Kim Lan - Làng gốm cổ truyền nghìn năm tuổi bên sông Hồng

Địa phương
04:14 PM 05/05/2023

Nhắc đến gốm Hà Nội, nhiều người sẽ nghĩ ngay đến làng gốm Bát Tràng (Gia Lâm, Hà Nội), nhưng ít ai biết rằng, còn có một làng gốm cổ khác đã tồn tại từ hàng ngàn năm trước, đó là làng nghề Kim Lan. Ngày nay, hàng trăm hộ gia đình nơi đây vẫn miệt mài giữ lửa cho các lò gốm.

Làng gốm nổi danh kinh thành Thăng Long xưa

Làng gốm cổ Kim Lan thuộc xã Kim Lan, huyện Gia Lâm, Hà Nội, chỉ cách làng Bát Tràng dòng kênh Bắc Hưng Hải. Gốm Kim Lan được ví như “nàng công chúa ngủ trong rừng”, ngay bên cạnh ngôi làng nổi tiếng Bát Tràng.

Qua khai quật tại di chỉ bãi Hàm Rồng vào các năm 2001 và 2003, cơ quan chức năng xác định, nghề gốm Kim Lan có từ thế kỷ VIII và phát triển hưng thịnh đến thế kỷ XVIII.

Kim Lan - Làng gốm cổ truyền nghìn năm tuổi bên sông Hồng - Ảnh 1.

Làng gốm Kim Lan đã tồn tại từ hàng ngàn năm trước. Ảnh: VNE

Từ thế kỷ VIII, gốm Kim Lan đã được xếp vào hàng những sản vật quý cùng lụa, gấm, châu, ngọc. Không chỉ có những sản phẩm giá trị, Kim Lan còn có gốm mộc, gốm thô mộc mạc, giản dị. Làng Kim Lan được biết đến là nơi sản xuất đồ gốm gia dụng của kinh thành Thăng Long xưa. Đến thế kỷ XVIII, nghề gốm ở Kim Lan dần mai một.

Những năm 1990, Kim Lan có khoảng 750 lò sản xuất gốm sứ, chủ yếu làm bát đĩa nhưng đến những năm 2010, gốm sứ lại gặp nhiều khó khăn khi cạnh tranh với sản phẩm khác trên thị trường, đặc biệt là hàng của Trung Quốc, số hộ làm gốm giảm dần.

Dù đang gặp nhiều khó khăn, những con người nơi mảnh đất ven sông này đang nỗ lực để phục dựng và bảo tồn làng nghề đúng với giá trị của nó. Hiện nay, xã Lim Lan có hơn 400 lò gốm hoạt động, thu hút hàng nghìn lao động tham gia.

Nỗ lực phục dựng và bảo tồn làng nghề cổ

Một số hộ dân đã mạnh dạn đầu tư và thay đổi phương thức sản xuất, chuyển từ sản xuất bằng lò than truyền thống sang sản xuất bằng lò gas, góp phần giảm ô nhiễm môi trường, tiết kiệm năng lượng, đồng thời nâng cao hiệu quả sản xuất. Nhờ chuyển đổi công nghệ, đã giảm hơn 80% lượng khí thải CO2 và tiết kiệm khoảng 70% năng lượng tiêu thụ.

Nếu như Bát Tràng nổi tiếng với sản phẩm gốm mỹ nghệ thì Kim Lan được coi là quê hương của đồ gốm gia dụng. Điều làm nên sự khác biệt của gốm Kim Lan đó là sản phẩm không cầu kì về chi tiết mà đơn giản, hài hòa, tạo sự tiện dụng. 

Kim Lan - Làng gốm cổ truyền nghìn năm tuổi bên sông Hồng - Ảnh 2.

