Kim ngạch xuất khẩu dệt may tăng 5,04%
Theo số liệu thống kê từ Tổng cục hải quan, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam sang các thị trường trên thế giới trong 6 tháng đầu năm 2024 đạt trên 16,52 tỷ USD, tăng 5,04% so với 6 tháng đầu năm 2023.
Hiện Việt Nam đang nằm trong top 3 quốc gia xuất khẩu dệt may lớn nhất thế giới khi đã xuất khẩu 36 mặt hàng dệt may sang 104 thị trường. Trong đó, Mỹ là thị trường chiếm tỷ trọng lớn nhất, tiếp đó là EU, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản.
6 tháng đầu năm, xuất khẩu sang EU chiếm 11,54% trong tổng kim ngạch, đạt gần 1,91 tỷ USD, tăng 1,63%. Xuất khẩu sang EU, một trong những thị trường tiêu thụ lớn bên cạnh Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc đang hồi phục, nhưng mức hồi phục chỉ là nhẹ. Năm ngoái, xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam sang EU chịu nhiều ảnh hưởng của suy giảm kinh tế, thương mại toàn cầu, chỉ đạt 3,843 tỷ USD, giảm 14,1% so với năm 2022.
Nửa đầu năm 2024, hàng dệt may của Việt Nam xuất khẩu sang Hà Lan, thị trường tiêu thụ hàng dệt may lớn nhất của Việt Nam thuộc khối này ghi nhận phục hồi mạnh nhất, mang về xấp xỉ 565,29 triệu USD, tăng 19,97% so với cùng kỳ, chiếm 29,65% trong tổng kim ngạch xuất khẩu sang EU.
Đáng chú ý, trong 6 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu hàng dệt may sang Séc mặc dù kim ngạch không cao, chỉ đạt gần 14,52 triệu USD nhưng so với cùng kỳ năm 2023 tăng rất mạnh 48,98%. Bên cạnh đó, xuất khẩu sang Slovakia cũng tăng mạnh 55,32%, đạt trên 2,39 triệu USD; xuất khẩu sang Luxembourg tăng 24,76%, đạt trên 1,74 triệu USD.
Ngược lại, xuất khẩu hàng dệt may giảm mạnh ở các thị trường như: Áo giảm 32,37%, đạt gần 4,17 triệu USD; Hungary giảm 31,21%, đạt trên 0,57 triệu USD.
Đức là một trong số các thị trường chưa có sự phục hồi, thậm chí tiếp tục giảm so với năm trước. Cụ thể, 6 tháng qua, hàng dệt may xuất sang Đức mới đạt 363,65 triệu USD, giảm 18,26% so với cùng kỳ.
Dự báo, xuất khẩu hàng dệt may sang EU nửa cuối năm 2024 sẽ phục hồi rõ nét hơn khi vào mùa nghỉ lễ (Giáng sinh, Tết dương lịch).
Mục tiêu được ngành dệt may đặt ra trong năm 2024 là sẽ xuất khẩu 44 tỷ USD, tăng 9,2% so với năm 2023. Tuy nhiên, để thực hiện mục tiêu này, từ nay tới năm 2030, ngành dệt may sẽ phải chuyển dần từ trọng tâm phát triển nhanh sang trọng tâm phát triển bền vững, kinh doanh tuần hoàn. Giai đoạn 2031-2035, phát triển hiệu quả, bền vững theo mô hình kinh tế tuần hoàn; hoàn thiện chuỗi giá trị trong nước và tham gia ở vị trí có giá trị cao trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Xuất khẩu và tiêu thụ trong nước bằng các thương hiệu riêng mang tầm khu vực và thế giới.
Trong bối cảnh hiện tại, để tham gia vào chuỗi cung ứng và đạt mục tiêu đề ra, Phó Tổng Thư ký Vitas cho rằng, các doanh nghiệp Việt Nam phải thay đổi chiến lược sản xuất thông qua cải tiến quy trình, đổi mới máy móc thiết bị, công nghệ, ứng dụng tự động hóa các khâu sản xuất nhằm nâng cao chất lượng, công suất sản xuất, linh hoạt đáp ứng các đơn hàng nhỏ, đa dạng sản phẩm.
Ngoài việc cắt giảm chi phí và thời gian sản xuất, doanh nghiệp cũng phải chú trọng đến việc lựa chọn các nguyên vật liệu thân thiện với môi trường, có khả năng tái chế phù hợp với xu hướng kinh tế tuần hoàn. Doanh nghiệp cũng phải đa dạng hóa thị trường, khách hàng; linh hoạt, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu đa dạng của người mua mới có thể duy trì và phát triển lâu dài.
Huyền My (t/h)VNDirect cho rằng nền kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục giữ vững đà tăng trưởng mạnh mẽ trong quý IV với GDP dự báo tăng 7,1%, nâng dự báo tăng trưởng GDP năm 2024 của Việt Nam lên 6,9%.