Kinh tế số có thể đem lại 74 tỷ USD cho Việt Nam vào năm 2030
Theo nghiên cứu về nền kinh tế số Việt Nam của tập đoàn Google, dự báo đến năm 2030, giá trị tác động kinh tế hàng năm của công nghệ số tại Việt Nam có thể đạt đến 1.733 nghìn tỷ đồng, tương đương 74 tỷ USD.
Ngày 15/11, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC), Bộ KH&ĐT đã phối hợp với Google tổ chức hội thảo “Kiến tạo tương lai AI cho Việt Nam”, nhằm khai thác tiềm năng trí tuệ nhân tạo (AI) và trao đổi cơ chế chính sách phát triển AI tại Việt Nam.
Phát biểu tại hội thảo, ông Đỗ Thành Trung - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, trí tuệ nhân tạo (AI) là một lĩnh vực công nghệ nền tảng của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Góp phần quan trọng tạo bước phát triển đột phá về năng lực sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, thúc đẩy phát triển kinh tế tăng trưởng bền vững.
AI, biệt là AI tạo sinh (GenAI) đang tạo ra những đột phá chưa từng có, mở ra những khả năng vô hạn cho nhân loại. AI được ứng dụng vào mọi lĩnh vực của cuộc sống, từ y tế, giáo dục, đến sản xuất, nông nghiệp.
Tại Việt Nam, Chính phủ đã nhận thức rõ tầm quan trọng của AI và đã ban hành nhiều chính sách nhằm thúc đẩy nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI. Theo nghiên cứu về nền kinh tế số của Việt Nam của tập đoàn Google, dự báo đến năm 2030, giá trị tác động kinh tế hàng năm của công nghệ số tại Việt Nam có thể đạt đến 1.733 nghìn tỷ đồng, tương đương 74 tỷ USD. Trong đó, có sự đóng góp rất lớn của AI trong các lĩnh vực kinh tế số. Còn theo nghiên cứu của Thundermark Capital, Việt Nam và Singapore là 2 đại diện của Đông Nam Á góp mặt trong Top 30 quốc gia thế giới về nghiên cứu AI.
Chuyển đổi số và AI đóng vai trò then chốt trong việc thúc đẩy quá trình chuyển mình của Việt Nam hướng tới một nền kinh tế đa dạng và cạnh tranh hơn trong khu vực và toàn cầu.
Theo nghiên cứu của Google, tiềm năng từ AI tại Việt Nam rất lớn. Để khai thác toàn bộ tiềm năng của AI, theo báo cáo "Cơ hội AI cho Việt Nam - Một số khuyến nghị" (AI Opportunity Agenda for Vietnam) của Google, Việt Nam cần củng cố cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ đổi mới sáng tạo dựa trên AI, xây dựng lực lượng lao động sẵn sàng ứng dụng AI, và gia tăng khả năng tiếp cận AI trong toàn nền kinh tế.
Báo cáo của Google cũng phân tích sâu các chiến lược nhằm thu hẹp khoảng cách về kiến thức số và AI, giúp lực lượng lao động Việt Nam tận dụng hiệu quả AI và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Theo đó, thu hút đầu tư và tạo điều kiện cho đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực AI sẽ là yếu tố chủ chốt để Việt Nam đạt được mục tiêu kinh tế số đóng góp 30% GDP vào năm 2030, tăng từ khoảng 12% vào năm 2023. Nếu được khai thác hiệu quả, AI có thể giúp Việt Nam đạt được mục tiêu phát triển kinh tế nhanh chóng và trở thành quốc gia phát triển có thu nhập cao vào năm 2045.
Về chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, với vai trò là cơ quan tham mưu đã trình Thủ tướng Chính phủ “Đề án Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng tới năm 2050”. Trong đó đề xuất mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam có ít nhất 5.000 nhân sự trình độ kỹ sư trở lên có chuyên môn sâu về AI phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn.
Đồng thời, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã giao Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia phối hợp với các đối tác, chuyên gia trong nước và quốc tế nghiên cứu, xây dựng Trung tâm Đào tạo, Nghiên cứu và Ứng dụng AI để phục vụ ươm tạo doanh nghiệp AI. Đồng thời, hỗ trợ nghiên cứu, ứng dụng AI và đào tạo chuyên sâu về AI với mục tiêu đến 2030 đào tạo được 7.000 chuyên gia AI theo tiêu chuẩn quốc tế và ươm tạo khoảng 500 công ty khởi nghiệp AI.
Huyền My (t/h)Đà Nẵng, Phú Quốc dẫn đầu top điểm đến được ưa chuộng dịp Tết Ất Tỵ 2025 với nhiều trải nghiệm đặc sắc thuyết phục du khách chọn “ăn tết” xa nhà hoặc tận hưởng năm mới theo cách riêng.