Kinh doanh khách sạn bao giờ "hết khó"?
Dịch bệnh dai dẳng, ngày càng phức tạp khiến nhiều doanh nghiệp kinh doanh khách sạn rơi vào tình cảnh "bế tắc". Dù đã tìm mọi biện pháp phục hồi nhưng tình hình không được cải thiện, chỉ còn cách chờ các chính sách hỗ trợ "cởi trói".
Tắc lối ra, bao giờ "cơn bĩ cực"
Thị trường kinh doanh khách sạn thực tế đã vô cùng ảm đạm vào đầu năm 2021 vì Việt Nam ngay từ tháng 1 đã bước vào làn sóng thứ 2 của đại dịch COVID-19. Tình thế càng trở nên cùng cực, thậm chí rơi vào tình cảnh “zero” (số 0) kể từ tháng 4/2021, khi làn sóng dịch lần thứ 4 ập đến.
Điểm sáng duy nhất của thị trường này vào thời điểm quý II/2021 là nhu cầu cách ly tập trung tăng lên, nhiều khách sạn đã đăng ký làm cơ sở cách ly có thu phí. Nhờ đó, công suất thuê phòng quý II đạt 18%, tăng nhẹ 1% so với quý I, cao hơn 5% so với cùng kỳ năm ngoái với tổng số phòng được thuê tăng 53% theo năm. Công suất tăng xuất phát từ nhu cầu lưu trú dài hạn và tỉ lệ lấp đầy của khách sạn cách ly có thu phí đạt trên 60%.
Nhu cầu phát sinh trong đợt dịch lần thứ tư khiến giá phòng bình quân tại thủ đô đạt 77 USD mỗi phòng một đêm, tăng 1% so với quý trước.
Nhiều người nói về việc mở dịch vụ cho thuê để làm khu cách ly COVID-19 như một giải pháp, coi như "ánh sáng nơi cuối đường hầm". Song, theo nhiều chuyên gia, nếu coi đây là “ánh sáng” thì đây chỉ là ánh sáng của con đom đóm, không thể trở thành lối ra cho thị trường khách sạn.
Đến thời điểm hiện tại, bức tranh của ngành khách sạn tại 3 thành phố lớn nhất Việt Nam lại u ám. Chưa bao giờ làn sóng rao bán khách sạn lại bất thường và "nở rộ" như hiện tại.
Trên các nền tảng quảng cáo mua bán nhà đất, thông tin niêm yết của các sàn giao dịch bất động sản (BĐS), hàng loạt các khách sạn được chào bán với mức giá sale từ 20 - 30% so với trước khi có dịch.
Trên thị trường Hà Nội, tình trạng rao bán khách sạn ngày càng nhiều. Một khách sạn 4 sao trên phố Lò Sũ, quận Hoàn Kiếm rao bán khách sạn 10 tầng, diện tích 130m2, giá 115 tỷ đồng. Một khách sạn trên phố Bảo Khánh, gần hồ Hoàn Kiếm được rao bán 230 tỷ đồng có 50 phòng. Cũng ngay trên phố Bảo Khánh có chủ rao bán khách sạn 4 sao, 225 tỷ đồng có diện tích 158m2, 12 tầng, 45 phòng.
Có một thực tế là các chủ khách sạn đang ở tình cảnh “tiến thoái lưỡng nan”, đóng hay mở đều ở thế khó. Nếu mở, chi phí nhân công, điện nước, bảo dưỡng, lãi vay... đè nặng, thu không đủ chi. Nếu đóng, thất thoát cũng không nhỏ, nhẹ thì ẩm mốc, hoen ố, vật dụng xuống cấp, nặng thì hư hỏng, cháy nổ. Khi mở lại, chi phí bảo trì cũng tốn bộn tiền.
Chưa kể đến việc ngành khách sạn đang bị chảy máu nhân sự nặng nề, vì giới chủ không có khả năng trả lương cho người lao động. Viễn cảnh chắc chắn xảy ra là khi hoạt động trở lại, các khách sạn sẽ “đói” người. Doanh nghiệp lại phải tuyển dụng, đào tạo từ đầu, lại phải vất vả thêm lần nữa, tốn kém lần nữa, mà đào tạo cấp thấp còn dễ chứ cấp cao rất khó. Khách sạn có mở cửa được cũng phải từng bước, phải tốn kém rất nhiều mới có thể ổn định được.
Gỡ "nút thắt" cho ngành khách sạn
Trước tình hình đó, theo ông Nguyễn Hùng Anh, cộng đồng doanh nghiệp du lịch rất mong chính quyền TP có những chính sách cụ thể hỗ trợ các khách sạn khôi phục hoạt động, kịp thời nắm bắt những cơ hội kinh doanh mới trong trạng thái “bình thường mới” khi dịch bệnh sẽ dần được kiểm soát.
Cụ thể, qua lấy ý kiến thì các doanh nghiệp khách sạn đề nghị xem xét miễn, giảm tiền thuê đất cho các khách sạn đang thuê đất trả tiền hàng năm hoặc 1 lần để giảm bớt chi phí khi đóng cửa. Đồng thời đề nghị ngành ngân hàng có chính sách ưu đãi lãi suất hỗ trợ để các khách sạn bổ sung dòng tiền nhằm phục hồi kinh doanh.
Cùng với đó, cộng đồng các doanh nghiệp kinh doanh khách sạn cũng kiến nghị chính quyền các cấp xem xét miễn, giảm và hoãn nộp các loại thuế ít nhất 1 năm kể từ khi khách sạn mở cửa trở lại để bổ sung dòng tiền phục vụ kinh doanh.
Ngoài ra, tiếp cận nguồn vốn và cách thức vận hành cơ sở lưu trú phù hợp với xu thế mới là những vấn đề được nhắc đến, giúp doanh nghiệp kinh doanh khách sạn vượt qua "cơn bĩ cực".
Về vấn đề này, bối cảnh mới đòi hỏi doanh nghiệp lưu trú không thể làm kinh doanh một mình, cần phải đồng hành, sát cánh. Ngành khách sạn phải phát triển bền vững, mang lại giá trị về thương hiệu và lợi nhuận đầu tư và kinh doanh của doanh nghiệp.
Để làm được điều này, cơ quản quản lý nhà nước cần được tư vấn về định vị thị trường mục tiêu, các thị trường ngắn hạn và dài hạn, các thị trường có khả năng phát triển bền vững để từ đó thúc đẩy xúc tiến điểm đến.
Áp dụng chuyển đổi số trong các hoạt động cũng là điều bắt buộc phải làm, từng bước xây dựng mô hình khách sạn thông minh và triển khai tư vấn cho khách sạn.
Bên cạnh đó, Sở Du lịch các tỉnh, TP cần kiểm soát việc phát triển cơ sở lưu trú quá nhiều, tránh lặp lại tình trạng phát triển nóng, cung vượt quá nhiều so với cầu, gây ra các hiệu ứng tiêu cực không đáng có.
Hoài ThươngKhi cái lạnh mùa đông tràn về, không ít du khách chọn cách “chạy trốn” rét buốt để tìm đến những miền đất ấm áp, rực rỡ ánh đèn lễ hội.