Kon Tum: Sẵn sàng cho Hội thảo mở ra cơ hội nâng tầm giá trị sâm Ngọc Linh
Ngày 8/12, ông Võ Trung Mạnh, Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum cho biết, đến nay, Ban tổ chức "Hội thảo sâm Ngọc Linh - sâm Việt Nam nhìn từ góc độ lịch sử, khoa học và thực tiễn" đã tiếp nhận 50 câu hỏi gửi đến hội thảo. Đồng bào Xơ Đăng kỳ vọng hội thảo sẽ đưa ra những định hướng giúp nâng tầm giá trị sâm Ngọc Linh, qua đó cùng xây dựng ngành sâm Việt Nam phát triển bền vững.
Học cách trồng sâm bằng khoa học kỹ thuật
Theo thông tin từ UBND huyện Tu Mơ Rông (tỉnh Kon Tum), ngày 10/12, UBND huyện sẽ phối hợp với Trung tâm Công nghệ sinh học Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức "Hội thảo sâm Ngọc Linh - sâm Việt Nam nhìn từ góc độ lịch sử, khoa học và thực tiễn". Hội thảo sẽ mở ra cơ hội lớn cho việc phát triển, nâng tầm cây sâm Ngọc Linh, góp phần sớm biến loại cây này thành quốc kế dân sinh như kỳ vọng của địa phương.
"Hội thảo sâm Ngọc Linh - sâm Việt Nam nhìn từ góc độ lịch sử, khoa học và thực tiễn" sẽ có 3 phần. Trong đó, ở phần thảo luận, các chuyên gia, nhà nghiên cứu về sâm, dược liệu sẽ trực tiếp trả lời câu hỏi của tất cả những ai quan tâm. Các chuyên gia nhận lời tham dự hội thảo sâm có Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Minh Đức, Trưởng Bộ môn Dược liệu - Thực vật (Trường Đại học Tôn Đức Thắng); Giáo sư, Tiến sĩ Trần Công Luận, Hiệu trưởng Trường Đại học Tây Đô (nguyên Giám đốc Trung tâm Sâm và dược liệu TP Hồ Chí Minh); Tiến sỹ Nguyễn Hải An, Giám đốc Trung tâm Công nghệ Sinh học TP Hồ Chí Minh.
Huyện đã nhận được 50 câu hỏi của các phóng viên, doanh nghiệp, hợp tác xã, đồng bào Xơ Đăng trồng sâm. Các câu hỏi này đã được huyện giao bộ phận chuyên môn sàng lọc để tránh trùng lặp, sau đó sắp xếp thành từng nhóm để chuyển đến các chuyên gia sẵn sàng trả lời tại hội thảo.
Các câu hỏi thể hiện mong muốn các chuyên gia trả lời về cách trồng, chăm sóc sâm khỏi bị bệnh; cách nâng tầm giá trị sâm; phân định giá trị, hàm lượng có trong sâm Ngọc Linh, sâm Lai Châu, củ tam thất và các loài sâm khác; các giải pháp mở rộng diện tích sâm; biện pháp để xây dựng sâm Ngọc Linh trở thành ngành hàng quốc tế; ngăn chặn nạn trục lợi sâm Ngọc Linh.
Ngoài các câu hỏi đã gửi đến, huyện cũng đã thông báo rộng rãi cho toàn bộ người dân trên địa bàn đến dự và trực tiếp đặt câu hỏi cho ban tổ chức. Rất đông đồng bào Xơ Đăng ở các xã trồng sâm đã đăng ký tham gia hội thảo. Huyện bố trí đầy đủ bàn ghế để người dân thoải mái ngồi lắng nghe, tương tác với các giáo sư, tiến sỹ là chuyên gia về sâm.
"Hội thảo này là hội thảo mở, nghĩa là những ai quan tâm đều có thể tham gia, đặt câu hỏi cho ban tổ chức. Việc đồng bào Xơ Đăng chủ động gửi câu hỏi cho các chuyên gia về sâm, đã thể hiện tinh thần mong muốn, khát khao học hỏi kỹ thuật để trồng sâm bền vững, từ đó vươn lên thoát nghèo, làm giàu nhờ cây sâm", ông Võ Trung Mạnh, Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông cho biết.
