Kon Tum: Du lịch Sa Thầy, tiềm năng cần khai thác

Tiếp thị
09:24 AM 03/06/2022

Nằm ở phía Tây Nam của tỉnh và cách trung tâm thành phố Kon Tum khoảng 30km, với cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, nhiều nét văn hóa truyền thống đặc sắc của đồng bào các dân tộc và các di tích lịch sử gắn liền với những chiến công vang dội của quân và dân địa phương trong công cuộc kháng chiến giành độc lập, thống nhất đất nước… huyện Sa Thầy có tiềm năng rất lớn để đẩy mạnh phát triển du lịch.

Xuất phát từ lợi thế về vị trí địa lý, truyền thống văn hóa đặc sắc, phong tục tập quán, đời sống sinh hoạt, lao động sản xuất, huyện Sa Thầy đã tập trung đẩy mạnh xây dựng và phát triển đa dạng các sản phẩm du lịch đặc trưng phục vụ thị trường khách du lịch. Những năm qua, trên địa bàn huyện đã xây dựng được các sản phẩm du lịch chính như: Du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng; du lịch văn hóa - lịch sử; du lịch văn hóa - tâm linh...

Với diện tích đất tự nhiên 143522,3 ha, trong đó rừng và đất lâm nghiệp chiếm 71%, lợi thế vượt trội của Sa Thầy so với các địa phương khác trong tỉnh và khu vực đó là rừng nguyên sinh. Thiên nhiên hào phóng ban tặng dãy Chư Mom Ray điệp trùng và huyền thoại, gắn liền với truyền thuyết "Núi Thổ cẩm" của người Ja Rai cư trú nơi đây. Đồng thời cũng là tên gọi của một Vườn Quốc gia được liệt vào hàng Di sản Đông Nam Á. 

Theo kết quả "Khảo sát đa dạng sinh học, các chương trình nghiên cứu và đánh giá hoạt động năm 2005", Vườn Quốc gia Chư Mom Ray có 1534 loài thực vật, trong đó có 113 loài được xác định là quý hiếm có nguy cơ bị đe dọa như các loài phong lan, tuế, ngành hạt trần, các loài họ dầu.v.v… Về động vật, đã xác định được 718 loài, trong đó có 124 loài quý hiếm, nguy cấp  có tên trong sách Đỏ Việt Nam và thế giới.

Kon Tum: Du lịch Sa Thầy, tiềm năng cần khai thác - Ảnh 1.

Hồ Ya Ly - tiềm năng lớn để huyện Sa Thầy phát triển du lịch lòng hồ thủy điện Ya Ly

Kon Tum: Du lịch Sa Thầy, tiềm năng cần khai thác - Ảnh 2.

Thác bảy tầng tại Vườn quốc gia Chư Mom Ray

Cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, hoang sơ, cùng với tài nguyên về động vật, thực vật đa dạng, phong phú, Vườn Quốc gia Chư Mom Ray rất phù hợp cho loại hình du lịch sinh thái và du lịch văn hóa cộng đồng. Việc chinh phục những địa danh như Hang Dơi, Bãi thú, Suối Ngang .v.v.. cùng với không khí trong lành, tĩnh lặng, mang đến cho du khách cảm giác thư thái, yên bình. Đặc biệt đến với Thác Nàng Tiên, nhìn những dải nước ánh sắc cầu vồng giữa đại ngàn trùng điệp, giống như suối tóc của người thiếu nữ mượt mà trong nắng sớm, chắc chắn ai cũng phải nao lòng trước tuyệt tác của thiên nhiên.

Ngoài cảnh quan kỳ thú, Sa Thầy còn là địa bàn có nhiều dân tộc anh em sinh sống, trong đó các dân tộc bản địa như Ja Rai, Xê Đăng (nhóm HLăng), Rơ Mâm, Ba Na (Rơ Ngao),… cư trú tại 41/64 thôn, làng; chiếm trên 57% dân số toàn huyện. Đây là các dân tộc có những nét văn hóa riêng vô cùng độc đáo và phong phú, bao gồm hệ thống lễ hội theo vòng đời người, theo mùa, cồng chiêng, múa xoang, dân ca; chữ viết; các phong tục, tập quán; kiến trúc nhà rông, nhà dài, tượng nhà mồ; trang phục, ẩm thực… Rất thuận lợi để phát triển loại hình du lịch cộng đồng.

