Kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm 2022: Cải cách và phát triển bền vững
Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) - Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội thảo công bố báo cáo “Kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm 2022: Cải cách và phát triển bền vững” vào sáng 15/7, tại Hà Nội, dưới sự hỗ trợ của Chương trình Australia Hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam (Aus4Reform).
Tham dự hội thảo, có TS Trần Thị Hồng Minh - Viện trưởng CIEM; ông David Gottlieb - Tham tán Kinh tế, Đại sứ quán Australia tại Việt Nam; PGS.TS Bùi Quang Tuấn - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam; cùng các chuyên gia kinh tế: PGS.TS Lê Xuân Bá, TS Lê Đăng Doanh; TS Lê Duy Bình - Giám đốc Economica Việt Nam; ông Nguyễn Anh Dương - Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp CIEM; cùng đông đảo khách mời, đại diện một số cơ quan thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các cơ quan thông tấn báo chí Trung ương và Hà Nội.
Phát biểu khai mạc hội thảo, TS Trần Thị Hồng Minh - Viện trưởng CIEM - đã đưa ra những nhận định về diễn biến kinh tế vĩ mô trong 6 tháng đầu năm 2022. Theo đó, Chính phủ Việt Nam tiếp tục thực hiện cách tiếp cận "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19". Cùng với việc kiểm soát tốt đại dịch, tỷ lệ bao phủ vắc xin được cải thiện và số ca nhiễm liên tục giảm, các biện pháp hạn chế đối với xuất nhập cảnh đã dần được dỡ bỏ.
Việt Nam đã triển khai nhiều chính sách nhằm thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, và nhấn mạnh ưu tiên cho ổn định nền kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Chính phủ, các bộ ngành tiếp tục đề ra và tập trung thực hiện các biện pháp quyết liệt nhằm thúc đẩy giải ngân đầu tư công. Hỗ trợ người lao động và các nhóm yếu thế trong xã hội cũng là một ưu tiên quan trọng nhằm giảm bớt khó khăn, tạo điều kiện cho quá trình thích ứng với bối cảnh làm việc mới.
Các số liệu thống kê đã cho thấy đà phục hồi tích cực của kinh tế Việt Nam. Tốc độ tăng GDP đạt 5,03% trong quý I/2022 và 7,72% trong quý II/2022, đạt mức tăng trưởng tương đối cao so với khu vực châu Á. Đà phục hồi tăng trưởng được thể hiện rõ nét ở cả ba khu vực, đặc biệt là dịch vụ.
Trong lĩnh vực lao động, việc làm, nhờ các giải pháp, chính sách kịp thời hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh, và hỗ trợ người lao động, tình hình lao động, việc làm đã sớm có những chuyển biến tích cực. Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên trong quý II/2022 đạt 51,6 triệu người, tăng gần 0,6 triệu người so với cùng kỳ năm trước.
Hoạt động đầu tư trong 6 tháng đầu năm 2022 đã phục hồi khá tích cực. Tổng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội ước đạt 1.301,2 nghìn tỷ đồng (giá hiện hành), tăng 9,6% so với cùng kỳ. Trong đó, khu vực ngoài nhà nước ghi đạt 739,3 nghìn tỷ đồng, chiếm 56,8% tổng vốn đầu tư toàn xã hội (theo giá hiện hành). Vốn FDI thực hiện trong 6 tháng đầu năm 2022 đã phục hồi vượt mức cùng kỳ năm 2019. Việt Nam vẫn duy trì sức hút đối với dòng vốn FDI nhờ một số nguyên nhân như kiểm soát dịch COVID-19 hiệu quả, một loạt FTA quan trọng và duy trì đà cải cách môi trường kinh doanh.
Trong 6 tháng đầu năm 2022, hoạt động xuất nhập khẩu tăng trưởng khá nhanh. Tổng giá trị xuất khẩu đạt hơn 186,0 tỷ USD, tăng 17,3%. Tổng giá trị nhập khẩu đạt hơn 185,3 tỷ USD, tăng 15,5%. Việt Nam xuất siêu gần 743 triệu USD. Việc khai thá các FTA tiếp tục giúp Việt Nam đa dạng hóa thị trường, đồng thời giảm được rủi ro phụ thuộc vào một số thị trường cụ thể. Tuy nhiên, rủi ro gặp phải các vụ việc phòng vệ thương mại cũng có xu hướng gia tăng.
Phát biểu tại buổi hội thảo, ông Nguyễn Anh Dương - Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp CIEM cho biết: Báo cáo "Kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm 2022: Cải cách và phát triển bền vững" đã đưa ra 2 kịch bản cập nhật dự báo kinh tế Việt Nam 2022. Theo đó, tăng trưởng kinh tế năm 2022 có thể đạt mức 6,7% theo Kịch bản 1, và 6,9% trong Kịch bản 2. Xuất khẩu cả năm dự báo tăng 15,8% trong Kịch bản 1 và tăng 16,3% trong Kịch bản 2. Thặng dư thương mại dự báo tương ứng ở các mức 1,2 tỷ USD và 2,5 tỷ USD. Lạm phát bình quân năm 2022 dự báo lần lượt ở mức 4,0% và 3,7%.
Báo cáo cũng tập trung vào yêu cầu phục hồi xanh trong bối cảnh mới. Đồng thời khẳng định Việt Nam đã có kinh nghiệm xử lý tác động phức tạp của tình hình dịch bệnh COVID-19, rủi ro suy thoái kinh tế thế giới, trong khi áp lực lạm phát trong nước đã trở nên hiện hữu hơn. Dù vậy, bối cảnh 6 tháng cuối năm 2022 và năm 2023 sẽ đặt Việt Nam trước những yêu cầu cải cách và điều hành mới. Trong bối cảnh này, việc duy trì "công thức" từ những năm trước đó – duy trì ổn định kinh tế vĩ mô để tạo điều kiện cho cải cách thể chế kinh tế mạnh mẽ theo hướng thị trường hiện đại - càng có ý nghĩa quan trọng.
Báo cáo "Kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm 2022: Cải cách và phát triển bền vững" nhấn mạnh thông điệp cần tiếp tục tập trung và cải thiện nền tảng kinh tế vi mô và đổi mới hệ thống thể chế kinh tế theo hướng thân thiện hơn với sáng tạo và phục hồi xanh, gắn với củng cố ổn định kinh tế vi mô ở Việt Nam.
Nguyễn HạnhNăm 2024, Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới công bố Việt Nam tăng 2 bậc chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu so với năm 2023, xếp thứ 44/133 quốc gia, nền kinh tế.