Kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam - Trung Quốc tăng 25,4%
5 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam - Trung Quốc đạt 77,5 tỷ USD, tăng 25,4% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó tăng cả ở chiều xuất khẩu và nhập máy móc, thiết bị, nguyên liệu đầu vào.
Theo Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương), Trung Quốc tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất, thị trường nhập khẩu lớn nhất và thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam.
Trong 5 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với Trung Quốc đạt 77,5 tỷ USD, tăng 25,4% so với cùng kỳ năm 2023. Trong số đó, xuất khẩu của Việt Nam đến Trung Quốc đạt 22,6 tỷ USD, tăng 9,9% so với cùng kỳ năm 2023; nhập khẩu của Việt Nam từ Trung Quốc đạt 19,3 tỷ USD, tăng 33,2% so với cùng kỳ năm 2023. Nhập siêu của Việt Nam từ Trung Quốc có giá trị 32,3 tỷ USD, tăng 56,3% so với cùng kỳ năm 2023.
Kết quả xuất nhập khẩu 5 tháng đã khởi sắc thấy rõ, bởi cả năm trước, thương mại 2 chiều Việt - Trung giảm 2,6% so với năm 2022, đạt 171,9 tỷ USD. Theo đó, xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 61,2 tỷ USD, tăng 5,6%, nhập khẩu từ Trung Quốc đạt 110,6 tỷ USD, giảm 6,6%; nhập siêu ở mức 49,4 tỷ USD, giảm 18,4%.
Việt Nam tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong khối ASEAN. Về mặt hàng, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc các mặt hàng như điện thoại di động, linh kiện, thiết bị điện tử, cao su, nông sản, thủy hải sản... và nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc sản phẩm như máy móc, thiết bị, nguyên liệu sản xuất trong ngành may mặc, giày da, sắt thép, vật tư xây dựng... cho đến các mặt hàng sinh hoạt hàng ngày.
Dẫn đầu kim ngạch xuất khẩu sang thị trường tỷ dân 5 tháng đầu năm 2024, nhóm mặt hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt hơn 4,7 tỷ USD, tăng 3,01% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 21% tỷ trọng xuất khẩu; tiếp đến là nhóm hàng điện thoại các loại và linh kiện đạt hơn 4,6 tỷ USD, chiếm 20,7% tỷ trọng xuất khẩu.
Thời gian qua, Việt Nam và Trung Quốc đã có nhiều thỏa thuận hợp tác song phương, cũng như các hiệp định đa phương như: Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc (ACFTA), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP); giai đoạn tới, Trung Quốc đang thúc đẩy việc tham gia vào Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)…
Cùng đó, xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang Trung Quốc không ngừng được mở rộng và Trung Quốc trở thành một trong những thị trường quan trọng nhất đối với nông, lâm, thủy sản Việt Nam. Đặc biệt, sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam từ hoa quả đến thực phẩm chế biến đang tạo ra chỗ đứng trên thị trường Trung Quốc. Trong 5 tháng đầu năm 2024, rau quả xuất khẩu sang Trung Quốc tăng 32,9%; hạt điều tăng 45,6%; cà phê tăng 52,9% so với cùng kỳ năm trước...
Huyền My (t/h)Từ 11/11/2024, người dân có thể sử dụng tài khoản VNeID để đăng nhập trên ứng dụng iHanoi. Việc tích hợp VNeID lên iHanoi có thể coi là 1 bước tiến lớn khi mang lại nhiều lợi ích hơn tới người dân Thủ đô.