Đến với Sa Thầy, du khách được khám phá những giá trị văn hóa từ ngàn xưa của các dân tộc bản địa Tây Nguyên. Thăm làng dân tộc ít người Rơ Mâm, ngâm mình trong suối nước nóng La Mang. Tham gia lễ Mừng nhà rông mới, lễ Mở kho lúa, và đặc biệt là lễ Pơ- Thi (bỏ mả) của người Ja Rai. Tìm hiểu về sự huyền bí cũng như phong cách tạo hình độc đáo của nghệ thuật tượng nhà mồ. Được chiêm ngưỡng những mái nhà rông cao vút, những sàn nhà dài thoáng mát và thưởng thức các món ăn dân dã, truyền thống mà hương vị vô cùng lôi cuốn như cơm lam, thịt nướng, muối giã rau é .v.v.. và đặc biệt là mây đắng - một sản vật của núi rừng xứng đáng được mệnh danh vào loại "siêu đặc sản". Bên cạnh đó không thể thiếu men rượu cần ngất ngây cùng với nhịp cồng chiêng và vòng xoang đắm say mời gọi của những cô gái Ja Rai, hay những điệu chiêu uyển chuyển, độc đáo mê hồn của thiếu nữ HLăng…

Trong hai cuộc kháng chiến đánh đuổi ngoại xâm đã qua, Sa Thầy là địa bàn chiến lược. Vừa là hậu phương, vừa là chiến trường diễn ra các trận đánh vô cùng ác liệt. Vì vậy không thiếu những địa danh đã trở thành di tích lịch sử nổi tiếng, trong đó điểm cao Chư tan kra là một điển hình. Khu tưởng niệm Chư Tan Kra (thuộc thôn 2, xã La Xiêr, huyện Sa Thầy) được xây dựng trên diện tích 3 héc- ta, gồm quần thể khu tưởng niệm, nhà bia, sân hành lễ, phù điêu, khu nghĩa trang, nhà văn hóa đón tiếp khách và thân nhân liệt sỹ cùng hạ tầng kỹ thuật hỗ trợ. Điều đặc biệt là hầu hết vật liệu xây dựng đều được chuyển từ Thủ đô Hà Nội vào đây, mỗi viên gạch, tảng đá,… như một lời tri ân đối với các anh hùng liệt sỹ. Công trình lịch sử - tâm linh này là biểu tượng của lòng tri ân, thể hiện đạo lý nhân văn ngàn đời của dân tộc, đồng thời cũng là sợi chỉ đỏ kết nối trái tim giữa hai vùng đất Kon Tum - Hà Nội.

Ngay cửa ngõ Thị trấn Sa Thầy, có một địa danh gắn với sự kiện đánh dấu sự sụp đổ của chế độ Mỹ - Ngụy trên địa bàn huyện đó là căn cứ Kleng (còn gọi là căn cứ Lệ Khánh) được Mỹ - Ngụy xây dựng kiên cố, làm tiền đồn án ngữ phía bờ Tây sông Pô Cô, ngăn chặn quân ta tấn công vào thị xã Kon Tum. Với ý nghĩa và tầm vóc to lớn đó, hiện nay các cơ quan chức năng đang hoàn tất hồ sơ đề nghị công nhận căn cứ Kleng là di tích lịch sử cấp tỉnh. Bên cạnh đó, còn rất nhiều địa danh khác như Phà 10, Ngã ba 90, Tổng kho 13, Bệnh viện 21,… Các di tích lịch sử trên đây, có thể khai thác để phát triển loại hình du lịch tìm hiểu, nghiên cứu lịch sử và nhất là phục vụ nhu cầu du lịch tâm linh của khách thập phương.

Tiềm năng để phát triển du lịch trên địa bàn huyện Sa Thầy là rất lớn, có lợi thế so sánh vượt trội ở khu vực. Để khai thác hiệu quả thế mạnh này, huyện Sa Thầy nói riêng và tỉnh Kom Tum nói chung cần xây dựng đề án, kế hoạch cụ thể để sớm đưa Sa Thầy trở thành trung tâm du lịch sinh thái - cộng đồng - lịch sử - tâm linh… của tỉnh Kon Tum.

Phùng Sơn
Ý kiến của bạn
Hơn 56% doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong 1- 2 năm tới Hơn 56% doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong 1- 2 năm tới

Theo khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài cho năm tài chính 2024, do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện, có đến 56,1% số doanh nghiệp được khảo sát trả lời sẽ “mở rộng” kinh doanh trong 1-2 năm tới.