Kinh tế tư nhân đóng góp gần 45% GDP cả nước
Vai trò của kinh tế tư nhân ngày càng được khẳng định và được liên tục phát triển và hoàn thiện dần qua từng giai đoạn, là một động lực quan trọng của nền kinh tế.
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, hiện nay nước ta có khoảng gần 900 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động, với khoảng 7 triệu doanh nhân. Kinh tế tư nhân đang đóng góp gần 45% GDP cả nước, 1/3 thu ngân sách nhà nước, hơn 40% vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội, tạo ra công ăn việc làm cho 85% số lao động cả nước; chiếm tới 35% tổng kim ngạch nhập khẩu và 25% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Đáng chú ý, nước ta phấn đấu tăng tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GDP để đến năm 2025 đạt khoảng 55%; đến năm 2030 đạt khoảng 60-65% GDP. Những con số biết nói cho thấy vai trò, vị trí và sự lớn mạnh của nguồn lực kinh tế tư nhân đang ngày càng được khẳng định, góp phần làm thay đổi bộ mặt đất nước, tạo dấu ấn, nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.
Doanh nghiệp tư nhân là một trong những nguồn lực chính tạo công ăn việc làm cho người lao động. Với hàng triệu việc làm được tạo ra, doanh nghiệp tư nhân giúp giảm tỷ lệ thất nghiệp và cải thiện mức sống của người dân.
Không chỉ vậy, các doanh nghiệp này còn góp phần vào việc nâng cao tay nghề và trình độ chuyên môn của lao động thông qua các chương trình đào tạo và phát triển. Đặc biệt, các doanh nghiệp tư nhân đã đầu tư khoảng 2 tỷ USD mỗi năm vào các chương trình đào tạo và nâng cao kỹ năng cho người lao động.
Ngoài ra, doanh nghiệp tư nhân cũng đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an sinh xã hội. Các doanh nghiệp này thường tham gia vào các hoạt động từ thiện, hỗ trợ cộng đồng và đóng góp vào các quỹ an sinh xã hội.
Về đóng góp vào NSNN, 15 năm gần đây, Việt Nam chứng kiến sự phát triển của nhiều công ty cổ phần quy mô lớn từ khối doanh nghiệp tư nhân và đóng góp mạnh mẽ cho nền kinh tế.
Nếu xét về đóng góp vào NSNN, năm 2023, ngân hàng có đóng góp lớn nhất, tổng ngân sách 100 ngân hàng tư nhân đã nộp lên tới 42.000 tỷ đồng. Sau đó là nhóm bất động sản, nộp ngân sách lớn thứ 2 với hơn 37.000 tỷ đồng. Lĩnh vực thực phẩm đồ uống cũng là một trong những nhóm ngành đáng chú ý với đóng góp hơn 22.000 tỷ đồng.
Theo các chuyên gia, kinh tế tư nhân đang phát triển rộng khắp trong cả nước, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế, huy động các nguồn lực xã hội vào sản xuất kinh doanh, tạo thêm việc làm, cải thiện đời sống nhân dân, tăng ngân sách nhà nước và góp phần giữ vững ổn định chính trị, an sinh xã hội của đất nước. Vai trò của kinh tế tư nhân ngày càng được khẳng định và được liên tục phát triển và hoàn thiện dần qua từng giai đoạn và khẳng định "có vị trí quan trọng lâu dài" trong nền kinh tế nhiều thành phần, dần nâng cấp lên "là một động lực quan trọng của nền kinh tế".
Do đó, trong bối cảnh nền kinh tế đang dần phục hồi sau đại dịch, việc cải thiện môi trường kinh doanh không nên chỉ dừng ở tháo gỡ khó khăn một cách thụ động mà cần chủ động tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp yên tâm bỏ vốn đầu tư, sản xuất, kinh doanh. Điều quan trọng, các cơ quan quản lý cần đối thoại thực chất với doanh nghiệp, đẩy mạnh, nâng cao chất lượng thực thi chính sách, tạo niềm tin và khí thế kinh doanh cho doanh nhân, doanh nghiệp phát triển và cống hiến vì sự tăng trưởng kinh tế và lợi ích chung của đất nước, người dân và doanh nghiệp.
Minh An (t/h)Báo cáo từ Bộ Tài chính cho biết, ước giải ngân vốn đầu tư công của cả nước đến hết tháng 11 là 410.953,1 tỷ đồng, đạt 60,43% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.