Kim ngạch xuất khẩu thủy sản dự kiến đạt 2,3 tỷ USD trong 3 tháng cuối năm

Đầu tư và Tiếp thị
10:05 AM 06/10/2020

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) dự báo xuất khẩu thủy sản của Việt Nam trong 3 tháng cuối năm đạt khoảng 2,3 tỷ USD, giảm nhẹ so với cùng kỳ.

Theo Bộ Công Thương, do tác động của dịch Covid-19, 9 tháng đầu năm nay kim ngạch ngành thủy sản đã giảm nhẹ 4% so với cùng kỳ. Lũy kế 9 tháng đầu năm xuất khẩu thủy sản ước đạt gần 6 tỷ USD. Trong số các sản phẩm xuất khẩu chính, chỉ có tôm có mức tăng trưởng khả quan trong khi cá tra và các mặt hàng hải sản đều sụt giảm. Trong 9 tháng qua, Việt Nam xuất khẩu thủy sản sang 154 thị trường, trong đó top 6 thị trường gồm Nhật Bản, Mỹ, Trung Quốc, EU, Hàn Quốc và ASEAN chiếm gần 80% kim ngạch xuất khẩu.

Theo VASEP, cho đến thời điểm hiện tại, xuất khẩu thủy sản Việt Nam vẫn chưa thoát được cơn khủng hoảng suy giảm do nhu cầu giảm, sản xuất bị ảnh hưởng khiến nguyên liệu chế biến giảm.

Kim ngạch xuất khẩu thủy sản dự kiến đạt 2,3 tỷ USD trong 3 tháng cuối năm - Ảnh 1.

Kim ngạch xuất khẩu thủy sản dự kiến đạt 2,3 tỷ USD trong 3 tháng cuối năm

Cụ thể, xu hướng tiêu thụ thủy sản trên thị trường thế giới thay đổi, theo đó những sản phẩm phục vụ cho phân khúc dịch vụ như cá tra và một số sản phẩm có giá vừa phải bị sụt giảm nhu cầu vì yêu cầu giãn cách xã hội và lệnh phong tỏa ở các nước. Ngoài ra, thiếu hụt nguyên liệu khai thác trong nước và nhập khẩu cũng khiến cho xuất khẩu mặt hàng hải sản sụt giảm trong thời gian qua.

Mặc dù vậy, VASEP cho rằng, trong các tháng tới thủy sản Việt Nam vẫn có cơ hội ở các thị trường. Điển hình là thị trường Mỹ, Việt Nam vẫn có thể tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu tôm, nhất là tôm chân trắng vì sản phẩm này vẫn tiêu thụ tốt tại phân khúc bán lẻ, đồng thời Việt Nam có thể tăng chế biến và xuất khẩu các sản phẩm có thời hạn bảo quản lâu như cá ngừ và cá biển khác đóng hộp.

Hay với thị trường EU, mặc dù dịch Covid-19 làm giảm nhu cầu và gây khó khăn cho giao thương thủy sản nhưng tôm chân trắng cũng đang có chiều hướng tăng tiêu thụ trên thị trường này. Ngoài ra, các mặt hàng thủy sản như tôm, cá ngừ, mực bạch tuộc và nhuyễn thể được hưởng thuế 0% khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực từ 1/8/2020. Đây sẽ là đòn bẩy để thúc đẩy xuất khẩu thủy sản sang thị trường EU tăng trong những tháng cuối năm nếu các doanh nghiệp có nguồn nguyên liệu tốt và tận dụng hiệu quả ưu đãi thuế quan.

Đối với thị trường Trung Quốc, dự báo nhu cầu sẽ hồi phục trong những tháng cuối năm, khi nguồn cung trong nước của Trung Quốc bị sụt giảm do dịch Covid-19. Còn ở hai thị trường Hàn Quốc và Nhật Bản sẽ vẫn duy trì ổn định, không tăng đột phá nhưng sẽ tăng tốt với mặt hàng tôm trong những tháng tới.

Nhiều doanh nghiệp thủy sản cho biết, do các tháng đầu năm xuất khẩu không thuận lợi, kim ngạch của nhiều đơn vị đã sụt giảm mạnh. Chính vì thế, kể từ quý III/2020, khi thị trường bắt đầu khởi sắc trở lại nhiều doanh nghiệp đã tăng tốc tiến độ giao hàng cũng như tận dụng cơ hội của Hiệp định EVFTA để đàm phán với đối tác. Tới nay, về cơ bản việc xuất khẩu của doanh nghiệp sang các nước EU, Nhật Bản, Hàn Quốc đã tốt hơn so với hồi đầu năm.

Từ những tín hiệu, VASEP dự báo, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam 3 tháng cuối năm sẽ đạt khoảng 2,3 tỷ USD, giảm nhẹ 2% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó tôm tăng 9%, đạt 1,1 tỷ USD; cá tra giảm 31%, đạt 365 triệu USD; các mặt hàng hải sản đạt khoảng 854 triệu USD, tăng 7,5% với cùng kỳ năm 2019.

P. Thủy
Ý kiến của bạn