Kinh tế xanh: Hoạt động tái chế rác thải của Việt Nam đang ở đâu?
Mỗi ngày, chúng ta thải ra hàng chục nghìn tấn rác thải sinh hoạt, trong đó rác thải đô thị chiếm khoảng 60%. Ngoại trừ các loại rác không thể tái chế chiếm số lượng nhỏ, phần lớn còn lại vẫn chưa thực sự được khai thác triệt để và tận dụng hết giá trị. Có thể nói, chúng ta vẫn còn đang lãng phí nguồn tài nguyên rác thải này.
Thực trạng phân loại và tái chế
Một trong những giải pháp thúc đẩy kinh tế tuần hoàn được quan tâm và thảo luận sôi nổi là biến rác thải trở thành nguồn tài nguyên. Nhiều chuyên gia lưu ý rằng để giải quyết tốt việc xử lý rác thải cần giải quyết đồng thời hai vấn đề đó là phân loại rác tại nguồn và tái chế một cách hiệu quả.
Trong khi ở nhiều quốc gia phát triển, việc xử lý rác thải trở thành tài nguyên đang được chú trọng thì với Việt Nam, nguồn tài nguyên rác đang bị lãng phí rất lớn. Tại Việt Nam, hành động phân loại rác thải vẫn còn chưa phổ biến và trở thành thói quen trong cuộc sống hàng ngày, người dân vẫn chưa ý thức được tầm quan trọng của việc phân loại rác thải. Rác thải sinh hoạt vẫn còn bị vứt lẫn lộn, thậm chí là vứt lung tung không đưa về điểm tập kết thu gom rác, gây khó khăn cho công việc thu gom và xử lý.
Rác thải hữu cơ thường chiếm tới 50% tổng số lượng rác được thải ra bởi các hộ gia đình, các cơ sở kinh doanh. Đây là một nguồn nguyên liệu tái chế lớn mà doanh nghiệp có thể tận dụng để tạo ra sản phẩm phục vụ cho nông nghiệp, tiêu biểu có thể kể đến là phân bón compost được sản xuất từ rác thải hữu cơ. Tuy nhiên vì chỉ có một phần rác thải hữu cơ được tập kết và đưa đến nhà máy tái chế, tiềm năng và năng suất của việc tái chế loại rác thải này vẫn chưa được tận dụng hết.
Một loại rác chiếm tỷ trọng lớn khác chính là rác thải nhựa và túi nilon. Đây là loại rác có tiềm năng tái chế hoàn toàn với sản phẩm phục vụ cho nhiều ngành công nghiệp sản xuất khác. Sau hoạt động tái chế, nhà máy sẽ cho ra thành phẩm là xơ polyester dùng trong thú nhồi bông, quần áo, đệm, hoặc trở thành các loại nhựa tái chế dùng cho giày dép, các loại chai nhựa đựng hóa chất…
Ngành tái chế nhựa không phải là một ngành mới, nhưng tín hiệu đáng mừng là lượng chai nhựa được tái chế đang được tăng lên đáng kể. Nếu trước đây chỉ tái chế những sản phẩm thấp cấp nhưng với công nghệ hiện nay, tái chế các chai nhựa cho ra sản phẩm hạt nhựa có thể thổi tạo ra chai nhựa (tái sinh chai nhựa), cung cấp khoảng 6,5 tỷ chai mỗi năm vào năm 2026. Nhưng thực trạng là vẫn còn một số lượng lớn chai nhựa và rác thải nilon thất thoát, bị thải ra ngoài môi trường, hoặc vứt ra biển, tạo thành lượng lớn rác thải đại dương gây ảnh hưởng đến đời sống sinh vật biển.
Nếu như trước đây khái niệm sản phẩm tái chế còn khá xa vời thì từ khi có quy định về EPR (Chính sách Trách nhiệm Mở rộng của Nhà sản xuất), sự quan tâm và tiêu dùng trong nước đã tăng lên rõ rệt. Hiện nay, có nhiều sản phẩm chai tái chế trên thị trường có tỷ lệ nhựa tái chế 50%, thậm chí 100%. Theo các chuyên gia, điều này đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong quản lý chất thải và thúc đẩy ngành công nghiệp tái chế ở Việt Nam, tạo ra một cơ sở pháp lý vững chắc cho việc thực thi; giúp các doanh nghiệp hiểu rõ trách nhiệm của mình và có định hướng cụ thể trong hoạt động tái chế, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn.
