Kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của cả nước giảm 40 tỷ USD

Xuất nhập khẩu
08:55 AM 20/05/2023

Tính đến ngày 15/5, kim ngạch xuất nhập khẩu của nước ta chỉ đạt 230 tỷ USD, giảm 15,3% so với cùng kỳ năm trước, tương đương giảm gần 40 tỷ USD.

Số liệu thống kê Tổng cục Hải quan mới công bố cho hay, trong nửa đầu tháng 5, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của cả nước đạt 11,4 tỷ USD, giảm hơn 21% so với nửa cuối tháng 4. Lũy kế từ đầu năm đến ngày 15/5, xuất khẩu hàng hóa của cả nước đạt 118,6 tỷ USD, giảm 12,8% so với cùng kỳ năm trước.

Kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của cả nước giảm 40 tỷ USD - Ảnh 1.

Nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam giảm so với năm ngoái. Ảnh minh họa.

Ở chiều ngược lại, nhập khẩu hàng hóa trong nửa đầu tháng 5 đạt 12,4 tỷ USD, tăng nhẹ so với kỳ trước. Tuy nhiên, nếu tính chung từ đầu năm đến ngày 15/5, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt 112 tỷ USD, giảm 18% so với cùng kỳ năm ngoái.

Như vậy, đến nay tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước chỉ đạt hơn 230 tỷ USD, giảm 15,3% so với cùng kỳ năm trước, tương đương giảm gần 40 tỷ USD. Con số còn thấp hơn cả thời điểm dịch COVID-19 bùng phát mạnh năm 2021, khi đó tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 234 tỷ USD.

Đáng chú ý, các nhóm hàng xuất nhập khẩu chủ lực như: điện thoại và linh kiện; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; dệt may; giày dép… đều giảm sâu so với cùng kỳ năm ngoái.

Với quy mô hiện nay, những tháng đầu năm kim ngạch xuất nhập khẩu chỉ đạt bình quân 51,2 tỷ USD mỗi tháng, trong khi con số này của cùng kỳ năm ngoái đạt hơn 60 tỷ USD.

Theo Tổng cục Hải quan, để đạt được quy mô tương đương năm ngoái (hơn 730 tỷ USD), trong thời gian còn lại của năm nay, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam phải đạt khoảng 500 tỷ USD, tương đương bình quân gần 67 tỷ USD mỗi tháng. Đây là mục tiêu đầy thách thức đặt ra đối với cơ quan quản lý và cộng đồng doanh nghiệp.

Quang Lộc (T/h)
Ý kiến của bạn
Dự kiến sức mua dịp Tết Nguyên đán 2025 có thể tăng hơn 10% Dự kiến sức mua dịp Tết Nguyên đán 2025 có thể tăng hơn 10%

Theo Bộ Công Thương, dự kiến sức mua năm nay có thể tăng trên 10% so với cùng kỳ năm trước. Nguồn cung các mặt hàng thiết yếu cũng được các doanh nghiệp chủ động chuẩn bị từ rất sớm với lượng hàng dự trữ tăng từ 10-25% so với cùng kỳ.