Kinh tế Hậu Giang đang 'xanh hóa' sau đại dịch

Địa phương
09:41 AM 28/10/2021

Sau gần nửa năm "mệt mỏi" với sự bùng phát của đại dịch COVID-19, kinh tế tỉnh Hậu Giang đang hồi phục. Cùng với sự kiểm soát được dịch bệnh, tỉnh này đang tranh thủ “xanh hóa” các khu vực kinh tế. Sau đây là chia sẻ của ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hậu Giang về nỗ lực của chính quyền trong các giải pháp vực dậy nền kinh tế.

Kinh tế Hậu Giang đang “xanh hóa” sau đại dịch - Ảnh 1.

Ông Trương Cảnh Tuyên - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hậu Giang.

Phóng viên: Hậu Giang là một trong những tỉnh kiểm soát dịch COVID-19 hiệu quả trong khu vực ĐBSCL. Xin ông cho biết, đến nay tình hình phòng chống dịch bệnh của địa phương như thế nào? Trong thời gian tới tỉnh có thêm biện pháp mạnh nào không?

Ông Trương Cảnh Tuyên: Ngay từ khi bùng phát đại dịch lần thứ tư (tháng 5/2021) khi các tỉnh miền Đông Nam Bộ có dấu hiệu bùng phát dịch thì Hậu Giang đã rất cảnh giác. Cả bộ máy chính trị của tỉnh luôn tập trung chỉ đạo tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh. 

Tính đến 25/10/2021, ghi nhận 1.190 ca mắc mới COVID-19 trên địa bàn tỉnh; tổng số ca được điều trị khỏi là 787 ca; tử vong 3 ca; tổng số đang cách ly điều trị là 398 ca. Tỉnh triển khai Kế hoạch tiêm vắc xin phòng COVID-19 theo hình thức vắc xin nhận về đến đâu sẽ phân bổ ngay xuống các điểm tiêm để triển khai tiêm vắc xin cho người dân theo các nhóm đối tượng quy định. 

Tính đến cuối ngày 25/10/2021, đã tiêm được 328.953 liều, đạt tỷ lệ 82,24%; tổng số người đã được tiêm vắc xin là 489.678 người (trong đó có 66.260 người đã tiêm đủ 2 mũi; 423.418 người mới tiêm mũi 1), đạt tỷ lệ 91,33% trên tổng dân số tỉnh Hậu Giang từ 18 tuổi trở lên nằm trong độ tuổi tiêm chủng (536.163 người).

Trong thời gian tới, chúng tôi cũng sẽ tuyệt đối không chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, triển khai quyết liệt, hiệu quả, linh hoạt các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia, Tỉnh ủy. Tiếp tục thực hiện nghiêm các quy định phòng, chống dịch COVID-19, phương châm "5K + vắc xin", lấy xã, phường, thị trấn là "pháo đài", người dân là "chiến sỹ"; cách ly, phong tỏa triệt để, chặt chẽ các ổ dịch, nguồn lây trong thời gian nhanh nhất, phạm vi nhỏ nhất và xét nghiệm nhanh nhất. 

Kiểm soát chặt chẽ người dân ngoài tỉnh ra, vào Hậu Giang thông qua Tổ COVID cộng đồng, thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch tại khu cách ly và cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà. Triển khai các giải pháp công nghệ phòng, chống dịch COVID-19.

Kinh tế Hậu Giang đang “xanh hóa” sau đại dịch - Ảnh 2.

Hậu Giang đang ngày phát triển, tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức khá trong khu vực ĐBSCL.

Phóng viên: Cùng với sự kiểm soát tốt dịch COVID-19, Hậu Giang cũng là tỉnh giữ vững nhiều chỉ tiêu tăng trưởng. Ông có thể chia sẻ về một số lĩnh vực kinh tế nổi bật mà Hậu Giang đã thực hiện tốt trong 10 tháng đầu năm 2021?

Ông Trương Cảnh Tuyên: Hậu Giang còn là tỉnh nông nghiệp cho nên chúng tôi luôn chú tâm đến sự phát triển của ngành này, quyết tâm vượt qua đại dịch để hoàn thành kế hoạch đề ra. Tính đến nay, các chỉ tiêu của ngành đều đạt, thậm chí còn tăng trưởng. Chẳng hạn, vụ lúa Hè Thu đạt 76.616 ha, năng suất trung bình ước đạt 6,25 tấn/ha, sản lượng ước đạt 478.697 tấn, giá lúa cao hơn từ 300 - 500 đồng/kg so với cùng kỳ. 

