Theo thống kê của Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), 6 tháng qua, sản lượng thủy sản ước đạt 4,1 triệu tấn, tăng 2,8% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, sản lượng khai thác đạt 2 triệu tấn, tăng 1,4%; sản lượng nuôi trồng đạt 2,1 triệu tấn, tăng 4,1%...
Xuất khẩu thủy sản trong tháng 6/2021 tiếp tục tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái khi đạt 865 triệu USD.
Đối với mặt hàng tôm, trong tháng 6/2021, XK tôm đạt khoảng 402 triệu USD, tăng 15%, đưa tổng kim ngạch 6 tháng đầu năm đạt 1,7 tỷ USD, tăng 13% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó tôm chân trắng chiếm 76% với trên 1,3 tỷ USD, tăng 23%; tôm sú chiếm 15%, đạt 257 triệu USD, giảm 10%; tôm biển các loại chiếm 9% đạt 154 triệu USD, giảm 16%.
Những thị trường XK chính của tôm Việt Nam như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức đều đang gia tăng NK tôm, do vậy XK sang những nước này tăng trưởng tốt. Trong đó, XK tôm sang Mỹ đang có đà tăng trưởng hàng tháng 45-46%, sang Nhật Bản tăng 17%, sang Hàn Quốc tăng 10%, Đức 60%, sang Anh tăng 15%.
Trừ thị trường Mỹ và Trung Quốc, tôm Việt Nam đang đứng VỊ TRÍ SỐ 1 tại hầu hết các thị trường với kim ngạch nổi trội hơn so với các nước khác. Tuy nhiên, tại Mỹ, thị trường NK tôm lớn nhất (chiếm 30% NK tôm thế giới và chiếm 22% XK tôm Việt Nam), tôm Việt Nam đứng sau Ấn Độ, Indonesia và Ecuador. Ấn Độ và Ecuador chiếm tỷ trọng chi phối tại Mỹ (33% và 15%), trong khi Indonesia chiếm khoảng 25%, Việt Nam chiếm khoảng 8,5%.
Tại Trung Quốc, tôm Ecuador và Ấn Độ cũng chiếm trọng số cao (khoảng 55% và 25%). Năm 2021, NK tôm từ 2 nước này và các nước châu Á khác vào Trung Quốc bị giảm do quy định kiểm tra gắt gao hàng thuỷ sản đông lạnh NK tại các cảng NK. Do vậy, các nhà XK tôm này đều chuyển hướng tập trung vào thị trường Mỹ cho phân khúc tôm đông lạnh và có kế hoạch sản xuất tôm chế biến phục vụ thị trường EU và các thị trường khác.
Còn XK cá tra sau khi tăng mạnh 39% trong tháng 5, tiếp tục tăng 35% trong tháng 6 khi đạt trên 150 triệu USD. Tổng 6 tháng đầu năm nay, XK cá tra đạt 788 triệu USD, tăng 18% so với cùng kỳ năm ngoái.
XK cá tra sang Trung Quốc đã và sẽ tiếp tục giảm khoảng 5-7% trong những tháng tới. Dù đang sụt giảm, nhưng Trung Quốc vẫn chiếm tỷ trọng cao nhất, 26% XK cá tra Việt Nam, do vậy những ách tắc của thị trường này đang tác động đáng kể đến XK của doanh nghiệp Việt Nam.
Trong khi đó, XK sang Mỹ và một số những thị trường nhỏ đang hồi phục rất mạnh mẽ, trong đó XK sang Mỹ đang tăng khoảng trên 170%, chiếm 21%. XK sang Mexico, Brazil, Anh, Thái Lan, Hà Lan, Colombia, Nga đều đạt mức tăng trưởng 3 con số (từ 100 – 450%). Mỗi thị trường này chiếm khoảng 2,5-4% giá trị XK cá tra của Việt Nam, sẽ là những điểm đến tiềm năng cho cá tra Việt Nam, bù đắp sự sụt giảm tại Trung Quốc.
