Kinh tế vĩ mô Việt Nam: Nhìn lại 2024 và triển vọng 2025

Diễn đàn
10:39 AM 04/01/2025

Tại Tọa đàm “Kinh tế vĩ mô Việt Nam nhìn lại 2024 và triển vọng 2025” ngày 3/1, các chuyên gia cho rằng nền kinh tế Việt Nam trong năm 2024 đã có sức bật mạnh mẽ. Năm 2025, sẽ vượt qua thách thức toàn cầu, triển vọng về một nền kinh tế vững mạnh và bền vững trong tương lai.

Tại Tọa đàm, TS. Nguyễn Quốc Việt - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách (VEPR) cho biết, bức tranh kinh tế Việt Nam trong năm 2024 có nhiều điểm sáng.

Theo đó, dòng vốn FDI tiếp tục là điểm sáng trong bức tranh kinh tế Việt Nam. Tính đến ngày 30/11/2024, tổng vốn FDI đăng ký đạt 31,4 tỷ USD, tăng 1% so với cùng kỳ năm trước. Vốn thực hiện đạt 21,68 tỷ USD, tăng 7,1%, đánh dấu mức cao nhất trong 5 năm qua.

Tính đến đầu tháng 12/2024, Việt Nam đã thu hút được 174 dự án FDI trong lĩnh vực bán dẫn với tổng vốn đăng ký gần 11,6 tỷ USD.

Bên cạnh đó, đầu tư tư nhân dần tăng trưởng trở lại, tính chung 9 tháng năm 2024, mức tăng đạt 7,1%, phản ánh niềm tin ngày càng tăng của doanh nghiệp trong nước.

Tổng thu ngân sách nhà nước như Bộ Tài chính công bố ước số thu năm 2024 ước đạt khoảng 2.025,4 nghìn tỷ đồng, bằng 119,1% (tăng 324,4 nghìn tỷ đồng) so dự toán, tăng 15,5% so thực hiện năm 2023. Khu vực tư nhân ngày càng chiếm tỷ trọng cao trong đóng góp thu ngân sách nhà nước...

Kinh tế vĩ mô Việt Nam: Nhìn lại 2024 và triển vọng 2025- Ảnh 1.

hu hút FDI được đánh giá là điểm sáng trong bức tranh kinh tế Việt Nam năm 2024. Ảnh: Internet

Tuy nhiên, các biến động kinh tế thế giới và các xu thế chính sách bảo hộ thương mại của Mỹ và các nước lớn có thể giảm tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Bên cạnh đó, mặc dù lạm phát năm 2024 dự kiến đạt mức dưới 4,5%, nhưng áp lực từ giá dầu, hàng hóa thế giới và biến động tỷ giá có thể ảnh hưởng tiêu cực đến xuất khẩu, nhập khẩu và sức mua...

Đại diện VEPR khuyến nghị một số chính sách trong thời gian tới. Theo đó, tập trung ổn định vĩ mô gắn với phục hồi tăng trưởng nhanh và mạnh mẽ hơn so với giai đoạn hậu COVID-19. Các chính sách vĩ mô cần được ban hành, đánh giá tác động một cách cẩn trọng, đa chiều và có lộ trình cụ thể được công bố sớm để các chủ thể liên quan, đặc biệt là DN có thể thích ứng...

Theo VEPR, trong trung hạn, cần nâng cấp cơ sở hạ tầng, nâng cao trình độ và kỹ năng cho lực lượng lao động và phát triển khoa học công nghệ nhằm cải thiện năng lực cạnh tranh, thúc đẩy kinh doanh sáng tạo và bền vững. Về dài hạn, xây dựng chiến lược và thực hiện các chính sách phát triển có mục tiêu, có trọng tâm, trọng điểm đồng thời đảm bảo việc giải ngân đầu tư công một cách có hiệu quả.

Kinh tế vĩ mô Việt Nam: Nhìn lại 2024 và triển vọng 2025- Ảnh 2.

TS Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính, tiền tệ quốc gia - Ảnh: VGP

Nhận định về các điểm sáng của kinh tế Việt Nam năm 2024 vừa qua, tại toạ đàm, Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách tài chính - Tiền tệ Quốc gia nhấn mạnh, với mục tiêu mà Tổng Bí thư và Đảng, Nhà nước đã đề ra là đến năm 2030 Việt Nam là quốc gia thuộc nhóm có thu nhập trung bình cao, và đến năm 2045 là nước có sẽ trở thành nước thu nhập cao thì trong năm 2025 phải phấn đấu để đạt mức tăng trưởng ít nhất là 8% như Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo.

"Đến giai đoạn năm 2026 - 2030, phải phấn đấu tăng trưởng đạt hai con số ở mức khoảng 10%. Sau đó từ năm 2031 - 2045 đạt 6,5 đến 7%. Bởi tốc độ tăng trưởng sẽ giảm dần cho dù chúng ta nỗ lực, cố gắng và quyết tâm vì lúc bây giờ quy mô kinh tế của Việt Nam rất lớn tỷ lệ tăng trưởng sẽ chậm dần do phải so sánh với mức nền rất cao của giai đoạn trước", ông nói.

Nếu làm được những điều này, mục tiêu rở thành nước thu nhập cao và có nền tảng công nghiệp hiện tại hoàn toàn khả thi.

Phân tích kỹ hơn về yếu tố giúp tăng trưởng kinh tế thực sự đột phá từ năm 2025 trở đi, chuyên gia Cấn Văn Lực cho rằng cần phải thực sự quyết liệt và thậm chí làm cách mạng ở 5 lĩnh vực quan trọng.

Thứ nhất, là câu chuyện liên quan đến thể chế, phải thực sự đột phá, từ khâu làm luật cho đến khâu thực thi và giám sát luật. Đặc biệt, phải từng bước tháo gỡ khó khăn đang diễn ra càng nhanh càng tốt, để qua đó huy động và giải phóng nguồn lực hiệu quả hơn.

Thứ hai, cần quyết tâm thực hiện một cách nhanh, gọn và hiệu quả hai chủ trương rất lớn của Đảng và Nhà nước là Đột phá về thể chế và cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy.

"Với quyết tâm của Đảng và Nhà nước cùng cả hệ thống chính trị thì, tôi tin chúng ta sẽ làm được. Như Tổng Bí Thư đã nói, chúng ta sẽ bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Điều này rất khả thi nếu chúng ta quyết tâm triển khai thực hiện", TS. Lực nói.

Thứ ba là cần phải tập trung vào các động lực tăng trưởng kinh tế của Việt Nam cả động lực truyền thống và động lực mới. Với động lực truyền thống, cỗ xe tam mã: Xuất khẩu ròng, đầu tư và tiêu dùng cần tiếp tục được thúc đẩy.

Bên cạnh đó, còn có động lực tăng trưởng mới đến từ các lĩnh vực công nghệ cao, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh còn rất nhiều dư địa để phát triển. Nghị quyết 57 mà Bộ Chính trị đã tập trung vào vấn đề này với việc đẩy mạnh phát triển những ngành nghề, lĩnh vực mới đem lại giá trị gia tăng cao như: Công nghiệp bán dẫn, thúc đẩy đổi mới sáng tạo...

Nguồn lực thứ tư là cải cách thể chế. "Kinh nghiệm quốc tế cho thấy rằng là khi chúng ta cải cách tốt về thể chế thì tăng trưởng kinh tế sẽ rất tích cực. Vì vậy, tôi cho rằng chúng ta cũng cần phải khai thác tốt hơn nguồn lực tăng trưởng mới này", chuyên gia đề xuất.

Cuối cùng là việc phối hợp chính sách, nhất là giữa chính sách tài khoá và chính sách tiền tệ, chính sách giá cả và nhiều chính sách khác trong bối cảnh bên ngoài có rất nhiều thách thức, nhất là với chính quyền mới của Tổng thống Mỹ và nhiều quốc gia khác. Chuyên gia dự báo rủi ro về thương mại quốc tế, địa chính trị trong thời gian tới còn diễn biến rất phức tạp.

Huyền My (t/h)
Ý kiến của bạn