Biến rác thải thành tài nguyên
Có thể thấy, tái chế rác thải không chỉ có ý nghĩa về mặt môi trường mà còn đem lại lợi ích về kinh tế. Chúng làm giảm sự phụ thuộc của con người vào việc khai thác, sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên đang dần cạn kiệt, thay vào đó, chúng ta có thể sử dụng các nguồn tài nguyên thay thế hoặc tài nguyên đến từ sản phẩm tái chế.
Việc tái sử dụng rác thải chính là thực hiện nền kinh tế tuần hoàn, tức là tất cả trong một vòng khép kín, không lãng phí nguồn nguyên liệu nào. Phân loại rác từ nguồn là điều kiện tiên quyết để xử lý rác thải hiệu quả và biến nó thành những nguồn nguyên liệu đầu vào cho ngành công nghiệp tái chế.
Những lợi ích của việc tái chế rác thải đã khiến nhiều quốc gia trên thế giới ngày càng có xu hướng coi rác thải là nguồn tài nguyên quý giá. Việc phân loại rác ngày càng được chú trọng, cùng với các quy trình tái chế rác được nâng cao đã và đang mang đến những nhận thức mới về rác thải. Về tổng quan ngành tái chế rác thải Việt Nam hiện nay, tình hình thu gom, tái chế phế liệu hầu hết được thực hiện bởi lực lượng phi chính thức. Tái chế không đảm bảo vệ sinh môi trường do chưa có sự hướng dẫn, hỗ trợ từ các cơ quan, đơn vị có thẩm quyền, dẫn đến không khai thác được triệt để và hiệu quả. Điều này dẫn đến việc tái chế chưa thực sự hiệu quả khi mà Việt Nam là đất nước có lượng rác thải lớn trong top 20 thế giới nhưng lại là quốc gia nhập khẩu phế liệu đứng thứ hai thế giới với hàng triệu tấn phế liệu các loại mỗi năm.
Các chuyên gia cho rằng để việc phân loại rác trở thành một phần thiết yếu trong đời sống, cần có sự thay đổi toàn diện từ ý thức người dân đến cơ chế chính sách và hệ thống hạ tầng. Một trong những giải pháp quan trọng là đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục cộng đồng về tầm quan trọng của phân loại rác thải. Việc lắp đặt các thùng rác phân loại tại các khu dân cư, trường học, công viên cần được triển khai đồng bộ. Sau khi đảm bảo được quá trình phân loại rác thải, các công nghệ xử lý và tái chế được đánh giá là yếu tố rất cần thiết để đảm bảo chiến lược xây dựng nền kinh tế tuần hoàn của Việt Nam.
Để áp dụng hiệu quả và mở rộng quy mô sử dụng công nghệ xử lý rác thải tại Việt Nam, các chuyên gia và đại diện doanh nghiệp cho biết việc ban hành quy định và khung pháp lý phù hợp là rất cần thiết. Những quy định và khung pháp lý này sẽ là cơ sở để các doanh nghiệp áp dụng trong quá trình chuyển đổi sản xuất, cũng như có các hành động thiết thực hơn trong việc thiết kế sản phẩm, bao bì có thể tái chế, hay các hoạt động thu gom bao bì hậu mãi với mục đích tái chế. Những chính sách đã được ban hành cũng cần được thực thi nghiêm ngặt trong cuộc sống để tạo điều kiện phù hợp cho dòng vốn FDI.
Tin tưởng rằng một khi những quy trình trên được thực hiện đầy đủ thì ngành xử lý rác thải của Việt Nam sẽ đem lại hiệu quả kinh tế, thúc đẩy quá trình chuyển dịch kinh tế tuần hoàn trong nước.
Bảo PhươngViệt Nam đã đạt được nhiều tiêu chí và có các động lực để trở thành một nền kinh tế "con hổ" khu vực châu Á. Nhưng để đạt mục tiêu này, Việt Nam cần đầu tư vào giáo dục, cải thiện cơ sở hạ tầng và thực hiện các cải cách chính sách.