Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa năm 2020 có thể đạt 267 tỷ USD

Thị trường
08:50 AM 18/12/2020

Năm 2020 được đánh giá là năm khó khăn cho xuất khẩu hàng hóa do dịch COVID-19 song hoạt động xuất khẩu của Việt Nam vẫn có nhiều mảng sáng. Dự kiến, cả năm 2020 kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt khoảng 267 tỷ USD; kim ngạch nhập khẩu hàng hóa đạt khoảng 260 tỷ USD; thặng dư thương mại hàng hóa vào khoảng 7 tỷ USD.

Toàn cảnh diễn đàn

Đây là thông tin được Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết tại “Diễn đàn Xúc tiến xuất khẩu Việt Nam 2020”, do Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan và các tổ chức xúc tiến thương mại quốc tế tổ chức ngày 16/12, tại Hà Nội. Diễn đàn nhằm mục đích trao đổi định hướng xúc tiến thương mại giai đoạn 2021 - 2025.

Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa năm 2020 có thể đạt 267 tỷ USD - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải phát biểu tại diễn đàn

Phát biểu tại diễn đàn, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh, năm 2020, với tác động nặng nề của dịch bệnh COVID-19, là một năm đầy khó khăn đối với mọi lĩnh vực của nền kinh tế; trong đó có xuất khẩu nói chung và xúc tiến xuất khẩu nói riêng. Tuy nhiên, có thể nói hoạt động ngoại thương của Việt Nam vẫn đạt được kết quả đáng tự hào.

Điều này thể hiện qua hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam tính đến hết tháng 11 năm 2020 đạt mức xuất siêu kỷ lục 20,1 tỷ USD.

Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa 11 tháng đạt 489,1 tỷ USD, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm trước; trong đó xuất khẩu đạt 254,6 tỷ USD, tăng 5,3%; nhập khẩu đạt 234,5 tỷ USD, tăng 1,5%. Đáng lưu ý, có 31 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 92% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, qua diễn đàn này, Bộ Công Thương mong muốn được lắng nghe những chia sẻ về định hướng xúc tiến xuất khẩu bền vững của ngành, lĩnh vực cũng như các kiến nghị, đề xuất với Bộ Công Thương trong phối hợp, triển khai xúc tiến xuất khẩu ngành trong trung và dài hạn, có trọng tâm, trọng điểm.

Ngoài ra, Bộ Công Thương kỳ vọng các tổ chức xúc tiến thương mại quốc tế chia sẻ kinh nghiệm triển khai hoạt động xúc tiến thương mại trên thế giới, cung cấp các thông tin hữu ích về hướng phát triển thị trường xuất khẩu cho doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh hiện nay và các năm tiếp theo.

Tuy nhiên dù đạt được nhiều kết quả khả quan về xuất khẩu hàng hóa, nhưng vẫn có những ý kiến tại diễn đàn nhìn nhận, hiện nay các hình thức xúc tiến thương mại để thúc đẩy xuất khẩu bền vững còn hạn chế, là rào cản khiến cho doanh nghiệp Việt Nam chưa tạo dựng được thương hiệu, chỗ đứng vững chắc trên thị trường.

Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) phân tích, với quy mô kim ngạch xuất nhập khẩu lên tới hơn 500 tỷ USD, hoạt động xúc tiến xuất khẩu cần tương xứng hơn với giá trị xuất khẩu của Việt Nam trên thương trường.

"Do nguồn lực có hạn nên quy mô hoạt động xúc tiến thương mại còn hạn chế. Nguồn lực ngân sách nhà nước dành cho xúc tiến thương mại còn dàn trải cả Trung ương và địa phương, bộ ngành. Điều này dẫn tới nhiều hoạt động có phần bị chồng lấn, trùng lắp. Bên cạnh đó, hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin, truyền thông marketing theo xu hướng mới hiện đại còn hạn chế", ông Phú nói.

Lãnh đạo Cục Xúc tiến thương mại chia sẻ thêm, tới đây Bộ Công Thương sẽ tập trung hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu ứng phó và chủ động trước dịch COVID-19, nâng cao và nâng tầm hình ảnh sản phẩm, thương hiệu sản phẩm.

Cùng với đó, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển thương mại điện tử, đặc biệt trong dịch COVID-19 vừa qua thương mại điện tử tăng trưởng mạnh nhờ hoạt động hỗ trợ của Chính phủ định hướng, hướng dẫn đào tạo doanh nghiệp…

Tại diễn đàn, các đại biểu không chỉ tập trung thảo luận những mục tiêu chiến lược mà còn thảo luận nhiều giải pháp có tính thực tiễn nhằm thích ứng với điều kiện kinh tế toàn cầu biến động khó lường do chiến tranh thương mại, thiên tai, dịch bệnh như hiện nay.

Đặc biệt, diễn đàn còn thu hút sự tham gia chia sẻ về định hướng sản xuất và xúc tiến xuất khẩu bền vững của các ngành hàng Việt Nam có tính nội lực cao, có tiềm năng gia tăng quy mô và giá trị xuất khẩu cũng như đang nỗ lực hướng tới phát triển bền vững như thủy sản, cao su, dệt may, chế biến gỗ...

Bên cạnh đó, các bài tham luận cũng hướng đến mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu bền vững cũng như sáng kiến, chương trình hành động cụ thể để lồng ghép, kết hợp nguồn lực với Bộ Công Thương triển khai hiệu quả kế hoạch xúc tiến xuất khẩu giai đoạn 2020-2025, góp phần thúc đẩy quan hệ thương mại giữa Việt Nam và các nước.

T.H
Ý kiến của bạn