Kim ngạch thương mại Việt Nam-Brazil dự kiến đạt 8 tỷ USD

Xuất nhập khẩu
08:41 AM 19/11/2024

Việt Nam và Brazil cam kết phấn đấu đưa kim ngạch thương mại song phương đạt 8 tỷ USD trong năm 2024, đạt 10 tỷ USD vào năm 2025 và 15 tỷ USD vào năm 2030.

Theo số liệu về tình hình sản xuất công nghiệp và thương mại 10 tháng năm 2024 của Bộ Công Thương, thương mại song phương Việt Nam - Brazil đạt mức tăng khá, với tổng kim ngạch gần 6,5 tỷ USD, trong đó xuất khẩu 2,21 tỷ USD, tăng 8%, nhập khẩu gần 4,25 tỷ USD, tăng 12,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Cán cân thương mại nghiêng về Việt Nam nhập siêu hơn 2 tỷ USD.

Kim ngạch thương mại Việt Nam-Brazil dự kiến đạt 8 tỷ USD- Ảnh 1.

Thương mại hàng hóa giữa Việt Nam- Brazil dự kiến đạt 8 tỷ USD vào cuối năm nay. Ảnh: Internet

Brazil hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam tại Mỹ Latinh và lớn thứ hai tại khu vực châu Mỹ (chỉ sau Hoa Kỳ). Năm 2023, kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Brazil đạt khoảng 7 tỷ USD, tăng 4,8% so với năm trước. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Brazil đạt 2,44 tỷ USD, tăng 9%, nhập khẩu đạt 4,67 tỷ USD, tăng 2,8%.

Ở chiều ngược lại, Việt Nam là đối tác hàng đầu của Brazil trong khu vực ASEAN. Hợp tác về kinh tế - thương mại đang trở thành nền tảng cho quan hệ lâu dài giữa hai nước. Việt Nam là nhà cung cấp thứ 17 và là đối tác thương mại lớn thứ 18 của Brazil.

Việt Nam xuất khẩu sang Brazil chủ yếu là thủy sản, cao su, dệt may, giày dép, sắt thép; và nhập khẩu từ Brazil các mặt hàng đậu tương, lúa mì, ngô, thức ăn gia súc và nguyên liệu, bông các loại...

Hai nước phấn đấu đạt kim ngạch song phương 8 tỷ trong năm 2024, nâng lên 10 tỷ USD năm 2025 và 15 tỷ USD năm 2030.

Về đầu tư, tính lũy kế đến tháng 10/2024, Brazil có 7 dự án đầu tư vào Việt Nam với tổng vốn đăng ký 3,85 triệu USD, chủ yếu trong lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo, bán buôn và bán lẻ, hoạt động chuyên môn khoa học công nghệ.

Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương) cho biết, thương mại 2 chiều tăng cao và chiếm tỷ trọng lớn trong quan hệ ngoại thương với các quốc gia thuộc Mỹ Latinh, nhưng quan hệ hợp tác hai nước vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức, bao gồm khoảng cách địa lý, khác biệt về ngôn ngữ và một số rào cản trong thương mại.

Thương vụ Việt Nam tại Brazil lưu ý, Brazil là đối tác thương mại tiềm năng cho doanh nghiệp Việt Nam, nhu cầu nhập khẩu lớn và cũng là thị trường tương đối dễ tính, không quá khắt khe về tiêu chuẩn và chất lượng. Nhưng trên hết, các doanh nghiệp, ngành hàng cần chủ động hơn trong việc tiếp cận thị trường, quảng bá sản phẩm và năng lực cung ứng, phổ biến nhất là tham dự các sự kiện xúc tiến thương mại chuyên ngành về thủy sản, hàng tiêu dùng, công nghiệp chế biến chế tạo...

Thời gian tới, Thương vụ sẽ tăng cường làm việc với các cơ quan sở tại để đẩy mạnh các kênh xuất khẩu, tích cực hỗ trợ doanh nghiệp tăng xuất khẩu vào Brazil và các nước kiêm nhiệm, thông qua các hội chợ thực phẩm, đồ gia dụng, sản phẩm gỗ, thủ công mỹ nghệ, hội chợ tổng hợp cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, và một số hội chợ khác.

Minh An (t/h)
Ý kiến của bạn
Doanh nghiệp Việt cần chủ động ứng phó với các biện pháp phòng vệ thương mại Doanh nghiệp Việt cần chủ động ứng phó với các biện pháp phòng vệ thương mại

Theo các chuyên gia, doanh nghiệp Việt cần chuẩn bị tâm thế sẵn sàng ứng phó thông qua việc nâng cao chất lượng sản phẩm, thường xuyên cập nhật thông tin về các biện pháp phòng vệ thương mại...