Kon Tum: Phát huy thế mạnh, sớm đưa Sa Thầy trở thành trung tâm du lịch của tỉnh
Sa Thầy là huyện có tiềm năng rất lớn về du lịch văn hóa lịch sử, du lịch tự nhiên và du lịch văn hóa dân tộc cùng lợi thế về diện tích mặt nước lớn. Nhằm phát huy và khai thác có hiệu quả các tiềm năng sẵn có trên địa bàn, huyện đã đề xuất nhiều giải pháp nhằm đưa huyện sớm trở thành trung tâm du lịch của tỉnh Kom Tum.
Tiềm năng phát triển du lịch trên địa bàn huyện Sa Thầy
Huyện Sa Thầy có lợi thế vượt trội so với các địa phương khác trong tỉnh và khu vực - đó là rừng nguyên sinh. Theo kết quả "khảo sát đa dạng sinh học, các chương trình nghiên cứu và đánh giá hoạt động năm 2005", Vườn Quốc gia Chư Mom Ray có 1534 loài thực vật, trong đó có 113 loài được xác định là quý hiếm có nguy cơ bị đe dọa như các loài phong lan, tuế, ngành hạt trần, các loài họ dầu .v.v.. Về động vật, đã xác định được 718 loài, trong đó có 124 loài quý hiếm, nguy cấp có tên trong sách Đỏ Việt Nam và thế giới. Với cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, hoang sơ, cùng với tài nguyên về động vật, thực vật đa dạng, phong phú, Vườn Quốc gia Chư Mom Ray rất phù hợp cho loại hình du lịch sinh thái và du lịch văn hóa cộng đồng.
Ngoài cảnh quan kỳ thú, Sa Thầy còn là địa bàn có nhiều dân tộc anh em sinh sống, trong đó các dân tộc tại chỗ như Ja Rai, Xê Đăng (nhóm HLăng), Rơ Mâm, Ba Na (Rơ Ngao),… cư trú tại 37/68 thôn, làng; chiếm trên 57% dân số toàn huyện. Đây là các dân tộc có những nét văn hóa riêng vô cùng độc đáo và phong phú, bao gồm hệ thống lễ hội theo vòng đời người, theo mùa, cồng chiêng, múa xoang, dân ca; chữ viết; các phong tục, tập quán; kiến trúc nhà rông, nhà dài, tượng nhà mồ; trang phục, ẩm thực… Rất thuận lợi để phát triển loại hình du lịch cộng đồng.
Trong hai cuộc kháng chiến đánh đuổi ngoại xâm đã qua, Sa Thầy là địa bàn chiến lược vừa là hậu phương, vừa là chiến trường diễn ra các trận đánh vô cùng ác liệt. Vì vậy không thiếu những địa danh đã trở thành di tích lịch sử nổi tiếng, trong đó Điểm cao 995 - Chư tan kra (đã được xếp hạng là Di tích lịch sử cấp tỉnh); Điểm cáo 1015 (Charlie ) và 1049 (Delta) đã được xếp hạng là Di tích cấp Quốc gia đặc biệt (nằm trong quần thể Di tích Chiến thắng Đăk Tô - Tân cảnh); Chiến thắng Kleng (Di tích cấp tỉnh); Ya Book - Khu lánh nạn diệt chủng của người dân Cam-pu-chia (giai đoạn 1976-1982);... có thể khai thác để phát triển loại hình du lịch tìm hiểu, nghiên cứu lịch sử và nhất là phục vụ nhu cầu du lịch tâm linh của khách thập phương.
Trên địa bàn huyện có các công trình thủy điện lớn như Ya Ly, Plei Krông, Sê San 3A,… tạo nên diện tích mặt nước lòng hồ rộng lớn trên 10 ngàn héc-ta, đây là điều kiện vô cùng thuận lợi để nuôi trồng thủy sản. Với địa hình bao bọc bởi các dãy núi cao, xen kẽ là thung lũng phù sa và hệ thống sông, suối dày đặc; sau khi ngăn dòng các công trình thủy điện, vùng ven hồ tạo nên những bức tranh sơn thủy hữu tình.
