Kon Tum: Cần xem lại quyết định kỷ luật buộc thôi việc và giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội cho ông Hà Văn Đương
Tòa soạn Tạp chí Doanh nghiệp và Tiếp thị vừa nhận được đơn của bà Trịnh Thị Liệu kêu oan cho người chồng đã quá cố là ông Hà Văn Đương (địa chỉ: Số 4 đường Trương Định, phường Duy Tân, TP. Kon Tum, tỉnh Kon Tum) về việc ông bị Hiệu trưởng Trường Trung học Nông nghiệp tỉnh Gia Lai - Kon Tum (nay là Trường Cao đẳng Cộng đồng Kon Tum) buộc thôi việc trái pháp luật và không được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội.
Quyết định buộc thôi việc trái pháp luật?
Theo đơn phản ánh của bà Liệu (vợ ông Đương, người được ông để lại di chúc ủy quyền để bà tiếp tục đòi hỏi quyền lợi cho chồng), ông Hà Văn Đương được chuyển công tác về Trường Kỹ thuật Thủy lợi tỉnh Gia Lai - Kon Tum (ngôi trường về sau được sáp nhập với Trường Trung học Nông nghiệp (THNN) Gia Lai - Kon Tum từ tháng 9/1987) làm công nhân lái xe, từ ngày 25/3/1987, theo Quyết định số 01/TC-TL, được ký bởi Hiệu trưởng nhà trường. Quyết định ghi "Căn cứ vào quyền hạn và nhiệm vụ trong Quyết định số 45-QĐ ngày 15/6/1976 của UBND tỉnh Gia Lai - Kon Tum...". Với quyết định nói trên, ông Đương là nhân viên chính thức, không phải lao động hợp đồng tại ngôi trường này.
Ngoài công việc chính là công nhân lái xe, được hưởng lương hàng tháng, ông Đương còn được nhà trường ký hợp đồng cho nhận khoán sử dụng xe ô tô Jin 130 của nhà trường, hàng tháng trả cho trường 300.000 đồng.
Từ tháng 12/1987 đến tháng 7/1989, ông Đương thanh toán đầy đủ cho nhà trường số tiền khoán xe 5.640.000 đồng. Tháng 8/1989, xe bị hư hỏng, ông Đương báo cáo xin kinh phí sửa xe và được nhà trường đồng ý để ông tự bỏ kinh phí sửa xe rồi sẽ được trừ khoản chi phí này vào tiền nhận khoán hàng tháng phải nộp. Gia đình ông Đương phải bán 1 lô đất để lấy tiền sửa xe. Sau khi sửa xong xe, chạy được 2 chuyến hàng thì ông Đương nhận được yêu cầu của trường phải giao lại xe cho nhà trường, mà không thanh toán chi phí mà ông đã bỏ ra để sửa xe. Tháng 12/1989, Trường Trung học Nông nghiệp (THNN) Gia Lai - Kon Tum bán xe cho người khác mà không thực hiện thanh lý hợp đồng giao khoán với ông Đương.
Công văn số 2781 UBND tỉnh Kon Tum trả lời Ủy ban Pháp luật Quốc hội và Công văn trả lời số 1676 của UBND tỉnh Kon Tum.
Ngày 1/12/1990, Hiệu trưởng Trường THNN Gia Lai - Kon Tum ban hành Quyết định số 10/QĐ-TV thi hành kỷ luật, buộc thôi việc đối với ông Hà Văn Đương và trả ông Đương về địa phương nơi ông cư trú vì cho rằng, đến hạn ngày 31/2/1990, ông Đương không thanh toán cho nhà trường số tiền 2.179.000 đồng.
Bà Liệu cho rằng: Ông Hà Văn Đương ký kết hợp đồng nhận khoán sử dụng xe ô tô của nhà trường, thì nếu có vi phạm điều khoản nào trong hợp đồng, Trường THNN Gia Lai - Kon Tum phải áp dụng Pháp lệnh Hợp đồng Kinh tế số 24-LCT/HĐNN8 của Hội đồng Nhà nước năm 1989 để giải quyết. Trong khi ông Đương không vi phạm Pháp lệnh Công chức, viên chức thì cớ sao lại bị Hiệu trưởng Trường THNN Gia Lai - Kon Tum thi hành kỷ luật buộc thôi việc!? Có phải, Hiệu trưởng Trường THNN Gia Lai - Kon Tum bất chấp pháp luật khi buộc thôi việc ông Đương một cách vô cớ, hủy hoại công danh sự nghiệp của ông Đương!?