Với các sản phẩm hải sản, kim ngạch XK nửa đầu năm 2021 đạt 1,6 tỷ USD, tăng 16%. Riêng trong tháng 6, XK hải sản tăng 21% đạt 312 triệu USD. Hải sản chiếm gần 40% tổng kim ngạch XK thuỷ sản Việt Nam. Trong đó, XK cá ngừ chiếm 9% với 364 triệu USD trong nửa đầu năm, tăng 24% so với cùng kỳ năm 2020. XK mực, bạch tuộc tăng 15% đạt 277 triệu USD, chiếm 7%, các loại cá khác chiếm 22% đạt 847 triệu USD, tăng 13%...
Cả mực, bạch tuộc và cá ngừ đều đang có đà tăng trưởng mạnh tại hầu hết các thị trường lớn. Trong vài tháng gần đây, thị trường Mỹ tăng NK cá ngừ Việt Nam gấp 1,5 lần so với cùng kỳ năm trước, do vậy nửa đầu năm XK cá ngừ sang Mỹ tăng 23%. Mỹ đang tiêu thụ 43% XK cá ngừ của Việt Nam. Thị trường Mỹ mở cửa trở lại, tất cả các phân khúc sản phẩm cá ngừ đều có cơ hội gia tăng thị phần sang đây. Các thị trường chủ lực khác dù chiếm tỷ trọng nhỏ hơn nhưng đều có những tín hiệu rất lạc quan bởi mức tăng trưởng rất cao: sang Italy tăng 122% trong 6 tháng đầu năm, sang Israel tăng 37%, sang Canada tăng 62%.
XK mực, bạch tuộc sang Hàn Quốc – thị trường lớn nhất (chiếm 41%) đang có xu hướng gia tăng với tăng trưởng 7-8%, sang Nhật Bản (chiếm 20%) cũng đang có chiều hướng tốt. Trong khi đó, XK sang Italy đang tăng vọt 170% qua các tháng gần đây và tăng gần 70% trong nửa đầu năm. Đó là những tín hiệu để XK mực, bạch tuộc tiếp tục kỳ vọng tăng trưởng mạnh hơn trong những tháng tiếp theo.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), với đà tăng trưởng hiện nay, con số 8,8-9 tỷ USD cuối năm 2021 là mục tiêu khả thi và XK thủy sản Việt Nam có thể cán đích 9 tỷ USD cả năm nay.
Tuy nhiên, hoạt động sản xuất, tiêu thụ, xuất khẩu thủy sản đang đối mặt với hàng loạt khó khăn, thách thức do ảnh hưởng của dịch COVID-19 và tác động của biến đổi khí hậu.
Do đó, để đạt được mục tiêu 9 tỷ USD, các doanh nghiệp cần tăng cường đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ mới để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm cũng như hiệu quả sản xuất, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và quốc tế. Các địa phương tăng cường giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, tiêu thụ sản phẩm thủy sản; hướng dẫn doanh nghiệp tuân thủ các yêu cầu về phòng, chống dịch COVID-19 trong sản xuất...
Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam Nguyễn Hoài Nam chia sẻ với báo chí, thời gian tới, nhu cầu về sản phẩm thủy sản tươi sống tiếp tục giảm, thay vào đó, các thị trường hướng tới những sản phẩm đóng hộp, hàng khô, hàng bảo quản... với giá cả phù hợp cho việc tiêu thụ tại các kênh bán lẻ. Do đó, các doanh nghiệp cần đẩy mạnh chế biến thủy sản, đa dạng hóa sản phẩm, đặc biệt là sản phẩm đóng hộp...; đồng thời, dự trữ nguyên liệu, kết nối lại chuỗi cung ứng toàn cầu và thúc đẩy tiêu thụ tại thị trường nội địa.
Và một điều không thể không nói đến là cơ cấu lại các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thủy sản theo mô hình kinh tế tuần hoàn, theo chuỗi an toàn dịch bệnh, đáp ứng yêu cầu giám sát an toàn thực phẩm của thị trường; đồng thời, xây dựng thương hiệu các mặt hàng thủy sản Việt Nam nhằm nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm.