Kinh tế tư nhân - “tấm đệm giảm sốc” của nền kinh tế 2021
Khu vực kinh tế tư nhân trong nước đang tạo ra khoảng 40% GDP, 30% ngân sách nhà nước, thu hút khoảng 85% lực lượng lao động cả nước. Đây là khu vực được các chuyên gia đánh giá cao và có ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế trong năm 2021 và những năm tới.
Trước thềm Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ XIII, hai mục tiêu đang được đưa ra trong Dự thảo báo cáo tổng kết thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011-2020, xây dựng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội năm 2021-2030. Đó là, đến năm 2030, Việt Nam sẽ trở thành nước thu nhập trung bình cao - sớm hơn 5 năm so với khát vọng Việt Nam 2035 và năm 2045 sẽ trở thành nước thu nhập cao. Để thực hiện những mục tiêu này, theo nhiều chuyên gia kinh tế, nhà nước cần chú trọng vào nền kinh tế tư nhân, phải quan tâm hơn, “cởi trói” và không "thất hứa" với khu vực này.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cũng như các chuyên gia khác cùng kỳ vọng doanh nghiệp tư nhân sẽ là “lực kéo” quan trọng của kinh tế Việt Nam thời hậu COVID-19, góp sức thực hiện những mục tiêu nói trên.
Năm 2021 là năm có ý nghĩa quan trọng, tạo xuất phát điểm, nền tảng tốt cho giai đoạn 2021 - 2025. Nhiệm vụ trọng tâm được Chính phủ đặt ra đó là “tiếp tục tập trung thực hiện “mục tiêu kép”, vừa phòng chống dịch bệnh hiệu quả, bảo vệ sức khoẻ nhân dân, vừa tận dụng tốt các cơ hội, nỗ lực phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới”.
Trong giai đoạn đại dịch COVID-19 vừa qua, nhiều doanh nghiệp tư nhân đã chung tay cùng các bộ, ngành và Chính phủ góp phần chống dịch hiệu quả và tập trung vào kinh tế, động thái này thể hiện sự đồng hành hiệu quả 3 bên, giữa "Chính phủ - Doanh nghiệp - Người dân".
Nhiều năm qua, vai trò của doanh nghiệp tư nhân trong đóng góp tăng trưởng cũng như giải quyết việc làm cho người lao động là rất lớn. Ủng hộ tư nhân cũng giúp cho người lao động có công ăn việc làm, thu nhập tốt hơn.
Cụ thể, tỷ trọng vốn đầu tư từ khu vực kinh tế ngoài nhà nước tăng nhanh từ mức 38,3% năm 2015 lên khoảng 45,6% năm 2020. Trong đó tiêu biểu là các Tập đoàn VinGroup, Trường Hải, Thành Công trong lĩnh vực sản xuất, lắp ráp ô tô; Vinamilk, TH True Milk trong lĩnh vực sản xuất, chế biến sữa và thực phẩm; Tập đoàn Hoa Sen, Tập đoàn Hoà Phát, Cty TNHH Hoà Bình Minh, Cty thép Pomina, Cty CP thép Nam Kim trong lĩnh vực sắt thép, kim khí... Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng mạnh, vốn đăng ký đạt mức kỷ lục là 39 tỷ USD (năm 2019). Nhiều doanh nghiệp tư nhân đạt kim ngạch xuất khẩu hàng triệu USD, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng, thu ngân sách và giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh, xã hội. Đặc biệt, 29 doanh nghiệp Việt Nam đã có giá trị vốn hóa trên thị trường chứng khoán vượt con số 1 tỷ USD.
Sau gần 35 năm đổi mới, 20 năm thực hiện Nghị quyết số 14-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 5 khóa IX “Về tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách, khuyến khích và tạo điều kiện phát triển kinh tế tư nhân”, đến năm 2020, Việt Nam đã có hơn 800 nghìn doanh nghiệp tư nhân hoạt động theo Luật Doanh nghiệp và hơn 5,4 triệu hộ kinh doanh. Riêng các hộ kinh doanh đã bảo đảm cuộc sống cho khoảng 20 triệu người dân.
Bởi vậy, quan điểm phát triển nâng tầm vai trò của kinh tế tư nhân tiếp nối từ các Đại hội trước là một chủ trương rất đúng đắn và quan trọng trong việc phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Trong dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030, các chuyên gia tư vấn đã đặt ra các vấn đề cần giải quyết để kinh tế tư nhân phát triển thuận lợi, đạt nhiều thành tựu và trở thành “tấm đệm giảm sốc” của nền kinh tế.
Trong đó, các rào cản, định kiến cần được xóa bỏ, tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế tư nhân; hỗ trợ kinh tế tư nhân đổi mới, sáng tạo, hiện đại hóa công nghệ và phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng suất lao động; khuyến khích hình thành, phát triển những tập đoàn kinh tế tư nhân lớn, tiềm lực mạnh, có khả năng cạnh tranh trong khu vực và quốc tế; đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, có ít nhất 2 triệu doanh nghiệp với tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GDP đạt 60-70%.
Nhà nước tiếp tục tạo không gian phát triển, tạo cơ hội cho kinh tế tư nhân, đặc biệt doanh nghiệp tư nhân khai thác, sử dụng nguồn lực quốc gia phân bổ lại từ khu vực kinh tế tư nhân cho phát triển. Đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp mà Nhà nước không cần nắm giữ vốn, giảm tối đa mức nắm giữ cổ phần nhà nước.
Đối với các doanh nghiệp, nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới là: cắt giảm chi phí, duy trì quan hệ hoặc tìm kiếm đối tác và thị trường mới; chuyển đổi mô hình kinh doanh thông qua ứng dụng công nghệ thông tin; chuyển đổi sản phẩm trên cơ sở nghiên cứu nhu cầu thị trường đối với các mặt hàng thiết yếu và gắn với xu thế tiêu dùng phù hợp với bối cảnh đại dịch; cập nhật thông tin về diễn biến dịch bệnh để tìm kiếm cơ hội kinh doanh, tiếp cận thị trường khi dịch bệnh được đẩy lùi; tận dụng các chính sách ưu đãi của Nhà nước để duy trì hoạt động, đầu tư phát triển hạ tầng sản xuất kinh doanh…
Ngoài ra, bản thân các doanh nghiệp cũng cần cùng Nhà nước và cùng nhau thúc đẩy việc tạo lập một môi trường cạnh tranh thực sự bình đẳng, lành mạnh ở nước ta. Các doanh nghiệp cần tuân thủ pháp luật, thực hiện các chuẩn mực về văn hóa, đạo đức, liêm chính và trách nhiệm xã hội trong kinh doanh, chống sự hình thành các nhóm lợi ích đi ngược lợi ích chung của cộng đồng doanh nghiệp hay của xã hội, chống các hành vi gây tổn hại cho môi trường cạnh tranh. Một môi trường cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh cần được chính các doanh nghiệp mọi thành phần kinh tế cùng nhau tạo lập và bảo vệ ngay tại các sân chơi của mình.
An MaiLãi suất cho vay nhà ở xã hội của năm 2025 giảm xuống còn 4,7%/ năm. Đây là nội dung trong Quyết định số 2690/QĐ-NHNN về mức lãi suất áp dụng trong năm 2025, đối với các khoản cho vay hỗ trợ nhà ở của các ngân hàng thương mại, do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa ban hành.