Kinh tế Quý 3/2024: Phục hồi tăng trưởng - Triển vọng và thách thức

Diễn đàn
09:43 AM 16/10/2024

Ngày 15/10, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), thuộc Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội phối hợp cùng Truyền hình Quốc hội Việt Nam tổ chức Tọa đàm “Đối thoại chính sách: Phục hồi tăng trưởng - Triển vọng và thách thức”.

Tham dự Tọa đàm, có GS.TS Hoàng Văn Cường - Ủy viên Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội, đại biểu Quốc hội TP Hà Nội; TS Nguyễn Minh Thảo - Trưởng ban Môi trường Kinh doanh và Năng lực cạnh tranh (Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương); bà Vũ Minh Hường - Trưởng phòng Thời sự (Truyền hình Quốc hội); bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hội tư vấn thuế Việt Nam; cùng các đại biểu, chuyên gia trong lĩnh vực thuế, kinh tế, tài chính, các nhà hoạch định chính sách và các doanh nghiệp, Hiệp hội ngành hàng.

Tọa đàm "Đối thoại chính sách: Phục hồi tăng trưởng - Triển vọng và thách thức" được tổ chức nhằm nhận diện những vấn đề lớn đang tác động đến mục tiêu ổn định vĩ mô và phục hồi tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2024. Đồng thời, kiến nghị các chính sách để đạt được các chi tiêu kinh tế xã hội mà Quốc hội đã để ra cho năm nay và cho cả nhiệm kỳ 2021-2025.

Kinh tế Quý 3/2024: Phục hồi tăng trưởng - Triển vọng và thách thức- Ảnh 1.

Các đại biểu, khách mời tham gia Tọa đàm.

Chương trình Tọa đàm được tổ chức ngay trước khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV dự kiến vào ngày 21/10/2024. Tại kỳ họp này, Quốc hội dự kiến sẽ xem xét 42 nội dung, trong đó có 30 nội dung về công tác lập pháp, 12 nhóm nội dung về kinh tế xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác. Do đó, báo cáo Kinh tế vĩ mô và các kiến nghị chính sách tại Tọa đàm này được kỳ vọng sẽ là một trong các nguồn thông tin tham khảo hữu ích, góp phần giúp các đại biểu Quốc hội và các nhà hoạch định chính sách đưa ra các quyết sách đúng và trúng với các nhu cầu cấp bách của nền kinh tế hiện nay.

Tọa đàm có hai nội dung chính, trong đó tại Phiên toàn thể, các đại biểu đã được lắng nghe phần trình bày và thảo luận về nội dung báo cáo của VEPR: Báo cáo Kinh Quý 3/2024: Phục hồi tăng trưởng - Triển vọng và thách thức.

Theo đó, kết thúc quý 3 năm 2024, nền kinh tế Việt Nam đã phục hồi tương đối tốt trong sự lạc quan về tăng trưởng chung của kinh tế thế giới cuối 2024 và năm 2025. Tăng trưởng GDP sau 9 tháng đạt 6,82%, tăng hơn 1.5 lần so với mức 4.4% cùng kỳ năm ngoái với sự đóng góp chủ yếu từ khu vực công nghiệp và dịch vụ.

Ở phía tổng cầu, thương mại trên đà hồi phục và dòng vốn FDI tích cực là động lực tăng trưởng chính. Xuất nhập khẩu hàng hóa tăng nhanh hơn hơn so với dự kiến, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu đạt 578,5 tỷ USD, tăng 16,3% so với cùng kỳ, với xuất siêu đạt 20,8 tỷ USD - mức xuất siêu khá tích cực trong giai đoạn 2020 - 2024. Tuy nhiên, chi tiêu của người tiêu dùng vẫn thấp hơn mức trước đại dịch và áp lực lạm phát trong nửa đầu năm 2024 cũng đã làm giảm tốc độ tăng trưởng của vốn.

Thu ngân sách nhà nước vượt kế hoạch trong khi chỉ tiêu công giảm so với cùng kỳ năm 2023, dẫn đến ngân sách tiếp tục đạt thặng dư cao, tạo dư địa cho các chính sách tài khoá tiếp tục trong năm 2024 như các chính sách miễn, giãn, giảm thuế, nhất là trong bối cảnh các ngành, lĩnh vực chịu thiệt hại của cơn bão Yagi.

Thương mại tăng trưởng tích cực, vốn FDI thực hiện đạt mức cao kỷ lục, du lịch phục hồi mạnh mẽ, tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại trong nước đã liên tục giảm, với mức giả thấp hơn nhiều so với trần do Ngân hàng nhà nước quy định. Tốc độ tăng cung tiền và tăng trưởng tín dụng phục hồi khá tốt, góp phần tích cực vào thúc đẩy tăng trưởng và đầu tư, mặc dù vẫn thấp hơn nền trung bình trước đại dịch COVID-19.

Ngân hàng nhà nước vẫn tiếp tục thực hiện các chính sách tiền tệ linh hoạt tương đối thành công giai đoạn vừa qua để giảm các cú sốc và can thiệp thanh khoản, giúp hạ nền lãi suất, hỗ trợ chi phí vốn cho nền kinh tế mà không cần can thiệp lãi suất điều hành.

Mặc dù nền kinh tế có nhiều điểm sáng tích cực, tuy nhiên vẫn còn có những rủi ro và thách thức ở phía trước. Các chỉ số quản trị mua hàng PMI suy giảm và xuống dưới 50 điểm trong tháng 9. Tỷ lệ doanh nghiệp rút lui so với doanh nghiệp gia nhập thị trường vẫn ở xu hướng cao. Tiêu dùng trong nước lẫn giải ngân đầu tư công chưa đạt được như kỳ vọng.

Nhìn xa hơn, xu thế phân mảnh kinh tế - chính trị toàn cầu, hiện tượng thời tiết do biến đổi khí hậu khiến cầu bên ngoài có thể suy giảm. Chi phí đẩy khiến năng lực cạnh tranh xuất khẩu và khả năng tham gia sâu hơn chuỗi giá trị toàn cầu gặp nhiều thách thức.

Trong khi đó, các yếu tố đầu vào trong sản xuất gặp nhiều rào cản cũng như tình thế khó khăn trong chuyển dịch mô hình tăng trưởng, đổi mới môi trường kinh doanh và cải cách thể chế mặc dù đạt một số tiến bộ nhưng vẫn chậm chạp, tiềm ẩn nhiều rủi ro trong đầu tư, kinh doanh, làm nản lòng cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Kinh tế Quý 3/2024: Phục hồi tăng trưởng - Triển vọng và thách thức- Ảnh 2.

Toàn cảnh Tọa đàm.

Trong bối cảnh thuận lợi, khó khăn và thách thức đan xen, VEPR đưa ra 02 kịch bản cao và thấp. Với kịch bản cao, tăng trưởng quý IV sẽ đi ngang với mức 7.4%, tăng trưởng cả năm 2024 dự kiến sẽ đạt mục tiêu mới 7.0% mà Chính phủ đề ra cho năm 2024. Với kịch bản thấp, tăng trưởng Quý IV sẽ dưới mức 7%, dự báo tăng trưởng cả năm 2024 sẽ dao động mức quanh mức 6.84%.

Tại Phiên thảo luận thứ hai, các đại biểu tập trung thảo luận chuyên đề: Cải cách thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có cồn. Phiên này tiếp nối thảo luận từ nội dung chuyên đề trong Báo cáo vĩ mô của VEPR phân tích tình hình thu ngân sách nhà nước (NSNN) trong giai đoạn 10 năm vừa qua, mà điểm nhấn là tính bền vững trong các nguồn thu NSNN chưa cao. 

Mặc dù tỷ trọng thu nội địa tăng cao, nhưng tỷ trọng lớn vẫn là thu từ thuế tiêu dùng, các nguồn thu từ đất và tài nguyên. Các nguồn thu từ thuế trực thu mặc dù có dấu hiệu tích cực đóng góp vào NSNN giai đoạn sau COVID-19 nhưng vẫn chưa đạt được mục tiêu kỳ vọng cũng như tỷ trọng chưa cân xứng giữa các khu vực kinh tế.

Chính vì vậy, một trong những mục tiêu quan trọng trong chiến lược cải cách thuế đến 2030 là đảm bảo cân đối nguồn thu NSNN một cách bền vững, trong đó có sửa đổi căn bản các luật thuế cả thuế trực thu và thuế tiêu dùng như dự luật thuế Giá trị gia tăng và thuế. Tiêu thụ đặc biệt sửa đổi sẽ được Quốc hội thảo luận, thông qua tới đây.

Sau 8 năm kể từ lần sửa đổi gần nhất vào 2016, năm nay, dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi sẽ được trình Quốc hội trong Kỳ họp thứ 8 vào tháng 10/2024 và thông qua tại kỳ họp thứ 9 vào tháng 5/2025. Đáng chú ý tại dự thảo này, về mức thuế suất đối với mặt hàng rượu, bia, cơ quan soạn thảo là Bộ Tài chính đề xuất quy định áp thuế suất theo tỷ lệ phần trăm, tăng theo lộ trình từng năm trong giai đoạn từ năm 2026 đến năm 2030.

Đối với bia và rượu trên 20 độ. Phương án 1: Đề xuất tăng từ mức 65% hiện tại lên 70% vào năm 2026 và mỗi năm sau đó đều đặn tăng thêm 5% để đạt mức thuế suất 90% vào năm 2030. Phương án 2 : Đề xuất tăng từ mức 65% hiện tại lên 80% ngay từ 2026 và mỗi năm tăng đều đặn 5% để lên mức 100% vào 2030.

Đối với rượu dưới 20 độ: Phương án 1: Đề xuất tăng từ mức hiện tại 35% lên 40% vào năm 2026, và tăng lên 60% vào năm 2030. Phương án 2: Đề xuất tăng từ mức hiện tại 35% lên 50% vào năm 2026 và tăng lên 70% vào năm 2030.

Kinh tế Quý 3/2024: Phục hồi tăng trưởng - Triển vọng và thách thức- Ảnh 3.

GS.TS Hoàng Văn Cường - Ủy viên Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội, đại biểu Quốc hội TP Hà Nội - phát biểu tại Tọa đàm.

Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt nhận được sự ủng hộ, đánh giá cao của nhiều doanh nghiệp, chuyên gia. Tuy nhiên, cũng còn không ít ý kiến khác nhau liên quan đến một số quy định cụ thể như lộ trình tăng thuế, mức thuế suất và phương pháp tính thuế đối với các sản phẩm đồ uống có cồn.

Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát (VBA) cho biết các tác động kéo dài hậu COVID-19 và việc thực thi quyết liệt Nghị định 100 xử lý vi phạm nồng độ cồn khi lái xe mặc dù tạo được hiệu ứng rất tốt trong xã hội, nhưng đồng thời cũng tạo ra tác động kép khiến các doanh nghiệp rượu bia bị thiệt hại nặng nề. Năm 2020, thị trường tiêu thụ bia rượu giảm khoảng 30%. Gần đây, các xung đột địa chính trị thế giới kéo giá nguyên nhiên liệu, chi phí logistic tăng đột biến khiến doanh thu ngành bia rượu sụt giảm hàng chục nghìn tỷ đồng năm 2023.

Nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất, thậm chí đóng cửa nhà máy, cắt giảm hàng nghìn lao động, tạo sức ép lớn lên ngân sách địa phương và an sinh xã hội. Trước thực trạng này, Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát (VBA) đã đề xuất giãn thời gian áp dụng tăng thuế TTĐB thêm 1 năm và giảm mức thuế suất tối đa là 80% vào năm 2031 thay vì 100% như đề xuất của Bộ Tài chính.

Trong bối cảnh hiện nay, cần lựa chọn phương án áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các mặt hàng bia rượu như thế nào để đảm bảo hài hoà lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng là vấn đề đáng quan tâm. Đặc biệt, cần đánh giá kỹ tác động khi sửa Luật thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có cồn và có giải pháp tổng thể để đạt được mục tiêu chống lạm dụng đồ uống có cồn.

Phiên thảo luận chuyên đề đã ghi nhận ý kiến đa chiều về các vấn đề này với sự tham gia thảo luận của các đại biểu Quốc hội, chuyên gia thuế, chuyên gia kinh tế, tài chính, nhà hoạch định chính sách dày dặn nhiều kinh nghiệm cùng các Hiệp hội ngành hàng.

Nguyễn Hạnh
Ý kiến của bạn
Hơn 56% doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong 1- 2 năm tới Hơn 56% doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong 1- 2 năm tới

Theo khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài cho năm tài chính 2024, do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện, có đến 56,1% số doanh nghiệp được khảo sát trả lời sẽ “mở rộng” kinh doanh trong 1-2 năm tới.