa phải, lãi suất được duy trì ở mức thấp. GDP của Việt Nam được kỳ vọng sẽ tăng trưởng ở mức 6,8% năm 2024, nhờ xuất khẩu và công nghiệp giữ đà tích cực.