Kon Tum: Long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 110 năm ngày thành lập tỉnh
Mới đây, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Kon Tum đã long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 110 năm Ngày thành lập tỉnh Kon Tum (09/02/1913-09/02/2023) và công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận thành phố Kon Tum là đô thị loại II trực thuộc tỉnh Kon Tum.
Dự Lễ kỷ niệm có Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình; Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang; Lãnh đạo Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Tổ chức Trung ương, Ban Nội chính Trung ương, Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Kinh tế Trung ương, Văn phòng Trung ương Đảng. Ngoài ra còn có đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương; lãnh đạo các tỉnh, thành phố trên cả nước; đại diện lãnh đạo các tỉnh: Attapư, Sê Kông, Chăm Pa Sắc, Salavan (nước CHDCND Lào); tỉnh Rattanakiri, Stungtreng (Vương quốc Campuchia) cùng dự.
Về phía Ủy ban Dân tộc, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A lềnh tham dự.
Tại buổi lễ, thay mặt lãnh đạo tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum Dương Văn Trang đã đọc diễn văn ôn lại quá trình hình thành, xây dựng, phát triển và lịch sử đấu tranh cách mạng hào hùng của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Kon Tum.
Kon Tum (theo tiếng Ba Na có nghĩa là Làng Hồ) - vùng đất ở phía Bắc Tây Nguyên từ xa xưa đã có con người cư trú, với bằng chứng tiêu biểu là Di chỉ khảo cổ học Lung Leng thuộc hậu kỳ đồ đá cũ.
Với vị thế là một địa bàn có vị trí chiến lược hết sức quan trọng ở Bắc Tây Nguyên, ngay sau khi đô hộ Việt Nam, thực dân Pháp đã thiết lập bộ máy thống trị tại Kon Tum. Ngày 9/2/1913, Toàn quyền Đông Dương ra Nghị định thành lập đơn vị hành chính tỉnh Kon Tum, bao gồm một vùng đất đai rộng lớn ở khu vực Bắc Tây Nguyên, nhằm tăng cường cai trị và khai thác tài nguyên tại vùng đất này. Tỉnh Kon Tum ra đời từ đó.
Thực hiện Nghị quyết 245 của Bộ Chính trị, ngày 29/10/1975, UBND cách mạng Khu Trung Bộ ra Quyết định sáp nhập hai tỉnh Kon Tum và Gia Lai thành một tỉnh lấy tên là tỉnh Gia Lai - Kon Tum, tỉnh lỵ đặt tại thị xã Pleiku.
Do diện tích của tỉnh rộng, địa hình hiểm trở, đường sá đi lại khó khăn, nên khó có điều kiện chăm lo đầy đủ đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. Thể theo nguyện vọng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Gia Lai - Kon Tum, ngày 12/8/1991, tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa VIII đã ra Nghị quyết điều chỉnh địa giới hành chính tỉnh Gia Lai - Kon Tum thành hai tỉnh, lấy tên là tỉnh Gia Lai và tỉnh Kon Tum. Lịch sử tỉnh Kon Tum lại được viết tiếp những chương mới hào hùng.
"Lịch sử 110 năm tỉnh Kon Tum là chặng đường đầy gian khổ, hy sinh, nhưng rất vẻ vang, rất tự hào của vùng đất, của con người nơi đây. Đồng bào các dân tộc ở Kon Tum đã đoàn kết, gắn bó keo sơn trong các cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc. Càng tự hào về truyền thống quê hương Kon Tum, chúng ta càng thấy rõ trách nhiệm to lớn của mình đối với tương lai phát triển của tỉnh nhà.
Với khát vọng vươn lên, không cam chịu đói nghèo, Đảng bộ, chính quyền, quân và nhân dân các dân tộc tỉnh Kon Tum tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, nêu cao tinh thần đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường, vượt qua khó khăn thách thức, năng động, quyết tâm đưa tỉnh Kon Tum phát triển nhanh và bền vững, nhân dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc và tiến bộ", ông Dương Văn Trang nhấn mạnh.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng chúc mừng, biểu dương, đánh giá cao những thành tựu đáng trân trọng và tự hào mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Kon Tum đã kiên trì phấn đấu, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, đạt được trong những năm qua, đóng góp quan trọng vào thành tựu chung của đất nước.
Để Kon Tum tiếp tục phát triển nhanh, bền vững hơn nữa trong thời gia tới, Thường trực Ban Bí thư gợi ý một số nội dung để các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, MTTQ và đoàn thể tỉnh Kon Tum quan tâm trong thời gian tới.
Cụ thể, tiếp tục quán triệt sâu sắc quan điểm "phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm", triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 23-NQ/TW, ngày 6/10/2022 của Bộ Chính trị "về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2025".
Tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển hợp lý cả chiều rộng và chiều sâu để phát triển bền vững, bảo vệ môi trường.
Trong phát triển kinh tế - xã hội, phải hết sức quan tâm quản lý tốt tài nguyên, khoáng sản, coi trọng bảo vệ môi trường. Đó vừa là mục tiêu, vừa là nội dung cơ bản của phát triển bền vững, trên cơ sở ứng xử hài hòa với thiên nhiên, theo quy luật tự nhiên, lấy bảo vệ sức khỏe và nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân làm mục tiêu hàng đầu.
Phải chăm lo bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử, di sản văn hóa các dân tộc gắn với phát triển du lịch; tập trung vận động, tuyên truyền đồng bào xóa bỏ các phong tục lạc hậu không phù hợp; khơi dậy lòng tự hào, ý chí, khát vọng vươn lên, tạo động lực tinh thần mạnh mẽ cho đồng bào các dân tộc bảo quê hương Kon Tum, để tiếng cồng chiêng, tiếng đàn T'rưng, đàn Krông Búk, những bài sử thi, những bản trường ca hùng tráng Tây Nguyên mãi mãi ngân vang trong không gian văn hóa đại ngàn.
Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận, hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Tại lễ kỷ niệm, thay mặt lãnh đạo Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đã trao Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận thành phố Kon Tum là đô thị loại II trực thuộc tỉnh Kon Tum.
Phùng SơnCông ty CP Vận tải đường sắt cho biết tổ chức chạy tăng cường thêm nhiều chuyến tàu tuyến Bắc - Nam phục vụ người dân về quê, đón tết Nguyên đán 2025.