KQKD năm 2020: Bất chấp khó khăn, các doanh nghiệp nhóm ngành bảo hiểm vẫn lãi lớn

Doanh nghiệp - Doanh nhân
08:39 AM 25/02/2021

Trong đó có những doanh nghiệp ngành bảo hiểm báo lãi gấp đôi cùng kỳ năm 2019.

Năm 2020 khép lại với rất nhiều tiêu điểm được nhắc đến – đặc biệt là sự ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Nhiều các nhóm ngành kinh doanh chịu ảnh hưởng nặng nề, tuy vậy cũng cần phải nói đến, nhiều nhóm ngành kinh doanh đã kịp thời thích nghi với điều kiện mới, vẫn phát triển và kinh doanh có lãi tăng trưởng.

Các doanh nghiệp thuộc nhóm ngành bảo hiểm năm 2020 đáng được nhắc đến với các chỉ tiêu tăng trưởng mạnh, đặc biệt có những doanh nghiệp đạt lợi nhuận gấp đôi so với năm 2019.

PTI giành quán quân tăng trưởng với số lãi gấp đôi cùng kỳ

Bảo hiểm bưu điện PTI công bố doanh thu từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm năm 2020 đạt 4.734 tỷ đồng, tăng gần 10% so với năm 2019. Lợi nhuận sau thuế tăng hơn gấp đôi, lên 233 tỷ đồng và vượt 87% chỉ tiêu lợi nhuận được giao cho cả năm. EPS đạt 2.911 đồng, hơn gấp đôi cùng kỳ. Đây cũng là năm thứ 2 liên tiếp lợi nhuận của PTI tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ.

Nguyên nhân chính đẫn đến khoản lãi lớn năm 2020 của Bảo hiểm Bưu điện đến từ khoản giảm bất ngờ của chi phí tài chính. Năm 2019 tổng chi phí tài chính gần 136 tỷ đồng, còn năm 2020 ghi âm hơn 11 tỷ đồng do PTI đã hoàn nhập dự phòng giảm giá các khoản đầu tư ngắn hạn, dài hạn gần 175 tỷ đồng.

Trên thị trường, dù thanh khoản không cao nhưng giá cổ phiếu PTI đã tăng mạnh khoảng 20% kể từ đầu năm 2021 đến nay, hiện giao dịch quanh mức 26.500 đồng/cổ phiếu.

KQKD năm 2020: Bất chấp khó khăn, các doanh nghiệp nhóm ngành bảo hiểm vẫn lãi lớn - Ảnh 1.

Loạt doanh nghiệp có lợi nhuận tăng trưởng từ 25-40%

Năm 2020 ghi nhận không ít doanh nghiệp có lợi nhuận tăng trưởng từ 25-40%. Trong đó ông lớn Bảo Việt (BVH) đạt gần 34.500 tỷ đồng doanh thu, tăng 3,5% so với năm 2019 nhưng lợi nhuận sau thuế tăng đến gần 29%, lên xấp xỉ 1.600 tỷ đồng, vượt 60% kế hoạch năm.

Tại Bảo Việt, trong năm 2020, doanh thu tài chính tăng, chi phí tài chính giảm là những yếu tố chính dẫn đến lợi nhuận tăng vọt. Tính đến hết năm 2020 Bảo Việt còn 3.670 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối, 103 tỷ đồng trong quỹ khác thuộc chủ sở hữu, 967 tỷ đồng trong quỹ đầu tư phát triển và hơn 7.300 tỷ đồng thặng dư vốn cổ phần.

KQKD năm 2020: Bất chấp khó khăn, các doanh nghiệp nhóm ngành bảo hiểm vẫn lãi lớn - Ảnh 2.

Bảo hiểm Quân đội (MIG) đạt gần 200 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng xấp xỉ 37% so với năm 2019. Bảo hiểm quân đội cũng ghi nhận mức tăng doanh thu trên 30% so với cùng kỳ với 2.410 tỷ đồng. Còn Bảo hiểm Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIC) báo lãi sau thuế tăng gần 35% so với cùng kỳ, lên 287 tỷ đồng.

KQKD năm 2020: Bất chấp khó khăn, các doanh nghiệp nhóm ngành bảo hiểm vẫn lãi lớn - Ảnh 3.

Nghịch lý: doanh thu giảm những lợi nhuận tăng mạnh

Trong số các doanh nghiệp ngành bảo hiểm trên sàn, năm 2020 Bảo hiểm Dầu khí Việt Nam (PVI) gây bất ngờ khi doanh thu giảm mạnh trên 19% so với năm 2019, còn 4.776 tỷ đồng. Đây là một trong số ít doanh nghiệp ngành bảo hiểm có doanh thu giảm so với cùng kỳ.

Nhờ chi phí giá vốn và các chi phí khác giảm sâu hơn tỷ lệ giảm doanh thu, nên PVI vẫn đạt 830 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng hơn 18% so với năm 2019 và vượt 24% kế hoạch năm. Trong cơ cấu doanh thu của công ty, doanh thu phí bảo hiểm gốc đạt 7.400 tỷ đồng, chiếm khoảng 81% tổng doanh thu đạt được.

KQKD năm 2020: Bất chấp khó khăn, các doanh nghiệp nhóm ngành bảo hiểm vẫn lãi lớn - Ảnh 4.

Những doanh nghiệp nhóm ngành bảo hiểm khác như Bảo hiểm Bảo Long (BLI), Bảo hiểm Pjico (PGI), Vinare (VNR), Bảo hiểm Bảo Minh (BMI), Bảo hiểm hàng không (AIC), Bảo hiểm Ngân hàng Nông nghiệp (ABI)... đều tăng trưởng cả về doanh thu và lợi nhuận.

KQKD năm 2020: Bất chấp khó khăn, các doanh nghiệp nhóm ngành bảo hiểm vẫn lãi lớn - Ảnh 5.

Khép lại năm 2020, chờ đợi năm 2021

Có thể thấy trong bối cảnh khó khăn chung hiện nay, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp nhóm ngành đạt được trong năm 2020 đã cho thấy, các doanh nghiệp đã nhanh chóng thích nghi với điều kiện mới, tăng cường đầu tư công nghệ thông tin và chuyển đổi số nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ và trải nghiệm của khách hàng, đẩy mạnh triển khai các sản phẩm bảo hiểm sức khỏe và chăm sóc y tế, sản phẩm liên kết đầu tư. Đồng thời rà soát, cắt giảm chi phí nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động…

Theo các chuyên gia, thị trường bảo hiểm năm 2021 được dự đoán sẽ tiếp tục tăng trưởng cao bởi tiềm năng còn rất lớn, khả năng thích nghi các doanh nghiệp nhóm ngành bảo hiểm rất cao.

Thạch Lâm
Ý kiến của bạn