Dân nhường nhà cho khách đến dự hội thảo
Ngoài việc đăng cai tổ chức hội thảo sâm lần này, trước đó, Làng tái định cư Tu Thó còn được chọn để tổ chức Hội thi ẩm thực dược liệu quốc tế. Lý giải về việc chọn làng này làm nơi tổ chức các sự kiện quan trọng, ông Võ Trung Mạnh cho biết, làng là hình ảnh biểu trưng cho sự vượt khó của đồng bào Xơ Đăng. Từ chỗ chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai, làng đã vươn mình, trở thành ngôi làng tuyệt đẹp, được khách du lịch yêu mến.
Việc làng được chọn để tổ chức các sự kiện quan trọng, đã khẳng định, bằng sự đoàn kết và tin tưởng vào chính quyền, ngôi làng đã vượt qua giai đoạn khó khăn, sẵn sàng tiên phong đứng lên gánh vách những trọng trách to lớn để chung tay xây dựng, quảng bá vùng đất cách mạng Tu Mơ Rông.
Tại Làng Tái định cư Tu Thó, hiện người dân đang rất háo hức mong chờ hội thảo. Đồng bào Xơ Đăng đã hỗ trợ ban tổ chức thông qua việc tổ chức dọn dẹp đường sá, bày trí khuôn viên hội thảo, bố trí chỗ đậu xe, chỉnh trang các điểm tham quan trong làng.
Ông A Bù (Trưởng thôn Tu Thó) cho biết, thôn có 164 hộ. Trong đó, có 70% số hộ tham gia trồng sâm. Trong làng, cơ sở lưu trú chưa nhiều, nên nhiều hộ sẵn sàng nhường nhà cho khách đến dự hội thảo ở. Ngày diễn ra hội thảo, các hộ dân trồng sâm của thôn sẽ tạm gác công việc nương rẫy, cùng nhau lên hội thảo lắng nghe các giáo sư chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật chăm sóc trồng sâm, để về áp dụng.
"Riêng bản thân mình, cái khó trồng sâm Ngọc Linh hiện nay là sâm hay bị bệnh thối củ. Mình sẽ đặt câu hỏi cho chuyên gia, nhờ họ giải đáp biện pháp phòng ngừa. Hy vọng câu trả lời sẽ giải quyết vấn đề khó khăn mà mình đang gặp phải", ông A Bù nói.
Tại xã Măng Ri, huyện Tu Mơ Rông, người dân cũng đã sẵn sàng đến hội thảo để đặt câu hỏi với các chuyên gia.
Anh A Chung (thôn Đăk Dơn, xã Măng Ri) cho biết, ngày 10/12, anh sẽ chạy xe đến dự hội thảo. Hiện bản thân anh đang rất vui vì sẽ được gặp các chuyên gia để đặt câu hỏi liên quan đến việc phát triển sâm Ngọc Linh.
"Dự kiến, mình muốn hỏi các chuyên gia có nên bón phân và bón loại phân nào để không ảnh hưởng chất lượng sâm Ngọc Linh. Ngoài ra, hiện nay, nhiều người không biết giá trị sâm Ngọc Linh nên chê đắt hơn so với các loại sâm, củ có hình dạng gần giống sâm Ngọc Linh như sâm Lai Châu, củ tâm thất. Vì thế, mình mong muốn các chuyên gia chủ trì hội thảo sẽ công bố rõ ràng, đầy đủ hàm lượng dinh dưỡng, chất lượng các giá trị sâm Ngọc Linh so với các loại sâm khác để người dân hiểu sâm Ngọc Linh giá cao vì tốt hơn các loại khác", anh A Chung nói.
Tương tự, chị Y Ai (xã Măng Ri) cho biết, từ trước đến nay, bà con trồng sâm theo lối truyền thống. Hội thảo sẽ mời các chuyên gia với kinh nghiệm nhiều năm nghiên cứu, có trình độ, kỹ thuật về chăm sóc cây sâm. Vì thế, bản thân chị rất vui vì lần này sẽ được chỉ bày các kiến thức khoa học, công nghệ để trồng sâm. Chị cũng cho biết, tại hội thảo, sẽ chủ động xin số điện thoại, thông tin các chuyên gia để sau này, khi sâm có mắc bệnh, chị sẽ chủ động điện hỏi cách phòng ngừa.
Phùng SơnMới đây, một trong những nhật báo lớn nhất Ấn Độ - Times of India, đã vinh danh những bãi biển tại đảo Phú Quốc trong top 9 đẹp nhất Châu Á.