Kiều hối về TP. HCM đạt gần 9,5 tỷ USD, cao nhất trong 10 năm qua

Tài chính - Đầu tư
09:47 AM 24/01/2024

Dù rất nhiều khó khăn, nhưng lượng kiều hối chuyển về TP Hồ Chí Minh trong năm 2023 vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng tốt, đạt hơn 9,46 tỷ USD, tăng 43,3% so với năm 2022.

Ông Nguyễn Đức Lệnh - Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP Hồ Chí Minh cho biết, trong bối cảnh kinh tế thế giới suy giảm, tình hình lạm phát và xung đột vũ trang… đã ảnh hưởng rất lớn đến tăng trưởng kinh tế và các yếu tố tác động liên quan đến kiều hối. Tuy nhiên, lượng kiều hối chuyển về TP Hồ Chí Minh trong năm 2023 vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng tốt, đạt gần 9,5 tỷ USD, tăng 43,3% so với năm 2022. Đây là mức tăng trưởng cao nhất trong 10 năm trở lại đây và tiếp tục duy trì tỷ trọng cao so với tổng lượng kiều hối của cả nước ở mức trên 50%.

Kiều hối về TP. HCM đạt gần 9,5 tỷ USD, cao nhất trong 10 năm qua- Ảnh 1.

Năm 2023, TP. Hồ Chí Minh "hút" gần 9,5 tỷ USD lượng kiều hối. Ảnh minh họa, internet

Cũng theo Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP Hồ Chí Minh, nếu đặt quy mô kiều hối trong mối liên hệ so sánh với tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào TP Hồ Chí Minh trong năm 2023 thì lượng kiều hối gấp 2,7 lần và bằng khoảng 14% tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP).

“Đây là nguồn lực tài chính quan trọng trong sự phát triển đất nước. Kiều hối là nguồn ngoại tệ, với bản chất là nguồn tiền thu nhập, tích lũy, tiết kiệm của kiều bào, người lao động VN ở nước ngoài gửi về cho, tặng thân nhân. Lợi ích trong sử dụng, chi tiêu, đầu tư, kinh doanh của kiều hối mang lại hiệu quả và sự khác biệt rất lớn so với các nguồn vốn ngoại tệ khác về mặt chi phí sử dụng và điều kiện sử dụng” - ông Nguyễn Đức Lệnh cho biết.

Kiều hối chuyển về thành phố năm 2023 gắn liền với xu hướng tăng trưởng lao động và làm việc ở nước ngoài. Theo đó, phân tích kiều hối theo khu vực, lượng kiều hối chuyển về từ khu vực châu Á chiếm tỷ trọng cao nhất, tới 50,5% và tăng trưởng 143,8% so với cuối năm 2022. Trong khi đó, lượng kiều hối chuyển về từ khu vực châu Phi và châu Mỹ đều giảm. Đặc biệt, kiều hối từ khu vực châu Mỹ chiếm tỷ trọng cao, sau khu vực châu Á (chiếm 29,1%), song giá trị kiều hối chuyển về lại giảm 10,2%.

Dự báo trong năm 2024, lượng kiều hối chuyển về sẽ tiếp tục tăng. Lý giải cho nguyên nhân này, nhiều chuyên gia cho rằng do kinh tế vĩ mô ổn định và môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, cùng với cơ chế chính sách của Chính phủ, của Ngân hàng Nhà nước về thu hút kiều hối; các hoạt động văn hóa, du lịch và thể thao; hoạt động kết nối và thông tin tuyên truyền về thành tựu đất nước, sự phát triển của đất nước… đã trở thành yếu tố nền tảng và động lực thúc đẩy tăng trưởng nguồn lực kiều hối trong thời gian qua. Bên cạnh đó, hệ thống mạng lưới và dịch vụ chi trả kiều hối của các ngân hàng thương mại và các doanh nghiệp trực tiếp chi trả kiều hối phát triển, tiện ích, nhanh chóng, hiệu quả và an toàn.

Huyền My (t/h)
Ý kiến của bạn