Kinh tế Thái Lan quý II/2020 giảm lớn nhất trong 2 thập niên

Thị trường
04:18 PM 24/08/2020

Theo thông tin từ Thương vụ Việt Nam tại Thái Lan, Hội đồng phát triển xã hội và kinh tế quốc gia (NESDC) vừa công bố tổng sản phẩm quốc nội của Thái Lan giảm 12,2% trong quý II/2020 so với cùng kỳ năm 2019; đây là mức giảm lớn nhất trong 2 thập niên kể từ thời điểm khủng hoảng tài chính Châu Á năm 1998.

Nguyên nhân khiến nền kinh tế giảm mạnh như vậy là do dịch cúm Covid-19 khiến các hoạt động kinh tế như kinh doanh, sản xuất, du lịch và dịch vụ đình trệ, tỉ giá đồng Bạt tăng 6% trong quý II/2020 ảnh hưởng đến xuất khẩu.

Kinh tế Thái Lan quý II/2020 giảm lớn nhất trong 2 thập niên - Ảnh 1.

NESDC dự báo triển vọng tăng trưởng kinh tế năm nay của Thái Lan dao động trong khoảng âm 7,3-7,8%, cao hơn mức dự báo tăng trưởng âm 5-6% đã được đưa ra trước đó. Mức dự báo này vẫn lạc quan hơn mức dự báo tăng trưởng âm 8,1% và 8,5% của Ngân hàng Trung ương và Bộ Tài chính Thái Lan.

Bên cạnh đó, NESDC cũng công bố các dữ liệu/ dự báo quan trọng khác trong quý II/2020.

- GDP giảm 9,7% so với quý I/2020;

- Xuất khẩu có thể giảm 10% trong năm 2020;

- Nợ hộ gia đình 13,5 nghìn tỉ Bạt, tăng 3,9% so với cùng kỳ năm 2019 nhưng giảm 5,1% so với quý I/2020;

- Tỉ lệ thất nghiệp quý II/2020 ở mức 1,95%; khoảng 1,8 triệu người lao động có khả năng mất việc làm;

Thương vụ Việt Nam tại Thái Lan cho biết, Thủ tướng Thái Lan đã ký sắc lệnh thành lập trung tâm ứng phó tình hình kinh tế (CESA) trước những ảnh hưởng của dịch cúm Covid-19. Theo đó, trung tâm gồm 02 ủy ban:

(1) Ủy ban ứng phó các vấn đề kinh tế do Thủ tướng Prayut Chan-o-cha giữ vai trò điều hành, các thành viên gồm 10 Bộ trưởng đến từ các cơ quan phụ trách kinh tế, nội vụ và lao động, ngân hàng Thái Lan và các tổ chức tư nhân. Tổng thư ký của Hội đồng phát triển xã hội và kinh tế quốc gia (NESDC) sẽ giữ vai trò thư ký;

(2) Ủy ban thứ hai do ông Pailin Chuchotthaworn, cố vấn của Thủ tướng Prayut và là cựu Thứ trưởng giao thông làm Chủ tịch nhằm thúc đẩy việc quản lý các hoạt động kinh tế. Trung tâm CESA sẽ hoạt động cùng với Trung tâm Ứng phó với dịch Covid-19.

Nhiệm vụ chính của Trung tâm ứng phó bao gồm đề xuất các giải pháp để xử lý các vấn đề kinh tế và giám sát các chương trình phục hồi kinh tế của Chính phủ.

Trước đó, Nội các đã thông qua đề xuất với Bộ Tài chính về việc thay đổi điều kiện cho vay mềm đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa nhằm tạo điều kiện cho phép tiếp cận các khoản vay dễ dàng hơn và duy trì việc làm. Tổng ngân sách dành cho chương trình là 114,1 tỉ Bạt.

Liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu, theo số liệu thống kê, trong 06 tháng đầu năm 2020, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa qua biên giới đạt 627 tỉ Bạt, giảm 9,18% so với cùng kỳ năm 2019. Nguyên nhân do các biện pháp cách ly xã hội ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và nền kinh tế các quốc gia láng giềng suy giảm. Tổng kim ngạch xuất và nhập khẩu đạt lần lượt 365 tỉ Bạt và 262 tỉ Bạt, giảm tương ứng 8,6% và 9,98% so với cùng kỳ năm ngoái. Thặng dư thương mại đạt 103 tỉ Bạt.

Cũng theo Thương vụ Việt Nam tại Thái Lan cho biết, chỉ số niềm tin kinh doanh trong tháng 07/2020 tăng 0,3 điểm, từ mức 31,5 lên mức 31,8 trong tháng 07/2020 - tháng thứ hai liên tiếp do quyết định của Chính phủ nới lỏng các biện pháp cách ly. Trước đó, chỉ số niềm tin trong tháng 05/2020 tụt xuống mức thấp nhất 31,3 trong 29 tháng kể từ tháng 01/2018.

Tuy nhiên, phần lớn doanh nghiệp vẫn tỏ qua bi quan về nền kinh tế do triển vọng việc làm, thương mại và đầu tư không khả quan. Thêm vào đó, chính trị cũng là yếu tố tác động không thuận lợi, ảnh hưởng đến tâm lý các nhà đầu tư nước ngoài.

Trước tình hình này, Chính phủ Thái Lan dự kiến tung ra nhiều gói hỗ trợ cho doanh nghiệp, người lao động và hoạt động xuất khẩu trong những tháng tới. Chính phủ cũng sẽ tập trung hỗ trợ ngành dịch vụ thông qua các biện pháp khuyến khích khách du lịch trong nước tăng cường chi tiêu.

Trà Giang
Ý kiến của bạn