Kinh tế số sẽ là "bệ đỡ" quan trọng cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam
Các chuyên gia cho rằng kinh tế số sẽ là động lực tăng trưởng mới trong chuyển đổi mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế.
World Bank (Ngân hàng Thế giới) gần đây đã nhấn mạnh: “Tiếp tục con đường phát triển nâng cao phúc lợi và thúc đẩy tăng trưởng sẽ đòi hỏi phải nâng cao năng suất của từng người lao động, Việt Nam mới có thể trở thành quốc gia thu nhập cao”.
Trên thực tế, thành công của một số ít nền kinh tế từ đang phát triển chuyển sang vị thế thu nhập cao hơn cho thấy vốn nhân lực – là sự kết hợp giữa các yếu tố giáo dục, kỹ năng và sức khỏe, về cơ bản có tính chất quyết định đến năng suất lao động – đã và đang là động lực chính để duy trì tăng trưởng kinh tế bền vững.
Tại Hội thảo “Chuyển đổi mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế: Kinh nghiệm 35 năm đổi mới” do Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Tổ chức hợp tác phát triển Đức (GIZ) tổ chức mới đây, nhiều ý kiến cho rằng, kinh tế số phải là động lực tăng trưởng mới.
GS.TS. Trần Thọ Đạt, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, cho biết kinh tế số tạo ra dư địa mới bởi con người tạo ra đầu vào của nền kinh tế - dữ liệu số. Trong bối cảnh nhiều khó khăn, dự báo về GDP liên tục giảm, thì dự báo về kinh tế số lại cho thấy xu hướng ngược lại.
“Điều kiện cơ bản để thoát bẫy thu nhập trung bình là phải gia tăng năng suất, trong đó, kinh tế số là tác nhân quan trọng”, ông Đạt phân tích.
Ông Đạt dẫn chứng, kinh tế số đã giúp Việt Nam thay đổi thứ hạng trên thế giới. Theo báo cáo kinh tế số của Google, Temasek và Bain Economy, tổng giá trị giao dịch kinh tế số của Việt Nam được dự báo sẽ đạt 220 tỷ USD vào năm 2030, đứng thứ 2 Đông Nam Á, chỉ sau Indonesia.
Trong giai đoạn 2020 – 2030, trung bình mỗi năm kinh tế số đóng góp từ 6,88 – 16,5% trong 100% tốc độ tăng năng suất lao động tổng thể của cả nền kinh tế.
Điều này càng minh chứng kinh tế số đóng góp rất quan trọng đến năng suất và hiệu quả của nền kinh tế trong thập kỷ tới, và là động lực mới cải thiện nhanh chóng năng suất lao động.
Để thúc đẩy kinh tế số, đưa Việt Nam sẵn sàng trở thành "công xưởng" thế giới về công nghệ số, GS.TS Trần Thọ Đạt, nhấn mạnh: "Trọng tâm của kinh tế số là cần có bộ chỉ số đánh giá toàn diện cấu trúc kinh tế số của cả nước, ngành, tỉnh; có sự đánh giá thực trạng theo các cấu phần kinh tế số; đặt ra mục tiêu cụ thể phát triển kinh tế số, chú ý liên kết vùng; xác định khả năng về nguồn lực và khung thời gian thực hiện; xây dựng các kịch bản phát triển kinh tế số gắn với chuyển dịch cơ cấu kinh tế".
Nhấn mạnh thêm, PGS.TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam khuyến nghị về những thay đổi cơ bản, nền tảng của nền kinh tế như phát triển đồng bộ các loại thị trường, đặc biệt quan tâm phát triển các thị trường nguồn lực đầu vào, nhất là thị trường đất đai; xây dựng nhà nước kiến tạo phát triển theo tinh thần phục vụ thị trường, phục vụ doanh nghiệp, thể chế quản trị phát triển hiện đại, phù hợp các cam kết hội nhập; tuân thủ nguyên tắc “nội lực là quyết định, ngoại lực là quan trọng” trong việc phát triển lực lượng doanh nghiệp Việt Nam và triển khai chiến lược thu hút FDI; tận dụng tối đa lợi thế đi sau, nỗ lực xây dựng thể chế tốt, khuyến khích đổi mới sáng tạo, coi khoa học công nghệ và trí tuệ con người là động lực phát triển quan trọng nhất của giai đoạn tới.
Còn TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh thì khuyến nghị tập trung vào vai trò của thị trường, trong một nhà nước kiến tạo sáng tạo; chuyển đổi nền “kinh tế nâu” sang “nền kinh tế xanh”; hội nhập một cách thông minh vào nền kinh tế thế giới.
An Mai (t/h)Từ 11/11/2024, người dân có thể sử dụng tài khoản VNeID để đăng nhập trên ứng dụng iHanoi. Việc tích hợp VNeID lên iHanoi có thể coi là 1 bước tiến lớn khi mang lại nhiều lợi ích hơn tới người dân Thủ đô.