Kiều - Chủ để quá sức của điện ảnh Việt?

Tiêu dùng và Tiếp thị
11:01 AM 15/04/2021

Mới đầu năm 2021, điện ảnh Việt lần lượt chứng kiến 2 bộ phim chuyển thể từ tác phẩm "Truyện Kiều" của Đại thi hào Nguyễn Du ra mắt. Nhưng mỗi phim một vẻ, đều đem lại… tiếng thở dài ngao ngán cho khán giả nước nhà và được gắn mác "thảm họa điện ảnh".

1. Kiều@ -Thảm họa đầu năm của điện ảnh Việt

Sự thất vọng đầu tiên đến từ bộ phim "Kiều@", được giới thiệu lấy cảm hứng từ "Truyện Kiều", nhưng chỉ thấy chi tiết liên quan là đoạn "bói Kiều" đầu phim. Còn cả bộ phim là sự chắp vá rời rạc của "Nửa đời hương phấn" và những MV ca nhạc "drama" đang thịnh hành.

Kiều - Chủ để quá sức của điện ảnh Việt? - Ảnh 1.

Yếu tố "one shot" trong Kiều@ được thực hiện bằng những cú lia, chuyển cảnh, zoom khá ẩu và mờ nhoẹt, dù học theo lối one shot của phim quốc tế nhưng kỹ thuật không thể theo kịp (Ảnh: ĐPCC).

Ra rạp từ ngày 26/2 nhưng phải đến hôm 1/3, khi rạp phim ở TP.HCM mở lại và nhiều khán giả đi xem, Kiều@ mới thực sự gây xôn xao dư luận.

Trải nghiệm của người xem với bộ phim xoay quanh ba chữ "khó": khó xem, khó chịu và khó cảm.

Kiều@ được quảng bá là cú máy one-shot dài hơn 90 phút, dù vậy khâu dựng phim, kỹ xảo lại dở tệ, nhiều cú máy chao đảo và vô số cảnh tua nhanh làm hoa mắt người xem. Phần nhạc nền ma mị với âm lượng lớn được sử dụng trong hầu hết cảnh khiến rạp như bị "ô nhiễm tiếng ồn". Kịch bản vụn vặt, thiếu logic và tâm lý nhân vật hời hợt, không thuyết phục.

Kiều@ cũng có một số phân cảnh có dụng ý mạch lạc, gây xúc động. Đó là chuỗi bi kịch từ đêm Hương bị đuổi ra khỏi nhà, vái lạy mẹ từ biệt, quỳ gối xin cha tha thứ. Khi mẹ mất, cô đứng từ xa vái lạy.

Đó là cảnh người cha tiễn con lên Sài Gòn, chỉ dừng chân ở nửa cây cầu, thể hiện ý "nửa đời hương phấn". Người cha thương con nhưng ông không có tư duy hiện đại, chỉ biết một nửa cuộc đời của các con mình.

Thế nhưng, những tình tiết cảm động đó không thể cứu nổi Kiều@ khỏi việc trở thành phim thảm họa đầu năm 2021 của điện ảnh Việt.

2. Thảm họa "Kiều" của Mai Thu Huyền với những cảnh nóng được cho là dung tục, rẻ tiền

Bộ phim "Kiều" của nhà sản xuất kiêm đạo diễn Mai Thu Huyền đã nhận được sự trông đợi của khán giả từ giai đoạn sản xuất. Con số đầu tư 30 tỉ cho bộ phim và những hé lộ ban đầu của nhà sản xuất cũng khiến khán giả đặt kì vọng cho một tác phẩm đầu tiên chuyển thể đúng chất "Truyện Kiều" của Nguyễn Du.

Thế nhưng, khán giả một lần nữa thất vọng khi "Kiều" công chiếu. Bộ phim không phải quá dở, hoặc "xúc phạm Truyện Kiều" như một số bình luận quá khích. Vẫn có thể ghi nhận được những lát cắt thú vị từ nhiều chi tiết trong phim, từ dàn diễn viên đẹp, trang phục và bối cảnh hấp dẫn, từ sự nỗ lực đưa tác phẩm của đại thi hào đến với khán giá thông qua nghệ thuật thứ 7.

Thế nhưng, một vài sự động viên ít ỏi không thể thay thế được sự thật rằng phim không hay. Dẫu biết rằng phim không phải chuyển thể hoàn toàn của "Truyện Kiều" mà được gọi là "phóng tác" với thể loại huyền huyễn song cách thể hiện khiến khán giả như "nhai sạn" bởi sự phóng tay quá mức. Khán giả hoàn toàn không thể tìm thấy hình bóng những nhân vật mình từng yêu thích thông qua các nhân vật cùng tên trong phim. Những giá trị nhân văn, triết lý nhân sinh quan sâu sắc và thú vị của "Truyện Kiều" dường như bị "dung tục hóa" trong nội dung phim.

