Kiến tạo niềm tin về sự đồng hành của Chính phủ với doanh nghiệp
Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) vừa tổ chức Hội nghị tổng kết tình hình triển khai Nghị quyết số 02/NQ-CP: Kết quả, bài học và kiến nghị.
Dự hội nghị có các ông (bà): Trần Duy Đông - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Nguyễn Hoa Cương - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương; Nguyễn Thị Minh Phương - Phó Cục trưởng Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật (Bộ Tư pháp); Nguyễn Thị Phương Mai - Viện Chiến lược và Chính sách Khoa học và Công nghệ, Học viện Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo (Bộ Khoa học và Công nghệ).
Ngoài ra, còn có các ông: Phan Quốc Sơn - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thừa Thiên Huế; Nguyễn Quang Thành - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bắc Ninh; Lê Văn Quân - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội; Ngô Khắc Lễ - Phó Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam; Lê Văn Anh - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ pháp luật và phát triển nguồn nhân lực, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Trần Duy Đông - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Để thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021-2030, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 và với mục tiêu tạo chuyển biến thực chất, rõ nét về môi trường kinh doanh, ngày 10/1/2022, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 02/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2022.
Nghị quyết số 02/NQ-CP thể hiện rõ thông điệp của Chính phủ về đẩy mạnh cải cách, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; tạo niềm tin về sự đồng hành của Chính phủ với doanh nghiệp. Đặc bệt, Nghị quyết và những chỉ đạo của Chính phủ về cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh được xem là "gói hỗ trợ cần thiết" cho doanh nghiệp; qua đó tạo nền tảng và điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội cho cả giai đoạn 2021-2025 và các năm tiếp theo.
Theo thông tin từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thời gian qua, doanh nghiệp và người dân đã cảm nhận được nỗ lực đồng hành, hỗ trợ của Chính phủ để cùng vượt qua giai đoạn khó khăn và có thêm niềm tin vào một môi trường kinh doanh an toàn và sự phục hồi của nền kinh tế.
Điều này thể hiện ở số liệu, tính chung 10 tháng năm 2022, cả nước có 178.485 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 38,3% so với cùng kỳ năm trước; bình quân một tháng có 17,8 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động. Số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động trong 10 tháng năm 2022 gấp 1,46 lần số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Tuy nhiên, do bối cảnh thị trường suy giảm, giá cả tăng cao, sức khỏe của doanh nghiệp chưa kịp phục hồi nên sức chống chịu yếu hơn. Một số địa phương có chỉ số IIP tăng thấp hoặc giảm vì hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn gặp nhiều khó khăn. Thực tế này thể hiện qua con số 122.135 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 25,8% so với cùng kỳ năm 2021 (tính trong 10 tháng năm 2022), phần lớn là tạm ngừng kinh doanh ngắn hạn. Trong khi đó, áp lực và khó khăn, thách thức trong những tháng cuối năm ngày càng rõ ràng, nhiều doanh nghiệp buộc phải cắt giảm lao động, hoạt động sản xuất kinh doanh cầm chừng.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông đánh giá, trong giai đoạn hiện nay, doanh nghiệp rất cần "trợ lực" từ những gói cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh. Vậy nhưng, mức độ quan tâm của các Bộ, ngành, địa phương còn chưa đáp ứng được hết mong mỏi của doanh nghiệp. Một số mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chưa đáp ứng yêu cầu như Chính phủ đã chỉ đạo và cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng.
Thứ trưởng Trần Duy Đông kỳ vọng, tại Hội nghị này, đại diện các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp sẽ cùng nhau trao đổi về kinh nghiệm trong thực hiện cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh; thảo luận về các vấn đề của doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay và các vấn đề cần lưu ý khi triển khai Nghị quyết.
Triển khai chủ đề Hội nghị, đại diện các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp cũng đã tập trung tổng kết, đánh giá tình hình và kết quả triển khai Nghị quyết số 02/NQ-CP; đồng thời, nhận diện các vấn đề tồn tại và tìm kiếm các giải pháp phù hợp để cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh, nâng cao vị trí của nước ta trên các bảng xếp hạng quốc tế về môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh.
Nguyễn HạnhTrong tháng 9/2024, tuy bị thiệt hại nghiêm trọng do bão số 3 và mưa lũ sau bão, nhưng tốc độ tăng trưởng toàn ngành nông lâm thủy sản vẫn đạt mức trên 3%, góp phần quan trọng ổn định kinh tế vĩ mô. Ngành nông nghiệp vẫn bảo đảm tốt cung ứng lương thực thực phẩm cho tiêu thụ trong nước và xuất khẩu...