Ký hợp đồng công chứng mua bán BĐS mà giá trị tài sản kê khai thấp hơn giá trị thực tế: Có thể bị điều tra xử lý theo pháp luật hình sự?

Tư vấn
03:07 PM 01/04/2022

Một thực tế khá phổ biến hiện nay là khi làm thủ tục chuyển nhượng nhà đất, bên bán và bên mua đều khai giá trong hợp đồng công chứng thấp hơn rất nhiều so với giá trị thực tế. Nhưng việc kê khai giá mua bán trong hợp đồng công chứng đang dần bị siết chặt.

Nhiều năm qua, người mua và bán bất động sản đã quen với việc kê khai giá trên hợp đồng công chứng thấp hơn giá thực tế.

Có những giao dịch trị giá hàng tỷ đồng, nhưng các bên liên quan chỉ ký công chứng với trị giá vài trăm triệu đồng, trong khi "thông tin thực" trên những bản hợp đồng đặt cọc, hợp đồng mua bán viết tay mới ghi nhận đúng giá trị giao dịch. Điều này đã khiến cơ quan Thuế thất thu số tiền thuế thu nhập cá nhân không nhỏ.

Theo quy định của Luật thuế Thu nhập cá nhân, người bán bất động sản phải nộp thuế thu nhập cá nhân 2% tính trên giá trị chuyển nhượng ghi trong hợp đồng có công chứng. Nếu giá ghi trên hợp đồng chuyển nhượng thấp hơn giá do UBND cấp tỉnh/thành phố quy định thì sẽ nộp thuế theo giá do UBND cấp tỉnh/thành phố quy định.

Ngoài thuế thu nhập cá nhân, còn lệ phí trước bạ nhà đất là 0,5% tính trên bảng giá đất của UBND cấp tỉnh/thành phố ban hành. Do vậy, để tránh nộp thuế cao, không ít người mua, bán bất động sản thỏa thuận lấy mức giá do Nhà nước ban hành để ghi trong hợp đồng công chứng chứ không ghi giá chuyển nhượng thật.


Ký hợp đồng công chứng mua bán BĐS mà giá trị tài sản kê khai thấp hơn giá trị thực tế, có thể bị điều tra xử lý theo pháp luật hình sự. - Ảnh 2.

Hình ảnh minh hoạ: internet

Cục Thuế Hà Nội cho biết, trong thời gian qua công tác quản lý thuế đối với hoạt động chuyển nhượng bất động sản của Cục Thuế TP. Hà Nội đã đạt được kết quả nhất định, góp phần hoàn thành dự toán thu của thành phố, thể hiện ở tỷ lệ số hồ sơ có kê khai giá trị BĐS chuyển nhượng cao hơn giá BĐS do UBND TP quy định năm 2021 đã tăng so với năm 2020.

Tương ứng với đó, số tiền thuế kê khai năm 2021 tăng so với năm 2020 cả về số tuyệt đối lẫn số tỷ lệ. Điều này cho thấy nhận thức của các cá nhân trong việc chấp hành pháp luật thuế khi thực hiện chuyển nhượng BĐS cũng đã có sự thay đổi, chuyển biến theo chiều hướng tích cực hơn.

Tuy nhiên hiện nay trên địa bàn TP Hà Nội vẫn tồn tại tình trạng người nộp thuế kê khai giá chuyển nhượng bất động sản trên hợp đồng mua bán, hợp đồng chuyển nhượng hay trên các tờ khai xác định nghĩa vụ thuế không phù hợp với thực tế giao dịch dẫn đến kê khai thiếu các nghĩa vụ với ngân sách nhà nước.

Khoản 5, Điều 143 Luật Quản lý thuế quy định, hành vi trốn thuế là “Sử dụng chứng từ, tài liệu không phản ánh đúng bản chất giao dịch hoặc giá trị giao dịch thực tế để xác định sai số tiền thuế phải nộp, số tiền thuế được miễn, số tiền thuế được giảm, số tiền thuế được hoàn, số tiền thuế không phải nộp”.