Nhiều chuyên gia điện ảnh nhận định, bộ phim như bị mắc kẹt giữa nghệ thuật và giải trí, giữa "Truyện Kiều" nguyên bản và "Kiều" hình hài hoàn toàn mới, là sự đan xen giữa một tác phẩm huyền huyễn Việt Nam và web drama.

Một cuộc thể nghiệm có thể nói là thất bại của nhà sản xuất. Cuộc thể nghiệm ấy không hoàn toàn vô ích, bởi nó giúp cho những nhà làm phim nhiều đam mê có thể thấy được bài học cho riêng mình, đặc biệt là khi chuyển thể những tác phẩm văn chương kinh điển.

Kiều - Chủ để quá sức của điện ảnh Việt? - Ảnh 2.

Phim Kiều có nhiều cảnh nóng được cho là dung tục, rẻ tiền.

Đạo diễn Mai Thu Huyền tuy có cái tâm làm phim lấy cảm hứng từ nguyên tác Truyện Kiều nhưng tay nghề còn non. Ngoài chuyện diễn viên đẹp, cảnh quay đẹp ra thì Kiều còn mắc lỗi. Thêm đó, những cảnh nóng do các diễn viên Trình Mỹ Duyên - Cao Thái Hà - Lê Anh Huy thể hiện cũng bị cho là dung tục, rẻ tiền.

Cảnh nóng đầu tiên là Kiều (Trình Mỹ Duyên) và Thúc Sinh (Lê Anh Huy) thể hiện. Cảnh này diễn ra giữa cánh đồng đầy cây cỏ, hoa lá bung xòe. Do nhìn thấy chồng mình ân ái cùng Kiều, Hoạn Thư đã sinh lòng oán hận, sau đó nàng ta đi đến một đồng cỏ khác rồi.... tự tưởng tượng ra cảnh mình đang ân ái cùng Thúc Sinh.

Ở cuối phim, 3 nhân vật tiếp tục khiến khán giả muốn ngất xỉu vì cảnh Hoạn Thư ân ái với Thúc Sinh ở ngoài trời rồi bắt Kiều ngồi đó gảy đàn hầu hạ. Thực chất, việc các phim chiếu rạp có cảnh nóng trần tục là điều quá đỗi bình thường. Riêng Kiều, cảnh nóng bị chê tơi tả vì cách quay dựng chưa phù hợp. Thay vì thấy đồng cảm cho các nhân vật, khán giả xem phim chỉ phì cười.

3. Nhật thực Sài Gòn – "Sản phẩm điện ảnh ngớ ngẩn"

Còn nhớ, cách đây hơn 10 năm, "Nhật thực Sài Gòn", một bộ phim cũng "lấy cảm hứng từ Truyện Kiều" đã thất bại thảm hại về mặt doanh thu, được mệnh danh là một "sản phẩm điện ảnh ngớ ngẩn".

Kiều - Chủ để quá sức của điện ảnh Việt? - Ảnh 3.

Trương Ngọc Ánh, Phan Thị Mơ và Trình Mỹ Duyên là 3 diễn viên lần lượt đóng Kiều (hoặc vai mô phỏng Kiều) trong Sài Gòn nhật thực, Kiều@ và Kiều (Ảnh: ĐPCC)

Sài Gòn nhật thực (2007, của đạo diễn Othello Khánh) có Trương Ngọc Ánh vào vai Kiều. Phim đưa nhân vật vào thời hiện đại, là một nữ diễn viên nổi tiếng nhưng vẫn rơi vào cảnh bán mình để trả nợ cho gia đình. Các nhân vật Kim, Trọng Hải, bà Tú... được cải biên từ Kim Trọng, Từ Hải, Tú bà...

Chủ đề buôn người, mua bán trao đổi thân xác phụ nữ được bê nguyên từ truyện cổ vào bối cảnh thời hiện đại gây cảm giác lệch pha, khiên cưỡng, thiếu hiểu biết về xã hội Việt Nam. Bên cạnh đó, Sài Gòn nhật thực còn thất bại vì ngôn ngữ lộn xộn, tình tiết ngô nghê.

Tiếc cho nhiều dự án tốn kém nhưng không chạm được đến chiều sâu của tác phẩm. Có vẻ như Kiều là một chủ đề quá sức với điện ảnh Việt? Khán giả Việt lại tiếp tục chờ đợi một "Kiều" mới, chân thực hơn, nghệ thuật hơn và chạm đến trái tim hơn.

P. Thủy
Ý kiến của bạn
Xuất khẩu dệt may tăng trưởng tháng thứ 5 liên tiếp Xuất khẩu dệt may tăng trưởng tháng thứ 5 liên tiếp

Tháng 4/2024, xuất khẩu dệt may tăng 2,8%, đánh dấu tháng thứ 5 liên tiếp tăng trưởng cùng với tình hình thị trường khởi sắc, cho thấy ngành dệt may đang dần phục hồi.