Kinh tế Thủ đô phục hồi tích cực, hướng đến đạt mục tiêu tăng trưởng của cả năm
Chiều 9/9, tại họp báo về tình hình kinh tế - xã hội tháng 8/2022, UBND TP Hà Nội cho biết, các chỉ số hoạt động kinh doanh tháng 8 tăng mạnh so với cùng kỳ, nền kinh tế tiếp tục phục hồi tích cực và phát triển tốt.
Những kết quả phát triển kinh tế tháng 8 của TP. Hà Nội mang lại nhiều kỳ vọng cho Hà Nội trong kết quả phát triển kinh tế - xã hội ở các tháng tiếp theo, hướng đến đạt mục tiêu tăng trưởng của cả năm.
Theo đó, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn luỹ kế ước thực hiện đến hết tháng 8 là 223.132 tỷ đồng, đạt 71,6% dự toán, bằng 110,5% so với cùng kỳ. Tổng chi ngân sách địa phương luỹ kế ước thực hiện đến tháng 8 là 43.129 tỷ đồng, đạt 40,3% dự toán đầu năm, bằng 110,1% so với cùng kỳ.
Nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn tiếp tục tăng trưởng, đảm bảo đáp ứng nhu cầu cấp tín dụng và chấp hành các quy định về tỷ lệ đảm bảo an toàn. Ước hết tháng 8, tổng nguồn vốn huy động của các TCTD trên địa bàn đạt 4.567 tỷ đồng, tăng 7,4% so với thời điểm 31/12/2021. Trong đó, tiền gửi tiết kiệm tăng 6,9%, tiền gửi thanh toán tăng 8,1% so với thời điểm 31/12/2021.
Tổng dư nợ tín dụng của các TCTD ước hết tháng 8/2022 đạt 2.863 tỷ đồng, tăng 10,7% so với 31/12/2021. Trong đó dư nợ ngắn hạn tăng 11,6%, dư nợ trung và dài hạn tăng 10,2%, dư nợ VND tăng 11,8%, dư nợ ngoại tệ tăng 1,2% so với 31/12/2021...
Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 8 tăng 0,9% so với tháng 7/2022, tăng 15,7% so với tháng 8/2021. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 8/2022 ước đạt 58,505 nghìn tỷ đồng, gấp 1,4 lần so với tháng 8/2021, trong đó doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 35,7 nghìn tỷ đồng, tăng 73,3%; doanh thu khách sạn, nhà hàng đạt 9,120 nghìn tỷ đồng, tăng 11,5 lần; doanh thu du lịch lữ hành đạt 2,120 nghìn tỷ đồng; doanh thu dịch vụ khác đạt 11,565 nghìn tỷ đồng, tăng 2,8 lần.
Số lượng khách trong nước đến Hà Nội (do cơ sở lưu trú phục vụ) tháng 8 ước đạt 148 nghìn lượt khách, tương đương với tháng 7 và tăng 45,3% so với tháng 8/2021.
Vận tải hành khách trong tháng 8 tăng mạnh. Số lượt hành khách vận chuyển ước đạt 25,8 triệu lượt hành khách, tương đương với tháng 7 và tăng 15,8 lần so với tháng 8/2021; số lượt hành khách luân chuyển ước đạt 826 triệu lượt hành khách/km, tăng 16,5 lần; doanh thu ước đạt 14.266 tỷ đồng, tăng 80,6%. Trong khi đó, vận tải hàng hóa ghi nhận khối lượng hàng hóa vận chuyển tháng 8 ước đạt 104,832 triệu tấn, tăng 93,6 % so với tháng 8/2021; khối lượng hàng hóa luận chuyển ước đạt 10.000 triệu tấn/km, tăng 50,8%; doanh thu ước đạt 5,8 nghìn tỷ đồng, tăng 52,1%. Như vậy, tổng doanh thu vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải tháng 8 ước đạt 6.249 tỷ đồng, tăng 46,8% so với tháng 8/2021. Tính chung 8 tháng, doanh thu ước đạt 47,514 nghìn tỷ đồng, tăng 17,9%.
Về đầu tư nước ngoài, tháng 8, có 24 dự án FDI được cấp phép mới với tổng vốn đăng ký 10,75 triệu USD. Lũy kế 8 tháng năm 2022, thành phố thu hút 992,4 triệu USD vốn FDI, trong đó đăng ký cấp mới 226 dự án với số vốn 141,3 triệu USD; 122 lượt tăng vốn với tổng số vốn đăng ký tăng thêm 374,6 triệu USD và 258 lượt góp vốn với số vốn 476,2 triệu USD.
Ước trong tháng 8, thành phố Hà Nội có 2.527 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 25.257 tỷ đồng (tăng 133% về số lượng doanh nghiệp và tăng 49% vốn đăng ký). Lũy kế 8 tháng năm 2022, thành phố cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho 20.023 doanh nghiệp với số vốn 226.037 tỷ đồng (tăng 22% về số lượng doanh nghiệp và tăng 2% vốn đăng ký so với cùng kỳ), 2.458 doanh nghiệp thực hiện thủ tục giải thể (tăng 14%), số doanh nghiệp hoạt động trở lại là 7.783 doanh nghiệp (tăng 7%). Tổng số doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội là 342.181 doanh nghiệp.
Về tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ, cho thấy hệ thống y tế của thành phố được quan tâm đầu tư, nâng cấp; HĐND thành phố đã ban hành Nghị quyết số 02/NQ-HĐND ngày 8/4/2022; UBND thành phố đã ban hành Kế hoạch số 139/KH-UBND về việc đầu tư xây dựng, cải tạo trường học công lập để đủ điều kiện đạt chuẩn quốc gia, nâng cấp hệ thống y tế và tu bổ, tôn tạo di tích trong giai đoạn 2022-2025 và các năm tiếp theo. Trong đó, lĩnh vực y tế dự kiến đầu tư 237 dự án với kế hoạch vốn 10.407,5 tỷ đồng. Thành phố đã bố trí vốn trong năm 2021-2022 là 11.291,302 tỷ đồng để thực hiện các dự án của 3 lĩnh vực.
Từ nay đến cuối năm 2022, thành phố triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm như: Chuẩn bị tốt các nội dung phục vụ HĐND TP. Hà Nội kỳ họp đầu tháng 9/2022; thực hiện quyết liệt các giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân các dự án đầu tư; tập trung hoàn thiện thủ tục đầu tư dự án Đường vành đai 4 - vùng Thủ đô Hà Nội; tiếp tục triển khai hỗ trợ lãi suất cho vay; hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động; hỗ trợ cho vay tín dụng các đối tượng ưu tiên...
An MaiTối 15/11, tại Cung Văn hóa Lao động hữu nghị Việt Xô, Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức Chương trình "Hồ Chí Minh - Hành trình khát vọng 2024" - Tôn vinh các điển hình tiêu biểu toàn quốc trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.