Kinh doanh bán lẻ đã bằng và vượt mức trước đại dịch
Theo kết quả khảo sát các doanh nghiệp ngành bán lẻ do Vietnam Report vừa thực hiện cho thấy, tính đến thời điểm này, cả nước hiện có trên 53,8% số doanh nghiệp bán lẻ báo cáo đạt hiệu quả kinh doanh bằng và vượt mức trước đại dịch.
Với quy mô dân số gần 100 triệu dân, được xếp vào nhóm các quốc gia phát triển tầng lớp trung lưu mạnh nhất thập niên và trở thành một điểm đến hấp dẫn của nhiều nhà đầu tư nước ngoài, trong dài hạn, thị trường bán lẻ Việt Nam còn được thúc đẩy mạnh mẽ.
Kết quả khảo sát doanh nghiệp bán lẻ mới đây cho thấy, 53,8% đơn vị bán lẻ đã đạt hiệu quả kinh doanh bằng và vượt mức trước đại dịch; 91,7% số doanh nghiệp tin tưởng triển vọng kinh doanh năm 2023 sẽ khả quan hơn so với cùng kỳ các năm trước đó.
Tăng trưởng của ngành bán lẻ đã đóng góp rất lớn vào sự phục hồi chung của nền kinh tế, bất chấp tình hình thế giới đang có nhiều bất ổn. Đặc biệt, trong cuộc đua phục hồi sau đại dịch COVID-19, thị trường bán lẻ Việt Nam đã chứng kiến sự tăng tốc của nhiều doanh nghiệp trong việc ứng dụng số hóa vào quản trị, vận hành, logistics lẫn phân phối.
Cũng trong một báo cáo mới đây của Bộ Công Thương, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải ghi nhận, ngành bán lẻ Việt Nam hiện có quy mô thị trường 142 tỷ đô la Mỹ (USD) và dự báo tăng lên 350 tỷ USD vào năm 2025, đóng góp 59% tổng ngân sách quốc nội (GDP).
Hết năm 2022, hoạt động thương mại trong nước đã bắt đầu phục hồi tích cực; các chương trình kích cầu tiêu dùng hay tháng khuyến mại cũng đang được tổ chức đồng loạt ở các địa phương trên cả nước giúp thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng và mua sắm gia tăng.
Có thể đánh giá chung rằng, kết nối cung cầu đang được thực hiện khá tốt; giá cả hàng hóa tương đối ổn định, góp phần đạt mục tiêu kiểm soát lạm phát nhờ việc gắn kết tạo nguồn hàng ổn định giữa các nhà sản xuất trong nước với các hệ thống phân phối lớn trên toàn quốc. Chính vì lẽ đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ năm 2022 đã tăng 21%, vượt mục tiêu kế hoạch của ngành công thương.
Tuy nhiên, hiện nay, thị trường bán lẻ Việt Nam xuất hiện ngày càng nhiều mặt hàng tiêu dùng của các nước như: Thái Lan, Hàn Quốc, Trung Quốc… với quy mô ngày càng lớn và trên nhiều kênh phân phối khác nhau. Đặc biệt, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đang cạnh tranh rất mạnh mẽ, quyết liệt để thâm nhập và phát triển, mở rộng hệ thống phân phối trong nước. Hiện nay, doanh nghiệp FDI đóng góp 20,13% GDP, chiếm 72% tổng giá trị xuất khẩu, khoảng 50% sản lượng công nghiệp và chiếm gần 50% thị phần kênh bán lẻ hiện đại.
Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, sau 3 năm đại dịch, xu hướng tiêu dùng của khách hàng thay đổi khá rõ nét. Các siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi nơi có sản phẩm đảm bảo chất lượng và giá cả hàng hóa phù hợp, cùng nhiều chương trình khuyến mại hấp dẫn ngày càng được ưa chuộng và trở thành điểm đến mua sắm yêu thích của người tiêu dùng.
Trong sự phát triển sôi động của thị trường bán lẻ hiện nay, các doanh nghiệp nhỏ và vừa phải cạnh tranh thị phần khá khốc liệt với các doanh nghiệp lớn (hầu hết là doanh nghiệp FDI) đang chiếm lợi thế nhờ giảm thiểu tác động của giá vốn tăng cao và từ đó đưa ra được nhiều chiết khấu hơn để hỗ trợ khách hàng trong bối cảnh áp lực lạm phát.
Bộ Công thương khuyến nghị, sự thay đổi trong hành vi của người tiêu dùng trong phương thức mua sắm đặt ra cho các nhà bán lẻ trong nước phải thay đổi phương thức tổ chức để giữ được thị phần, giữ được lợi thế “sân nhà”, trước mắt là tái cơ cấu và gia tăng sự hiện diện ở phân khúc cửa hàng.
Ngoài ra, muốn cạnh tranh hiệu quả trong tình hình mới, cùng với những kênh bán hàng truyền thống, nhà bán lẻ cần khẩn trương chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin, cập nhật nhanh nhạy ứng dụng thương mại điện tử, khai thác sâu các kênh bán hàng trực tuyến, tích hợp đa kênh phương tiện trong thương mại điện tử...
Trong 5 chiến lược trọng tâm thời kỳ mới của các doanh nghiệp bán lẻ sau dịch, gần 80% doanh nghiệp bán lẻ cho rằng cần phải đa dạng hóa sản phẩm, nhà cung cấp và kiểm soát chất lượng đầu vào để đảm bảo hàng hóa cung ứng liên tục.
Ngoài ra những kế hoạch liên quan đến số hóa, mở rộng thị trường hoặc phát triển mô hình bán lẻ mới cũng được quan tâm.
Thương Huyền (T/h)Báo cáo từ Bộ Tài chính cho biết, ước giải ngân vốn đầu tư công của cả nước đến hết tháng 11 là 410.953,1 tỷ đồng, đạt 60,43% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.