Kim ngạch xuất nhập khẩu gần chạm mốc 650 tỷ USD
Theo số liệu mới nhất của Tổng cục Hải quan, lũy kế 10 tháng 2024, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của cả nước đạt 647,78 tỷ USD, tăng 15,8%, tương ứng tăng 88,57 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2023.
Trong tháng 10, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước đạt 69,19 tỷ USD, tăng 5,1% (tương ứng tăng 3,35 tỷ USD) so với tháng trước.
Trong đó, xuất khẩu đạt 35,59 tỷ USD, tăng 4,4% (tương ứng tăng 1,51 tỷ USD) và nhập khẩu đạt 33,60 tỷ USD, tăng 5,8% (tương ứng tăng 1,84 tỷ USD).
Cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam trong tháng 10 thặng dư 1,99 tỷ USD.
Tính chung trong 10 tháng tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước đạt 647,87 tỷ USD, tăng 15,8% (tương ứng tăng 88,57 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, xuất khẩu đạt 335,59 tỷ USD, tăng 14,9% (tương ứng tăng 43,54 tỷ USD) và nhập khẩu đạt 312,28 tỷ USD, tăng 16,8% (tương ứng tăng 45,03 tỷ USD).
Cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam 10 tháng thặng dư 23,31 tỷ USD, thấp hơn 6% so với con số thặng dư 24,8 tỷ USD của cùng kỳ năm trước. Thương mại phục hồi tích cực, đơn hàng xuất khẩu đi các thị trường lớn đều tăng 2 con số, nhờ đó cải thiện số thu ngân sách từ xuất nhập khẩu.
Dự báo về xuất khẩu trong thời gian còn lại của năm 2024, ông Bùi Huy Sơn - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính (Bộ Công Thương) - cho rằng, dù rủi ro còn không ít, xung đột địa chính trị làm ảnh hưởng trực tiếp đến chuỗi cung ứng, giá cước vận tải biển vẫn cao.., nhưng xuất khẩu hàng hóa cuối năm vẫn còn dư địa tăng trưởng.
Bởi, nhu cầu tiêu thụ cuối năm tại các thị trường lớn như Hoa Kỳ và EU sẽ là động lực quan trọng thúc đẩy xuất khẩu, đặc biệt trong lĩnh vực điện tử, hàng tiêu dùng, và dệt may (các nhà bán lẻ toàn cầu tăng cường dự trữ hàng hóa cho các dịp lễ lớn). Thị trường xuất khẩu thuộc các Hiệp định thương mại tự do (FTA) tiếp tục có tác động tích cực, duy trì lợi thế của Việt Nam trong hoạt động thương mại, đầu tư…
Để tiếp sức cho sản xuất, thương mại quý IV/2024, quý có ý nghĩa quyết định trong việc hoàn thành mục tiêu cả năm 2024, Bộ Công Thương cho biết, sẽ tăng hỗ trợ các doanh nghiệp, ngành hàng khôi phục sản xuất, tận dụng các FTA nhằm đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu.
Còn theo ông Trần Thanh Hải – Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), dự báo trong những tháng cuối năm, cả hai nhóm hàng nông sản và công nghiệp chế biến chế tạo sẽ tiếp tục duy trì tăng trưởng tốt. Với tốc độ tăng trưởng hiện nay và sự phục hồi của các thị trường chủ chốt, đặc biệt là Hoa Kỳ và EU, khi dấu hiệu lạm phát giảm, sức mua sẽ tăng trở lại.
Với kết quả đạt được trong 10 tháng và tốc độ tăng trưởng gần đây, nhiều chuyên gia, nhà quản lý kỳ vọng, kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2024 sẽ cán mốc kỷ lục mới 800 tỷ USD.
Các chuyên gia cũng cho rằng, doanh nghiệp cần tiếp tục đầu tư nâng cao chất lượng, mẫu mã hàng hoá để chinh phục thị trường nhập khẩu. Bên cạnh đó, tăng cường liên doanh liên kết nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, hàng hoá.
Huyền My (t/h)Dự kiến kim ngạch xuất khẩu ngành hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam năm 2024 đạt khoảng 2 tỷ USD. Tuy nhiên, nếu nỗ lực khắc phục được những hạn chế, năm 2025, Việt Nam có thể tăng kim ngạch xuất khẩu ngành hàng này lên mức 4 tỷ USD và đạt 6 tỷ USD vào năm 2030.