Kinh tế đêm tại Việt Nam: Khách vẫn hỏi chơi gì sau 22h?
Kinh tế đêm đã và đang trở thành động lực phát triển kinh tế tại nhiều quốc gia trên thế giới như Anh, Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc. Tuy nhiên, ở Việt Nam, lĩnh vực giàu tiềm năng này vẫn chưa được khai thác xứng tầm, dẫn đến sự thiếu hụt những trải nghiệm hấp dẫn du khách.
Đến Thủ đô không chỉ là dạo phố cổ, đi ăn đêm
Doanh nhân người Anh James Brogan, từng đến Việt Nam công tác và du lịch vài lần, ấn tượng với một vài hoạt động giải trí về đêm ở phố cổ Hà Nội như ngồi uống bia tại "ngã tư quốc tế" Tạ Hiện hay thưởng thức cà phê đường tàu Phùng Hưng. Tuy nhiên, cũng giống như quan sát của một người bạn Ấn Độ đang sinh sống tại Việt Nam, anh cảm nhận rằng ngoài dịch vụ ăn uống, mua sắm, khách sạn hay bar karaoke, "bữa tiệc buffet du lịch đêm" vẫn chưa có nhiều lựa chọn, dù các chương trình biểu diễn về đêm đã tăng lên đáng kể.

Thạc sĩ Đặng Hoàng Anh (Trường Đại học Thương mại) nhìn nhận thế mạnh về ẩm thực Hà Nội có thể sánh ngang các thành phố lớn của Thái Lan nhưng ẩm thực đường phố chủ yếu là bán rong. Tại các khu vực kinh doanh kinh tế đêm, dịch vụ còn nghèo nàn, chủ yếu là ẩm thực và mua sắm sản phẩm giá trị thấp, hoạt động còn xen lẫn khu dân cư nên chưa đảm bảo về trật tự.

Phố đêm Tạ Hiện chỉ đơn thuần là kéo dài hoạt động thương mại ban ngày
Thống kê từ Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, năm 2025 ghi nhận Hà Nội đón hơn 1 triệu lượt khách quốc tế dịp Tết Nguyên Đán, mang về hơn 3.530 tỷ đồng. Phần lớn hoạt động vẫn chủ yếu diễn ra vào ban ngày. Một số sự kiện như lễ hội ánh sáng, lễ hội âm nhạc đã được tổ chức để thúc đẩy kinh tế đêm, nhưng phần lớn chỉ mang tính thời điểm và chưa tạo được sự liên kết dài hạn.
PGS.TS Nguyễn Ngọc Sơn (Trường Đại học Kinh tế Quốc dân) cho rằng, dù Hà Nội đã đạt được những bước tiến đầu tiên nhờ các chính sách hỗ trợ, nhưng vẫn cần giải quyết những hạn chế nhằm tăng chất lượng kinh tế đêm. Mặc dù trong doanh thu về lưu trú ăn uống của khách du lịch tăng đều trong những năm gần đây, nhưng du khách không chỉ muốn trải nghiệm ẩm thực mà còn mong chờ các chương trình văn nghệ đường phố mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, đặc biệt là các buổi biểu diễn ứng dụng công nghệ hiện đại của nghệ sĩ nổi tiếng. Những hoạt động này cần tới không gian khác ngoài phố cổ.
"Bước chân ánh sáng" cần tăng tốc
Đề án Phát triển kinh tế ban đêm đã triển khai sau gần 5 năm nhưng nhiều địa phương vẫn chưa đạt kỳ vọng. Không riêng Hà Nội, sức sống về đêm ở các thị trường trọng điểm như TP.HCM, Đà Nẵng, Hội An hay các thành phố du lịch khác… vẫn còn chưa vươn hết sức.

Phố đi bộ Nguyễn Huệ về đêm
Tại TP.HCM, phố đi bộ Nguyễn Huệ, khu vực Bùi Viện, chợ Bến Thành là những điểm sáng ban đêm, nhưng phần lớn các dịch vụ vẫn chỉ xoay quanh ăn uống và giải trí đơn giản. Trong khi đó, chính quyền thành phố nhận định, kinh tế đêm không nên chỉ gói gọn ở "ăn nhậu vỉa hè" mà cần mở rộng sang các hoạt động hiện đại, mang tính văn hóa và bản sắc địa phương. Hiện TP.HCM đang thử nghiệm các tuyến du lịch sông về đêm và hệ sinh thái du lịch "không ngủ", nhưng bài toán đồng bộ hóa và tính hiệu quả vẫn còn ở phía trước.

