Kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may quý I/2021 ước đạt 7,18 tỷ USD
Theo Bộ Công Thương, ngành dệt may trong quý I/2021 đã khởi sắc hơn so với cùng kỳ năm trước.
Kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may quý I/2021 ước đạt 7,18 tỷ USD, tăng 1,1% so với cùng kỳ; kim ngạch xuất khẩu xơ, sợi dệt các loại tăng 31%; kim ngạch xuất khẩu vải mành, vải kỹ thuật khác tăng 8,8%.
Sự hồi phục về xuất khẩu của ngành dệt may Việt Nam trong năm 2021 đã được nhiều chuyên gia và các tổ chức dự báo. Sự hồi phục này có được, đầu tiên là nhờ nỗ lực của Chính phủ và Bộ Công Thương đã có nhiều chính sách và động thái hỗ trợ triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường và thông thương hàng hoá.
Thông qua hội nghị giao thương trực tuyến, các doanh nghiệp Ấn Độ có ấn tượng tốt và đang xem xét hợp tác đầu tư vào lĩnh vực dệt may với Việt Nam nhằm thúc đẩy sự phát triển của ngành dệt may nội địa. Điều này đem lại kỳ vọng tỷ trọng giá trị nhập khẩu vải từ Ấn Độ của doanh nghiệp Việt Nam sẽ tăng từ 1% lên 8% trong năm 2021. Đồng thời giúp ngành giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn nguyên phụ liệu nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc.
Việt Nam cũng đã đàm phán với các nước trong EU về điều khoản cho phép các doanh nghiệp Việt Nam bổ sung xuất xứ của nguyên phụ liệu dệt may nhập khẩu từ Hàn Quốc (các nước đã ký hiệp định thương mại tự do với EU) vào sản phẩm dệt may sản xuất tại Việt Nam để được hưởng ưu đãi thuế quan khi xuất khẩu sang các nước EU. Trước đó, Công ty VNDIRECT dự báo, giá trị nhập khẩu vải của Việt Nam từ thị trường Hàn Quốc sẽ tăng mạnh trong giai đoạn 2021-2022, chiếm 25% tổng kim ngạch nhập khẩu vải.
Sự trợ sức kịp thời của Chính phủ là nền tảng tốt cho ngành dệt may từng bước khắc phục khó khăn, gia tăng xuất khẩu. Tuy nhiên, không thể không kể tới sự chủ động của chính bản thân doanh nghiệp trong quá trình ổn định sản xuất, tìm kiếm đơn hàng và đặc biệt là mạnh dạn tái cơ cấu sản xuất để phù hợp với thay đổi của thị trường.
Với kết quả đạt được trong quý I của dệt may Việt Nam đã mở ra những tín hiệu tích cực cho quý II/2021.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ Công Thương, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam, trong đó có mặt hàng dệt may vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Diễn biến gia tăng của dịch COVID-19 có thể khiến vận chuyển hàng hóa tiếp tục gặp trở ngại.
Các doanh nghiệp mong muốn Chính phủ tiếp tục thực hiện các giải pháp hỗ trợ như: kéo dài chính sách miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, giãn thuế, gia hạn nộp thuế trong năm nay để lấy lại đà hồi phục...
Để hỗ trợ cho cộng đồng doanh nghiệp, Bộ Công Thương sẽ tổ chức khai thác, tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do để tìm giải pháp phát triển thị trường và tháo gỡ rào cản để thâm nhập các thị trường mới; Tiếp tục theo dõi sát sao diễn biến của đại dịch COVID-19 trên thế giới để có các biện pháp ứng phó kịp thời; Ưu tiên triển khai các hoạt động xúc tiến xuất khẩu và các thị trường xuất khẩu sớm khôi phục sau đại dịch; Tập trung theo dõi sát tình hình từng thị trường để rà soát, xác định các chủng loại hàng hóa mà các nước đang có nhu cầu nhập khẩu để khai thác, thúc đẩy xuất khẩu.
Nhung T. (Tổng hợp)Từ 11/11/2024, người dân có thể sử dụng tài khoản VNeID để đăng nhập trên ứng dụng iHanoi. Việc tích hợp VNeID lên iHanoi có thể coi là 1 bước tiến lớn khi mang lại nhiều lợi ích hơn tới người dân Thủ đô.