Cùng với đó, các làng đồng bào dân tộc thiểu số cư trú ven hồ còn lưu giữ những giá trị bản sắc văn hóa vô cùng độc đáo. Đó là các lễ hội như Pơ-thi, Mừng lúa mới, Mừng Nhà rông mới, thuyền độc mộc, những món ăn dân dã,.v.v… rất thuận lợi để phát triển các loại hình như: du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng. Nếu kết nối được với các tour du lịch đường thủy từ thành phố Kon Tum, hình thành các bến, điểm dừng chân; kết hợp các dịch vụ hậu cần, nghỉ dưỡng, cung cấp quà lưu niệm,.v.v.. sẽ tạo công ăn việc làm cho một bộ phận khá đông người dân ven hồ, góp phần tích cực cho phát triển kinh tế, xã hội của huyện.
Hiện nay trên địa bàn huyện có 4 nhà hàng có thể phục vụ đồng thời 2500-2700 khách; 04 khách sạn, tổng cộng gần 60 phòng đáp ứng nhu cầu của khách nghỉ tại địa bàn huyện. Ngoài ra còn rất nhiều các nhà nghỉ bình dân, quán ăn, nhà hàng nhỏ luôn sẵn sàng phục vụ nhu cầu của khách.
Khai thác có hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh về du lịch trên địa bàn huyện Sa Thầy
Tiềm năng phát triển du lịch của huyện Sa Thầy rất lớn, tuy nhiên sản phẩm du lịch đủ sức hấp dẫn và cạnh tranh chưa có. Do đó, huyện cần phải có sự đầu tư để hình thành các sản phẩm cụ thể, nhằm khai thác bảo đảm hiệu quả thế mạnh của địa phương.
Để đạt được các mục tiêu đã đề ra, cần tập trung triển khai một số nội dung: Trên cơ sở Đề án phát triển du lịch chung của tỉnh, nên xây dựng một Đề án riêng của huyện về phát triển du lịch; làm cơ sở pháp lý để triển khai thực hiện.
Tăng cường công tác giới thiệu, quảng bá tiềm năng; thu hút nguồn lực đầu tư vào địa bàn huyện; nhất là các chương trình, dự án phát triển du lịch; xây dựng các sản phẩm du lịch cụ thể, có tính đặc trưng cao, đủ sức cạnh tranh trong khu vực để thu hút du khách.
Đào tạo, xây dựng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu công tác giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số và phát triển du lịch. Trong đó quan tâm kiện toàn, bổ sung và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ của ngành Văn hóa - Thông tin từ huyện đến cơ sở; đặc biệt chú trọng đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ là người dân tộc thiểu số, cán bộ văn hóa cơ sở đảm bảo đủ năng lực, trình độ, tâm huyết làm nòng cốt để tham mưu thực hiện tốt chức năng quản lý và hướng dẫn thực hành công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số và phát triển du lịch trên địa bàn.
Xây dựng nguồn nhân lực phục vụ du lịch, phối hợp với các cơ quan chức năng mở lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ về du lịch. Chú trọng trang bị những kiến thức cơ bản, những kỹ năng cần thiết trong giao tiếp, ứng xử với khách du lịch cho các thành viên trong cộng đồng dân cư; nhất là ở những nơi được xây dựng điểm đến; đảm bảo mỗi người dân là một "Hướng dẫn viên du lịch", góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, để một bộ phận dân cư có thu nhập ổn định từ lao động dịch vụ.
Phùng SơnKhông khí Tết len lỏi khắp mọi nẻo đường lên “nóc nhà Đông Dương”, Fansipan (Sa Pa) khoác lên tấm áo xuân rực rỡ sẵn sàng chào đón du khách trong kỳ nghỉ lễ sắp tới.