Sản phẩm gốm Kim Lan không cầu kì về chi tiết mà đơn giản, tiện dụng. Ảnh: Thế giới di sản

Song với sự phát triển và nhu cầu của thị trường, các sản phẩm của làng gốm Kim Lan ngày càng phong phú và đa dạng, từ kích thước nhỏ như ống đựng tăm, chân nến cho tới cỡ lớn như vại muối dưa, đôn, chậu cây cảnh… Ngoài bát đĩa, ấm chén và những đồ thông dụng trong đời sống hàng ngày, nghệ nhân gốm Kim Lan còn sản xuất những sản phẩm giá trị như độc bình, lư, đỉnh, đèn thờ… với hai loại men truyền thống là men ngọc, men rạn. Ngoài ra còn chú trọng phát triển các sản phẩm gốm phục vụ xây dựng như gạch, ngói trang trí, con tiện lan can… 

Làng gốm Kim Lan ngày nay cho ra đời nhiều chủng loại sản phẩm chất lượng cao, không chỉ phục vụ nhu cầu trong nước mà đã vươn ra thị trường lớn trên thế giới như Nhật Bản, Hàn Quốc…

Để đẩy mạnh thương hiệu làng gốm Kim Lan, xã đang tập trung tuyên truyền để người dân hiểu và tự tin sử dụng nhãn hiệu tập thể “Gốm sứ Kim Lan” dán vào các sản phẩm để người tiêu dùng nhận diện và quảng bá cho sản phẩm địa phương.

Xã Kim Lan cũng đã thành lập hội gốm sứ, có hợp tác xã chuyên ngành về gốm sứ đại diện cho các hộ thành viên khi ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với đối tác. Đặc biệt, trong các năm gần đây, xã chú trọng hỗ trợ các chủ thể chuẩn hóa sản phẩm để dự thi trong Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của thành phố.

Đến với làng gốm lâu đời này, du khách còn có cơ hội thăm thú một địa chỉ hấp dẫn, đó là Bảo tàng gốm sứ và lịch sử xã Kim Lan. Bảo tàng nằm liền kề với khuôn viên UBND xã với diện tích khoảng 200m vuông, có phần mái được thiết kế cách điệu theo kiểu lò bầu và lò đứng, là các kiểu lò nung gốm truyền thống của người dân Kim Lan. Bảo tàng được khởi dựng từ tình yêu, tâm huyết của nhiều thế hệ người dân Kim Lan cùng các nhà khoa học trong và ngoài nước gắn bó với công tác khảo cổ tại đây. 

Kim Lan - Làng gốm cổ truyền nghìn năm tuổi bên sông Hồng - Ảnh 3.

Sản phẩm gốm sứ ngày nay (hàng trên) và những hiện vật gốm cổ quý giá (hàng dưới) – niềm tự hào của người dân Kim Lan. Ảnh: Sở Văn hóa và Thể thao HN

Công trình sưu tầm các cổ vật và xây bảo tàng gốm cổ do các bậc cao niên trong nhóm “Tìm về nguồn cội” của làng Kim Lan và Tiến sĩ người Nhật Bản Nishimura Masanari thực hiện đã được trao giải Việc làm - Vì Tình yêu Hà Nội tại lễ trao Giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội lần thứ 6 năm 2013. 

Tại Bảo tàng trưng bày hơn 300 hiện vật gốm sứ phong phú, có giá trị như: tấm ngói mũi hài; gạch trang trí hoa văn hình chim phượng; mảnh chậu, bát sứ cổ; âu men ngọc; gạch viên khắc chữ Hán…

Dành thời gian đi dọc theo con đường làng yên ả, ghé thăm các cơ sở sản xuất gốm truyền thống, tìm hiểu về quy trình làm gốm hay tìm mua những sản phẩm độc đáo sẽ thực sự là một trải nghiệm thú vị dành cho du khách khi đến với mảnh đất Kim Lan.

Kỳ vọng trong tương lai không xa, làng nghề gốm sứ Kim Lan sẽ thực sự được khôi phục, phát triển hơn nữa và là địa chỉ du lịch nổi tiếng của khách trong và ngoài nước.

Minh An
Ý kiến của bạn