Sau tất cả những động thái nói trên, khi nhận được phản ánh của ông Đương, Hiệu trưởng Trường THNN Gia Lai - Kon Tum còn yêu cầu ông Đương đưa lại quyết định "để thanh toán chế độ". Tin lời Hiệu trưởng, ông Đương nộp lại quyết định cho nhà trường nhưng kể từ đó, "bặt vô âm tín", trường này không làm chế độ, cũng không trả quyết định cho ông Đương. Cho mãi đến năm 1993, Trường THNN Gia Lai - Kon Tum mới đưa lại quyết định buộc thôi việc dưới dạng một bản phô tô cho ông Đương và khi đó ông mới có điều kiện khởi kiện vụ việc ra Tòa án thì đã hết thời hiệu giải quyết theo pháp luật. Nhận thấy mình bị kỷ luật buộc thôi việc là oan sai, trước lúc qua đời (ngày 22/10/2011) ông Đương để lại Di chúc cho vợ mình là bà Trịnh Thị Liệu tiếp tục khiến kiện đòi quyền lợi cho ông.
Giải quyết đơn thư bất hợp lý?
Tại Công văn số 442/BHXH-CĐBHXH ngày 26/12/2014, Bảo hiểm xã hội tỉnh Kon Tum trả lời bà Liệu: "Căn cứ điểm 19, Văn bản số 169/BHXH ngày 17/02/1981 của Bộ Lao động - Thương binh ban hành kèm theo Luật Lệ hóa về các chế độ BHXH quy định: Bị kỷ luật buộc thôi việc hoặc bị kết án tù thì thời gian công tác trước đó, thời gian bị đình chỉ công tác, thời gian bị tạm giam đều không được tính. Đối chiếu với quy định trên, nếu năm 1990, ông Hà Văn Đương bị kỷ luật buộc thôi việc thì thời gian tham gia công tác trước khi bị kỷ luật buộc thôi việc không được tính để hưởng chế độ hưu trí theo quy định". Đây đồng nghĩa với việc, từ quyết định kỷ luật buộc thôi việc trái pháp luật của Hiệu trưởng Trường THNN Gia Lai - Kon Tum mà 20 năm công tác của ông Hà Văn Đương không được hưởng chế độ hưu trí.
Tại Công văn số 1676/VP-TD ngày 15/8/2017 và Công văn số 2781/UBND-KGVX ngày 31/7/2020, UBND tỉnh Kon Tum báo cáo Ủy ban Pháp luật Quốc hội như sau: "Tháng 3/1987, ông Hà Văn Đương được tiếp nhận vào làm công nhân lái chiếc xe Jin 130 tại Trường Kỹ thuật Thủy lợi tỉnh Gia Lai - Kon Tum theo Quyết định tiếp nhận số 01/TC-TL ngày 25/3/1987 và Quyết định phân công công việc số 02/QĐ ngày 30/3/1987 của Hiệu trưởng Trường Kỹ thuật Thủy lợi tỉnh Gia Lai - Kon Tum. Đến tháng 12/1987, Hiệu trưởng Trường THNN tỉnh Gia Lai - Kon Tum và ông Hà Văn Đương ký hợp đồng kinh tế khoán xe Jin 130, thời hạn hợp đồng đến tháng 2/1990. Khi tiếp nhận vào làm công nhân lái xe, ông Hà Văn Đương không có quyết định của UBND tỉnh Gia Lai - Kon Tum theo Nghị định số 24/CP ngày 13/3/1963 của Hội đồng Chính phủ. Căn cứ Thông tư số 14-LĐ/TT ngày 21/6/1997 của Bộ Lao động, tháng 3/1987, Hiệu trưởng Trường THNN tỉnh Gia Lai - Kon Tum và ông Hà Văn Đương ký hợp đồng kinh tế khoán xe Jin 130, thì ông Đương được xác định là công nhân lao động theo hình thức hợp đồng, thuộc thẩm quyền quản lý của nhà trường. Ngày 1/12/1990, Hiệu trưởng Trường THNN Gia Lai - Kon Tum đã có Quyết định số 10/QĐ-TV về thi hành kỷ luật buộc thôi việc đối với ông Hà Văn Đương. Theo tài liệu, hồ sơ xử lý kỷ luật đối với ông Đương cho thấy, trong quá trình làm việc ông Đương đã có các vi phạm trong việc không thực hiện đúng hợp đồng khoán xe, làm hư hỏng xe, làm mất giấy tờ xe, nợ nhà trường 2.170.000 đồng, không đến làm việc để giải quyết sự việc mặc dù đã được mời, thông báo nhiều lần nên ông Đương bị xử lý kỷ luật buộc thôi việc".
Như trên đã nêu, từ ngày 25/3/1987 ông Hà Văn Đương được Trường Kỹ thuật Thủy lợi tỉnh Gia Lai - Kon Tum tiếp nhận công tác chính thức theo Quyết định 01 TC-TL do Hiệu trưởng trường này ký, căn cứ quyền hạn và nhiệm vụ được quy định tại Quyết định số 45-QĐ ngày 15/6/1976 của UBND tỉnh Gia Lai - Kon Tum. Nay tại các văn bản nói trên, UBND tỉnh Kon Tum lại cho rằng, ông Hà Văn Đương không có quyết định của UBND tỉnh Gia Lai - Kon Tum, là nghĩa làm sao? UBND tỉnh Kon Tum viện dẫn Nghị định số 24/CP ngày 13/3/1963 của Hội đồng Chính phủ và Thông tư số 14-LĐ/TT ngày 21/6/1997 của Bộ Lao động cho rằng ông Đương là "công nhân hợp đồng" - điều này sao có tính thuyết phục? Việc ký kết hợp đồng giao khoán sử dụng xe ô tô đơn thuần chỉ là hợp đồng kinh tế, liên quan gì đến tư cách công nhân chính thức của ông Đương?
