Kinh tế TP.HCM tăng trưởng 3,82%

Tài chính - Đầu tư
10:30 AM 30/06/2022

Tăng trưởng GRDP của TP.HCM từ mức giảm sâu quý III/2021 đã liên tục đi lên, 6 tháng đầu năm 2022, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) TP.HCM ước đạt 728.706 tỷ đồng, tăng 3,82% so với cùng kỳ.

Lãnh đạo thành phố đánh giá đây là con số khả quan, ghi nhận đà phục hồi tăng trưởng theo hình chữ V và đến nay đã ổn định. Cụ thể từ mức giảm sâu -24,97% trong quý III/2021 và -11,64% trong quý IV/2021 thì sang năm 2022 ghi nhận con số dương 1,87% trong quý I và 5,73% trong quý II này.

"Điều này cho thấy quá trình phục hồi kinh tế đi đúng hướng, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phát huy hiệu quả tích cực, hoạt động kinh tế - xã hội đã trở lại như trước khi có dịch", lãnh đạo TP.HCM nói thêm.

Kinh tế TP.HCM phục hồi theo hình chữ V, tăng trưởng 3,82% - Ảnh 1.

Khu vực trung tâm TP Hồ Chí Minh. Ảnh: VNE

Xét theo cơ cấu kinh tế, khu vực thương mại dịch vụ chiếm tỷ trọng lớn nhất 64%, khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 22%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 13,5% và khu vực nông lâm thủy sản chiếm tỷ trọng còn lại 0,5%.

Có 5/9 ngành dịch vụ có mức tăng trưởng trên 6% so với cùng kỳ bao gồm: Ngành vận tải, kho bãi tăng 7,51%; ngành thông tin truyền thông tăng 8,18%; ngành tài chính, ngân hàng tăng 9,91%; ngành hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ tăng 6,46%; ngành y tế tăng 6,85%.

Sau khi tình hình dịch Covid-19 được kiểm soát thì các hoạt động thương mại, du lịch được khôi phục, nhiều chương trình kết nối cung cầu, giao thương được tổ chức đã giúp cho lĩnh vực thương mại dịch vụ từng bước được khôi phục. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 6 tháng ước đạt 556.488 tỷ đồng, tăng 6,2% cùng kỳ.

Đối với hoạt động xuất nhập khẩu, sau thời gian chững lại trong quý 1/2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đã tăng trở lại. Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của doanh nghiệp TP.HCM qua cửa khẩu cả nước ước đạt 24,9 tỷ USD, tăng 13,8% so với cùng kỳ. Tổng kim ngạch nhập khẩu của doanh nghiệp thành phố qua cửa khẩu cả nước ước đạt 34,2 tỷ USD, tăng 13,7% so cùng kỳ.

Kinh tế TP.HCM phục hồi theo hình chữ V, tăng trưởng 3,82% - Ảnh 2.

Ảnh: ĐỘC LẬP

Đối với hoạt động du lịch, tổng doanh thu ước tăng trưởng 29,9% lên mức 49.681 tỷ đồng. Khách du lịch nội địa đến TP.HCM đạt 11,08 triệu lượt và khách quốc tế cũng lên đến 477.982 lượt.

Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) duy trì mức tăng trưởng dương từ tháng 2, tốc độ còn chậm nhưng đã hồi phục tương đối đồng đều giữa các ngành. Tính chung 6 tháng đầu năm, IPP ước tăng 3,1% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 5,9%). Tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt 238.600 tỷ đồng tỷ đồng, đạt 61,74% dự toán năm, tăng 17,49% so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, UBND TP.HCM đánh giá kinh tế vẫn còn một số thách thức và hạn chế. Theo đó, xung đột thế giới khiến giá cả nguyên liệu, xăng dầu tăng, làm ảnh hưởng đến tiêu dùng, quá trình phục hồi. Tốc độ tăng trưởng 3 trên 4 khu vực kinh tế chưa cao, chưa tận dụng được dư địa phát triển. Triển khai đầu tư công chậm, chỉ đạt 17% nguồn vốn giao, mức thấp nhất lịch sử.

Để củng cố động lực tăng trưởng giai đoạn cuối năm, TP.HCM đề ra nhiều giải pháp như xúc tiến giải ngân đầu tư công; tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhằm cải thiện môi trường đầu tư; tiếp tục mở cửa du lịch. Về điểm nóng lạm phát, UBND.TPHCM cho hay sẽ tiếp tục triển khai các chương trình bình ổn và theo dõi diễn biến tình hình giá dầu, vàng và thị trường ngoại hối. Thành phố sẽ báo cáo kịp thời các vấn đề phát sinh với Trung ương để có giải pháp xử lý điều hành các yếu tố đầu vào quan trọng.

Huyền Thương (T/h)
Ý kiến của bạn
IMF dự báo quy mô GDP(PPP) Việt Nam đạt khoảng 1.559 tỷ USD trong năm 2024 IMF dự báo quy mô GDP(PPP) Việt Nam đạt khoảng 1.559 tỷ USD trong năm 2024

Năm 2024, Việt Nam được IMF dự báo quy mô GDP theo sức mua tương đương - GDP (PPP) đạt khoảng 1.559 tỷ USD, xếp thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á. Trong khi đó, Indonesia vẫn được dự báo xếp thứ nhất với quy mô GDP (PPP) đạt khoảng 4.720 tỷ USD.