Kinh doanh dịch vụ đòi nợ: Lăn tăn quản hay là cấm?

Đời sống
06:32 AM 26/05/2020

Những tranh cãi xung quanh vấn đề quản lý ngành nghề kinh doanh đòi nợ vẫn chưa tới hồi kết thúc.

    Nên cấm, không nên cấm, rất nên cấm, rồi lại rất không nên cấm... các quan điểm cứ đan xen “bất phân thắng bại” tại nhiều góp ý nhằm hoàn thiện quy định liên quan đến kinh doanh dịch vụ đòi nợ tại Dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi).

    Hôm nay (26/5), Dự thảo Luật Đầu tư được mang ra thảo luận lần cuối cùng trước khi thông qua. Đây là Dự thảo Luật thu hút sự quan tâm rất lớn của dư luận.

    Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án luật ngày 25/5 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho biết, do còn nhiều ý kiến khác nhau, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin trình hai phương án để Quốc hội xem xét, quyết định.

    Phương án 1: Giữ quy định như dự thảo Luật đã trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8, theo đó cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ. Vì thời gian qua, mặc dù đã có quy định về hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ nhưng nhiều doanh nghiệp, cá nhân lợi dụng để biến tướng thành các băng nhóm xã hội, tội phạm nhằm cưỡng đoạt tài sản, gây áp lực đối với con nợ, cho vay nặng lãi, hoạt động tín dụng đen, gây mất trật tự, an toàn xã hội, dẫn tới nhiều hệ quả xấu đối với xã hội.

    Phương án 2: Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội không quy định cấm “kinh doanh dịch vụ đòi nợ” tại điểm h khoản 1 Điều 6 mà quy định tại Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện như Luật hiện hành. Việc thuê một đơn vị trung gian đứng ra thu hồi nợ xuất phát từ nhu cầu thực tế của cuộc sống, đáp ứng nhu cầu của khách hàng khi các công ty kinh doanh dịch vụ đòi nợ sử dụng các công cụ, biện pháp đạt kết quả, phù hợp với các quy định của pháp luật. Để hạn chế tiêu cực phát sinh, đề nghị bổ sung quy định về điều kiện chặt chẽ đối với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ, bảo đảm quản lý nhà nước chặt chẽ đối với loại hình kinh doanh này.

    Về vấn đề này, Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật Basico, Trọng tài Viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam cho rằng đề xuất đưa ngành kinh doanh dịch vụ đòi nợ vào danh mục ngành nghề cấm đầu tư, kinh doanh là không hợp lý. Nhìn nhận dịch vụ đòi nợ đã phát sinh một số yếu tố tiêu cực nhưng LS Đức nhấn mạnh ngành kinh doanh nào cũng có những mặt hạn chế nhất định nhưng nhìn trên tổng thể, đây vẫn là dịch vụ cần thiết trong nền kinh tế.

    Theo ông Đức, dịch vụ đòi nợ đã được pháp luật thừa nhận nhiều năm nay, đã có khung khổ pháp lý để điều chỉnh. Tuy nhiên, các chính sách này cần tiếp tục được hoàn thiện. Ngoài ra, cần nâng cao năng lực quản lý của cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan trực tiếp tham gia vào các trường hợp khi xảy ra rủi ro, nâng cao trách nhiệm với người dân hơn.

    Theo chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu thay vì đưa ra quy định cấm, cơ quan nhà nước cần phải “nhìn thẳng, nhìn thật” trong công tác quản lý, giám sát để dịch vụ này hoạt động lành mạnh. Ngoài ra, cần có những quy định rõ ràng, đi vào chi tiết hơn như hành vi mà doanh nghiệp kinh doanh đòi nợ không được làm để đạt mục đích. Vị chuyên gia này cảnh báo việc cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê sẽ làm phát sinh các hiện tượng đòi nợ bất hợp pháp khác, khi đó nhà chức trách càng gặp khó trong quản lý.

    Theo Luật Đầu tư hiện hành, kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuộc nhóm ngành nghề kinh doanh có điều kiện và được hướng dẫn cụ thể về các điều kiện tại Nghị định 96/2016/NĐ-CP và Nghị định 104/2007/NĐ-CP về kinh doanh dịch vụ đòi nợ.

    Công ty đòi nợ được làm gì?

    Điều 7 của Nghị định 104 quy định rõ các biện pháp trong hoạt động dịch vụ đòi nợ. Cụ thể, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ đại diện cho chủ nợ được thực hiện các biện pháp thích hợp để thu thập, phân tích, đối chiếu các thông tin liên quan, xác định rõ các khoản nợ. Đồng thời, thông báo việc đòi nợ và đề nghị khách nợ cung cấp thông tin, phối hợp hỗ trợ hoặc áp dụng các biện pháp thích hợp, phù hợp với luật pháp để khách nợ thực hiện nghĩa vụ trả nợ.

    Cuối cùng, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ được nhận tài sản do khách nợ hoặc tổ chức, cá nhân khác liên quan giao để thực hiện nghĩa vụ trả nợ của khách nợ theo ủy quyền của chủ nợ.

     

    Ý kiến của bạn