Kinh tế Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng 2,6-2,8% năm 2020

Đầu tư và Tiếp thị
11:20 AM 22/10/2020

Tại buổi tọa đàm công bố báo cáo kinh tế vĩ mô quý III, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) dự đoán, năm 2020, Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng 2,6-2,8%, khi việc kiểm soát dịch Covid-19 trong các tháng còn lại của năm diễn ra thuận lợi như hiện nay.

Kinh tế Việt Nam trong quý III/2020 tăng trưởng 2,62%, trước đó chỉ tăng trưởng 0,39% trong quý II. Theo các chuyên gia, đây chính là dấu hiệu đầy lạc quan của nền kinh tế Việt Nam.

Kinh tế Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng 2,6-2,8% năm 2020 - Ảnh 1.

Tính chung 9 tháng đầu năm, GDP tăng 2,12%. Trong 9 tháng đầu năm, cả nước có gần 99 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, giảm 3,2% về số doanh nghiệp, tăng 10,7% về vốn đăng ký và giảm 16,3% về số lao động so với 9 tháng đầu năm 2019. Số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn tăng 81,8% so với cùng kỳ năm trước.

VEPR cũng đưa ra 2 kịch bản tăng trưởng cho năm 2020. Theo kịch bản một, nếu dịch Covid-19 tiếp tục được khống chế, kinh tế Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng 2,6-2,8%. Theo kịch bản hai, trong trường hợp bất lợi hơn khi các đối tác của Việt Nam tái áp dụng các biện pháp phong tỏa, kinh tế Việt Nam chỉ tăng trưởng trong khoảng 1,8-2%.

VEPR cũng khuyến nghị chính sách ưu tiên hàng đầu lúc này là đảm bảo an sinh xã hội, ổn định kinh tế vĩ mô, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp cần tiếp tục thực hiện khẩn trương và thực chất hơn; đồng thời đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công nhất là các dự án trọng điểm quốc gia.

Dù sản xuất vẫn gặp rất nhiều khó khăn, hoạt động bán lẻ kinh doanh phục hồi thận trọng, tuy nhiên tăng trưởng vốn đầu tư từ khu vực nhà nước đã tăng mạnh, cán cân thương mại thặng dư 10,7 tỷ USD, lạm phát duy trì ở mức thấp, điều hành chính sách vĩ mô được ổn định.

Trong mọi tình huống, lạm phát, lãi suất và tỷ giá cần được duy trì ổn định để chuẩn bị cho giai đoạn phục hồi sau đại dịch. Triển vọng kinh tế năm 2020 phụ thuộc vào khả năng khống chế dịch bệnh không chỉ trong nước mà trên thế giới, kỳ vọng vào Hiệp định EVFTA, tiến độ giải ngân các dự án đầu tư công

Tuy vậy, PGS.TS Phạm Thế Anh, Chuyên gia VEPR nhấn mạnh, Việt Nam cũng đang gặp nhiều rủi ro và thách thức trong một môi trường kinh tế thế giới bất trắc.

Cụ thể là, sự tái bùng phát của Covid-19 tại nhiều nước đi kèm với các biện pháp phong tỏa có thể kéo dài thời gian đứt gãy của chuỗi cung ứng; xung đột địa chính trị giữa các nước lớn có thể khiến một nền kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam đối diện những rủi ro bất ngờ.

Bên cạnh đó, điểm yếu của kinh tế Việt Nam còn đến từ các rủi ro nội tại như mất cân đối tài khóa lớn, tốc độ và mức độ đầu tư phát triển, đặc biệt là hạ tầng, bị chững lại; sức khỏe hệ thống ngân hàng – tài chính tuy dần được củng cố nhưng còn dễ tổn thương...

Với điều kiện dịch Covid-19 tiếp tục được khống chế ổn định ở trong nước và kinh tế thế giới bắt đầu khởi sắc do các biện pháp phong tỏa được dần gỡ bỏ, kinh tế Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng khoảng 2,6-2,8% trong cả năm 2020.

Các chuyên gia dự báo, làn sóng dịch chuyển đầu tư và tận dụng các ưu đãi từ Việt Nam, môi trường vĩ mô ổn định, tạo điều kiện tốt cho việc thực thi các chính sách sẽ là động lực hỗ trợ tăng trưởng cho Việt Nam trong năm 2021 và những năm tiếp theo.

Tâm Anh
Ý kiến của bạn
Tăng trưởng GRDP vùng Trung du và miền núi phía Bắc đạt 9,1% Tăng trưởng GRDP vùng Trung du và miền núi phía Bắc đạt 9,1%

Tại Hội nghị Hội đồng điều phối vùng Trung du và miền núi Bắc bộ lần thứ 4, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Đức Tâm cho biết, tăng trưởng GRDP của Vùng năm 2024 ước đạt 9,11%, cao hơn bình quân chung cả nước (ước đạt 6,8%-7%) và là vùng cao nhất cả nước.