Tour du lịch đêm trên sông Sài Gòn đang được thử nghiệm
Theo khảo sát của Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch (Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam) tại Đà Nẵng, Hội An (Quảng Nam), TP.HCM và Đà Lạt (Lâm Đồng) – những nơi đang thí điểm áp dụng kéo dài thời gian tổ chức các hoạt động dịch vụ đến 6h hôm sau, thì thời gian khai thác hầu hết đến 22h, một số điểm cung cấp dịch vụ muộn nhất là 24h. Nhìn nhận "điểm nghẽn" cần tháo gỡ ở địa phương, Hội An thấy rằng sản phẩm, dịch vụ còn sơ sài, chủ yếu khách chỉ đến tham quan, ít lưu trú. Các hoạt động về đêm ở Đà Lạt chủ yếu gồm chợ đêm, phố đi bộ chỉ mở vào cuối tuần đến 21h.
"Thắp sáng" tiềm năng sau ánh hoàng hôn

Show trình diễn thể thao mạo hiểm kết hợp bắn pháo hoa tại Đà Nẵng giúp kéo dài trải nghiệm du khách sau ánh hoàng hôn
TS. Trần Thị Thu Hương (Viện Nghiên cứu phát triển bền vững vùng) cho biết, các nước châu Âu đã thành công nhờ việc quy hoạch không gian công cộng, tạo khu vực riêng cho kinh tế đêm, đồng thời đa dạng hóa loại hình dịch vụ và kéo dài giờ mở cửa. Ngoài ra, họ còn chú trọng hỗ trợ hạ tầng, nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ và xây dựng cơ chế kiểm soát rủi ro.
PGS.TS Đào Thị Ái Thi (Trường ĐH Thành Đô) nhấn mạnh rằng, Việt Nam cần tiếp cận kinh tế đêm một cách toàn diện, quy hoạch các khu vực riêng biệt và đầu tư vào các sản phẩm đa dạng như biểu diễn nghệ thuật, triển lãm văn hóa và khu vui chơi hiện đại. Với Hà Nội, việc mở rộng dịch vụ ra ngoài khu vực phố cổ sẽ giảm tải và tạo sự cân bằng.

Các show nghệ thuật được đầu tư bài bản chính là lời giải giúp khai phá tiềm năng của kinh tế đêm
Một trong những rào cản lớn nhất đối với sự phát triển của kinh tế đêm tại Việt Nam là nhận thức và tư duy. Các nhà quản lý cần "cởi trói tư duy", coi kinh tế đêm là một chiến lược phát triển kinh tế mũi nhọn, thay vì chỉ là một hoạt động phụ trợ. Điều này đòi hỏi sự thay đổi trong cách tiếp cận và quản lý, cũng như việc nâng cao nhận thức của cộng đồng về lợi ích của kinh tế đêm. Cần những không gian quy hoạch riêng, đủ lớn, cho nền kinh tế sau 22h vươn mình.
Là một lĩnh vực đầy tiềm năng, nhưng để phát triển kinh tế đêm, đòi hỏi sự đầu tư bài bản và chuyên nghiệp. Các nhà đầu tư chiến lược, với tiềm lực tài chính mạnh mẽ và kinh nghiệm quản lý, đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng các sản phẩm và dịch vụ kinh tế đêm chất lượng cao, từ đó nâng cao sức hút của Việt Nam đối với du khách quốc tế và nội địa. Trong bối cảnh đất nước đang tập trung nguồn lực để vươn mình trong kỷ nguyên mới, việc đầu tư bài bản và quản lý hiệu quả sẽ trở thành động lực mới cho sự phát triển kinh tế - xã hội.
PV
Để gia tăng xuất khẩu vào EU, các doanh nghiệp Việt Nam cần nỗ lực đổi mới, xây dựng kế hoạch bài bản để tận dụng cơ hội thị trường và lợi thế to lớn mà EVFTA mang lại.