UBND tỉnh Kon Tum cho rằng việc thi hành kỷ luật buộc thôi việc đối với ông Hà Văn Đương là do trong quá trình làm việc ông Đương đã có các vi phạm trong việc không thực hiện đúng hợp đồng khoán xe, làm hư hỏng xe, làm mất giấy tờ xe, nợ nhà trường 2.170.000 đồng, không đến làm việc để giải quyết sự việc mặc dù đã được mời, thông báo nhiều lần. Tại Điều 14 Nghị định số 24/CP ngày 13/3/1963 của Hội đồng Chính phủ quy định: "Công nhân, viên chức Nhà nước bị buộc thôi việc trong những trường hợp sau đây: a. Khi công nhân, viên chức bị phạt giam về tội có liên quan đến công tác của mình trong xí nghiệp, cơ quan; b. Khi công nhân, viên chức bị phạt giam trên 6 tháng về tội không có liên quan đến công tác của mình, hoặc tuy bị phạt giam dưới 6 tháng về tội không có liên quan đến công tác của mình, nhưng kèm theo phạt giam còn bị phạt tước quyền công dân hay là cấm không được làm nghề cũ trong một thời gian".
Như trên đã nêu, nếu ông Đương vi phạm hợp đồng giao khoán xe, gây thiệt hại cho nhà trường thì Hiệu trưởng Trường THNN Gia Lai - Kon Tum phải căn cứ Pháp lệnh Hợp đồng Kinh tế năm 1987 để giải quyết, nếu ông Đương không bồi thường thiệt hại thì Trường THNN Gia Lai - Kon Tum có thể khởi kiện ông Đương tại Tòa án, yêu cầu ông Đương bồi thường thiệt hại theo quy định. Sự bất nhất và vô lý rõ ràng như vậy mà sau bao nhiêu năm xảy ra vụ việc, UBND tỉnh Kon Tum vẫn cho rằng, Hiệu trưởng Trường THNN Gia Lai - Kon Tum ra quyết định thi hành kỷ luật buộc thôi việc đối với ông Đương là đúng thì hỏi rằng cấp chính quyền này còn coi trọng Điều 14 Nghị định số 24/CP ngày 13/3/1963 của Hội đồng Chính phủ nữa hay không?
Trước khi là công nhân chính thức tại Trường THNN Gia Lai - Kon Tum, ông Hà Văn Đương (dân tộc Mường - sinh năm 1952) tham gia quân đội tháng 5/1971, được truy tặng Huy chương Kháng chiến hạng Nhì. Ông được xuất ngũ tháng 10/1982 và được tiếp nhận về công tác tại UBND huyện Văn Yên, tỉnh Hoàng Liên Sơn (nay là tỉnh Yên Bái). Tại đây, ông Đương được điều động về lái xe cho Công ty Vật tư huyện Văn Yên. Ngày 13/8/1986, ông Đương được chuyển công tác đến Hợp tác xã Tiền Phong vận tải Cơ giới Đường bộ thị xã Kon Tum, tỉnh Gia Lai - Kon Tum theo Quyết định số 54/QĐ-UB ngày 10/7/1986 của UBND huyện Văn Yên. Ngày 13/9/1986, Hợp tác xã Tiền Phong vận tải Cơ giới Đường bộ thị xã Kon Tum tiếp nhận ông Đương là nhân viên lái xe từ ngày 13/9/1986. Như vậy, ông Đương tham gia kháng chiến từ năm 1971 và trải qua nhiều cơ quan Nhà nước đến tháng 12/1990, bị buộc thôi việc một cách vô cớ, gần 30 năm công tác không mắc bất cứ sai phạm gì nhưng ông lại không được hưởng chế độ hưu trí. Như vậy, liệu có bất hợp lý? Từ đó đến giờ, cũng chừng ấy năm, vợ chồng ông đi đòi công lý cho mình nhưng không đem lại kết quả.
Tạp chí Doanh nghiệp & Tiếp thị kính chuyển nội dung đơn thư này đến UBND tỉnh Kon Tum xem xét lại vụ việc, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho ông Hà Văn Đương theo quy định của pháp luật, tránh kéo dài tình trạng đơn thư khiếu kiện vượt cấp gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn xã hội tại địa phương.
Y QuangBộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư số 33/2024/TT-BGTVT quy định về quản lý giá dịch vụ sử dụng phà được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước, do trung ương quản lý.