Kỳ 1: TAND quận Ninh Kiều, TP. Cần Thơ: Đừng để vi phạm thủ tục tố tụng chỉ là bài học kinh nghiệm
Sau khi thụ lý vụ án thuộc thẩm quyền của mình, Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự trong các trường hợp theo quy định tại khoản 1 Điều 217 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 (BLTTDS). Tại khoản 3 Điều 203 BLTTDS cũng quy định: Trong thời hạn chuẩn bị xét xử quy định tại khoản 1 Điều này, tùy từng trường hợp, Thẩm phán ra một trong các quyết định, trong đó có quyết định “Đình chỉ giải quyết vụ án dân sự”. Nhưng thực tế... ?
Vi phạm tố tụng về hình thức lẫn nội dung
Ngày 12/01/2016, Tòa án nhân dân (TAND) quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ nhận đơn khởi kiện về việc "đòi trả nợ" của Công ty TNHH MTV Hải sản Thái Bình Dương (Thái Bình Dương) đối với ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank – Hội sở) và ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam – Chi nhánh Cần Thơ (Agribank – Cần Thơ).
Theo nội dung đơn khởi kiện, phía nguyên đơn cho rằng: Sau khi Hợp đồng số 01/Catra được ký kết ngày 19/10/2012, Công ty Thái Bình Dương đã hoàn thành nghĩa vụ thanh toán cho Agribank – Cần Thơ, hoàn tất số tiền trên hợp đồng vào ngày 30/10/2012. Cho đến ngày khởi kiện, Agribank - Cần Thơ (người bị kiện) vẫn chưa thực hiện việc giao trả đàn cá như trong hợp đồng đã ký kết. Công ty Thái Bình Dương yêu cầu TAND quận Ninh Kiều tuyên buộc Agribank và Agribank Cần Thơ phải trả lại số tiền (nợ gốc) 18,5 tỷ đồng và thanh toán tiền lãi theo quy định của ngân hàng nhà nước.
Ngày 07/10/2016 (gần 09 tháng sau khi nhận đơn khởi kiện của Công ty Thái Bình Dương, TAND quận Ninh Kiều ra Thông báo về việc thụ lý vụ án. Theo đó, TAND quận Ninh Kiều đã thụ lý giải quyết dân sự sơ thẩm số 116/2016/TLST-KDTM về việc "Tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa".
Tòa án tự ý chỉ định tổ chức, cá nhân phải tham gia tố tụng?
Theo nội dung Thông báo về việc thụ lý vụ án dân sự số 116/2016/TLST-KDTM của TAND quận Ninh Kiều đã bỏ sót người tham gia tố tụng là Agibank – Cần Thơ (theo đơn khởi kiện của nguyên đơn). Chỉ giữ lại Agribank – Hội sở ở vị trí "Bị đơn". Đồng thời, TAND quận Ninh Kiều tự ý bổ sung những người tham gia tố tụng – với tư cách là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong vụ án là: Công ty TNHH Thanh Ngọc và một cá nhân khác. Vì sao người khởi kiện không khởi kiện, không có yêu cầu độc lập liên quan đến các tổ chức, cá nhân này mà Tòa Dân sự - TAND quận Ninh Kiều lại tự ý "đánh trống, ghi tên", chỉ định để ràng buộc họ phải tham gia tố tụng?
Nghiêm trọng hơn, theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 241/2021/QĐXXST-KD ngày 01/4/2021, TAND quận Ninh Kiều lại quyết định đưa ra xét xử sơ thẩm "vụ án kinh doanh thương mại" về việc "Tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa" giữa Công ty Thái Bình Dương (Nguyên đơn), Agribank – Hội sở và những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan (do TAND quận Ninh Kiều "tự ý" chỉ định trong Thông báo về việc thụ lý vụ án số 116/2016/ TLST-KDTM). (!?)
Theo Thông báo về việc thụ lý vụ án thì đây là vụ án dân sự sơ thẩm. Đến khi TAND quận Ninh Kiều ban hành Quyết định đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm, thì vụ án dân sự đã trở thành vụ án kinh doanh thương mại? Dư luận đang rất quan tâm, phải chăng, TAND quận Ninh Kiều chỉ cần thụ lý một vụ án nhưng sẽ tiến hành xét xử hai lần: Vụ án dân sự và vụ án kinh doanh thương mại để giải quyết yêu cầu của một đơn khởi kiện? Mỗi loại tranh chấp có đặc điểm khác nhau, nên khi nghiên cứu, thụ lý, Tòa án cần lựa chọn phương pháp nghiên cứu, xem xét đánh giá thu thập chứng cứ và áp dụng pháp luật phù hợp với những tình huống khác nhau. Tòa án phải nghiên cứu đơn khởi kiện, đương sự yêu cầu giải quyết vấn đề gì để xác định thuộc loại án nào; quan hệ pháp luật nào điều chỉnh? Kiểm tra tính hợp pháp của các chứng cứ do đương sự xuất trình. Thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự cũng khác thời hiệu khởi kiện vụ án kinh doanh thương mại.
Chưa hết, Quyết định đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm, TAND quận Ninh Kiều xác định hai cá nhân là Người đại diện theo ủy quyền của Agribank –Hộisởsẽthamgiatốtụngvớitưcáchbịđơn. Tuy nhiên, hai cá nhân này không trùng khớp theo Quyết định ủy quyền số 2965/QĐ-NHNo-PC ngày 27/12/2019 của Tổng giám đốc ngân hàng Agribank về việc "ủy quyền thực hiện quyền, nghĩa vụ tố tụng và thi hành án", thể hiện người được ủy quyền là một cá nhân khác? Trong toàn bộ hồ sơ tố tụng của vụ án này, không hề thấy tên của cá nhân này xuất hiện.
Theo Luật gia Nguyễn Đức Hải – Trung tâm Tư vấn pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh – Hội Phổ biến và Tham vấn pháp luật Việt Nam đề cập những điểm cơ bản liên quan đến thủ tục giải quyết vụ án tại Tòa án cấp sơ thẩm: Để thụ lý, giải quyết vụ án dân sự và vụ án kinh doanh thương mại, Tòa án phải dựa vào yêu cầu cụ thể của người khởi kiện để xác định quan hệ pháp luật mà đương sự tranh chấp. Từ đó, đối chiếu với các quy định về thẩm quyền của Bộ luật Tố tụng dân sự để xác định yêu cầu khởi kiện của đương sự có thuộc thẩm quyền của Tòa án hay không? Việc xác định quan hệ pháp luật tranh chấp còn có ý nghĩa quan trọng trong việc áp dụng pháp luật nội dung (điều chỉnh quyền và nghĩa vụ giữa các bên) trong việc giải quyết yêu cầu của đương sự.
Như vậy, tranh chấp về kinh doanh thương mại quy định tại khoản 1, Điều 30 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015, phải là: Tranh chấp phát sinh trong hoạt động kinh doanh, thương mại giữa cá nhân, tổ chức có đăng ký kinh doanh và đều có mục đích lợi nhuận. Trong trường hợp tranh chấp xảy ra mà một trong các bên là tổ chức, cá nhân mặc dù có mục đích lợi nhuận nhưng không có đăng ký kinh doanh thì cũng không thỏa mãn điều kiện quy định về tranh chấp kinh doanh thương mại theo quy định tại khoản 1, Điều 30 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015.
(còn tiếp)
Minh Chánh - Đoàn DuyBáo cáo từ Bộ Tài chính cho biết, ước giải ngân vốn đầu tư công của cả nước đến hết tháng 11 là 410.953,1 tỷ đồng, đạt 60,43% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.