Để siết chặt quản lý thuế đối với hoạt động chuyển nhượng bất động sản, ngày 15/12/2021, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ký Công văn số 14257/BTC-VP gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Tổng cục Thuế về việc chống thất thu thuế trong hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản.

Tiếp đó ngày 07/01/2022, Tổng cục Thuế ban hành công văn số 52/TCT-TTKT về tăng cường công tác quản lý thuế hoạt động kinh doanh bất động sản. Bám sát nội dung chỉ đạo của 2 văn bản nêu trên, Cục Thuế TP Hà Nội đã có Công văn gửi Sở Tư pháp phối hợp trong công tác tuyên truyền, đấu tranh các hành vi vi phạm trong kê khai giá của hoạt động chuyển nhượng bất động sản.

Ngày 22/03/2022, Sở Tư pháp có văn bản số 653/STP-BTTP gửi Hội Công chứng viên TP Hà Nội và các tổ chức trên địa bàn Thành phố về việc tăng cường quán triệt, thực hiện nghiêm túc quy định về công chứng hợp đồng, giao dịch nhằm chống thất thu thuế trong hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản. Theo đó, Sở Tư pháp yêu cầu:

Đối với tổ chức hành nghề công chứng: Trưởng các tổ chức hành nghề công chứng quán triệt và yêu cầu các công chứng viên của tổ chức mình thực hiện quy định về trình tự, thủ tục công chứng hợp đồng, giao dịch; hướng dẫn người yêu cầu công chứng kê khai giá thực tế mua bán, chuyển nhượng để làm căn cứ tính thuế theo quy định của pháp luật.

Đối với Hội công chứng viên thành phố: Tăng cường hoạt động giám sát, hướng dẫn hội viên tuân thủ quy định của pháp luật về công chứng, pháp luật về thuế trong việc hướng dẫn người dân, chủ đầu tư dự án bất động sản, danh nghiệp kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản kê khai trên hợp đồng công chứng theo giá thực tế mua bán, để làm căn cứ tính thuế theo quy định của pháp luật, tránh thất thu ngân sách nhà nước.

Ký hợp đồng công chứng mua bán BĐS mà giá trị tài sản kê khai thấp hơn giá trị thực tế, có thể bị điều tra xử lý theo pháp luật hình sự. - Ảnh 4.

Hình ảnh công chứng. Nguồn Internet

Cùng với đó, Cục Thuế TP. Hà Nội khuyến nghị người dân và doanh nghiệp khi phát sinh các giao dịch chuyển nhượng bất động sản cần kê khai chính xác, trung thực, đầy đủ giá thực tế chuyển nhượng bất động sản trên hợp đồng chuyển nhượng cũng như trên hồ sơ khai thuế, phí để bảo vệ chính quyền lợi của bản thân.

Cơ quan Thuế thực hiện xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm theo quy định tại Luật Thuế. Đối với các trường hợp có dấu hiệu tội phạm, cơ quan Thuế sẽ phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền về điều tra để xử lý theo pháp luật hình sự.

An Vũ
Ý kiến của bạn
Việt Nam thuộc nhóm 15 nước đang phát triển thu hút FDI lớn nhất thế giới Việt Nam thuộc nhóm 15 nước đang phát triển thu hút FDI lớn nhất thế giới

Theo số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thu hút vốn FDI cả năm 2024 đạt gần 38,23 tỷ USD, con số này đưa Việt Nam thuộc nhóm 15 nước đang phát triển thu hút FDI lớn nhất thế giới; đặc biệt vốn FDI thực hiện khoảng 25,35 tỷ USD, tăng 9,4%, cao nhất từ trước đến nay. Giá trị thương hiệu quốc gia năm 2024 đạt 507 tỷ USD, xếp thứ 32 thế giới, tăng 1 bậc so với năm 2023.