Vụ lúa Thu Đông đã xuống giống được 35.363 ha. Mía niên vụ 2020 - 2021 xuống giống được 5.040 ha, đạt 101% kế hoạch. Trong số đó, có 314,35 ha được Công ty Cổ phần mía đường Cần Thơ (CASUCO) ký hợp đồng bao tiêu và hỗ trợ vật tư đầu vào. Diện tích rau màu: Xuống giống được 25.603 ha, đạt 107,6% so kế hoạch. Tổng diện tích cây ăn trái 43.319 ha, đạt 100,3% kế hoạch.

Tình hình chăn nuôi phát triển ổn định, đàn gia súc, gia cầm được hộ dân phát triển tái đàn. Tổng đàn gia súc, gia cầm hiện có: đàn heo 126.626 con, tăng 6,1% so với cùng kỳ; đàn trâu 1.507 con, tăng 3,9% so với cùng kỳ; đàn bò 3.600 con, giảm 1,4% so với cùng kỳ; đàn gia cầm 4,51 triệu con, tăng 1,4% so cùng kỳ. 

Diện tích nuôi thủy sản toàn tỉnh được 7.948 ha, đạt 98% so kế hoạch (kế hoạch 8.100 ha), tăng 2,5% so với cùng kỳ. Tổng sản lượng thủy sản được 59.733 tấn, đạt 74,7% so kế hoạch (kế hoạch 80.000 tấn), tăng 1,8% so với cùng kỳ. Trong đó: sản lượng khai thác được 2.251 tấn, tăng 1,1% so cùng kỳ; sản lượng nuôi trồng được 57.483 tấn, tăng 1,8% so cùng kỳ.

Uớc thu ngân sách nhà nước đạt 117,45% dự toán Trung ương giao, đạt 83,29% dự toán HĐND tỉnh giao.

Kinh tế Hậu Giang đang “xanh hóa” sau đại dịch - Ảnh 3.

Sau gần nửa năm mệt mỏi với sự bùng phát của đại dịch COVID-19, nền kinh tế tỉnh Hậu Giang nhanh chóng hồi phục. Cùng với sự kiểm soát được dịch bệnh, tỉnh này đang tranh thủ “xanh hóa” các khu vực kinh tế.

Phóng viên: Trong các tháng còn lại của năm 2021, về điều hành kinh tế tỉnh Hậu Giang tập trung vào các mục tiêu nào nhằm "xanh hóa" kinh tế địa phương, thưa ông?

Ông Trương Cảnh Tuyên: Về sản xuất nông nghiệp, tỉnh sẽ điều chỉnh hợp lý kế hoạch sản xuất nông nghiệp để đảm bảo việc sản xuất đạt hiệu quả trong điều kiện phòng, chống dịch bệnh COVID-19, trong đó theo dõi, chỉ đạo, chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cho sản xuất vụ lúa Đông Xuân, đẩy mạnh sản xuất rau màu, chú trọng phát triển các loại cây trồng chủ lực của tỉnh, đẩy nhanh quy mô sản xuất và tăng trưởng chăn nuôi, phát triển mô hình nuôi thủy sản chủ lực.

Đặc biệt, tỉnh chỉ đạo các ban ngành theo dõi, nắm chắc tình hình sản xuất, thu hoạch, tiêu thụ, sản lượng nông sản đến kỳ thu hoạch để hỗ trợ kết nối tiêu thụ, hướng dẫn, hỗ trợ kịp thời việc thu hoạch, vận chuyển, tiêu thụ nông sản hạn chế tình trạng tồn đọng nông sản đang vào vụ thu hoạch. Hỗ trợ và phát huy các hình thức liên doanh, liên kết của các hợp tác xã đang hoạt động hiệu quả; xây dựng mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ theo chuỗi giá trị.

Về công thương nghiệp, chúng tôi sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn theo nguyên tắc sản xuất phải an toàn, an toàn thì mới sản xuất, thích ứng an toàn với diễn biến của dịch bệnh. 

Thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp như hỗ trợ tài chính, tín dụng, thuế, phí, lao động... và hạn chế việc doanh nghiệp giải thể, tạm dừng hoạt động. Tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy các doanh nghiệp đang đầu tư sớm đi vào hoạt động đúng theo kế hoạch của doanh nghiệp đã đề ra như: Nhà máy Nhiệt điện Sông Hậu 1; Công ty TNHH Sunpro Capital Group Limited…

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông dành cho Tạp chí Doanh nghiệp và Tiếp thị cuộc chia sẻ này!

Hồng Ân - Văn Dương (thực hiện)
Ý kiến của bạn