Kỳ họp HĐND tỉnh Nghệ An: Quyết tâm nhiều mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2024
Vừa qua, HĐND tỉnh Nghệ An khóa XVIII nhiệm kỳ 2021 - 2026 đã long trọng khai mạc Kỳ họp thứ 21. Sau hai ngày làm việc (10-11/7), Kỳ họp thứ 21, HĐND tỉnh đã tập trung giải quyết khối lượng công việc lớn, các nội dung quan trọng được ưu tiên dành nhiều thời gian cho thảo luận, mở rộng hơn nội dung, lĩnh vực chất vấn, đồng thời lấy phiếu biểu quyết của đại biểu về các nội dung dự thảo nghị quyết.
Các đồng chí: Thái Thanh Quý - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh; Nguyễn Nam Đình - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Nguyễn Như Khôi - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh chủ tọa, điều hành kỳ họp.
Dự kỳ họp có các đồng chí: Nguyễn Văn Thông - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Hoàng Nghĩa Hiếu - Phó Bí thư Tỉnh ủy; Võ Thị Minh Sinh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Nghệ An, các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh, các vị đại biểu HĐND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành, địa phương.
Trong phiên họp ngày 10/7, các vấn đề đại biểu và cử tri quan tâm liên quan đến tốc độ tăng trưởng kinh tế, công tác CCHC, việc xử lý các trụ sở cơ quan hành chính cấp xã sau sáp nhập; tình hình giải ngân nguồn vốn đầu tư công và việc thực hiện giải ngân Chương trình MTQG, tình hình nợ đọng thuế… được lãnh đạo các Sở, ngành liên quan trả lời.
Bên cạnh đó, lãnh đạo các Sở, ngành cũng đã làm rõ một số nội dung đại biểu quan tâm liên quan đến phương án phòng chống thiên tai; thực hiện hỗ trợ xi măng xây dựng nông thôn mới; thực hiện các dự án trồng dược liệu dưới tán rừng; xây dựng nhà máy nước sạch; vấn đề môi trường; cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; tuyển dụng nhân lực y tế; giải quyết nhu cầu lao động của các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu kinh tế.
Trả lời nội dung về công tác phòng, chống thiên tai trên địa bàn tỉnh, Giám đốc Sở NN&PTNT Phùng Thành Vinh cho biết, hiện nay thiên tai chuyển từ trạng thái El Nino sang La Nina, sau nắng nóng sẽ gắn với lũ lụt. Trên địa bàn tỉnh Nghệ An hiện có 21/23 loại hình thiên tai; rất nhiều sông suối và độ dốc địa hình miền núi rất lớn. Trong thực tế, thiên tai thường xảy ra trên địa bàn tỉnh là hạn hán hoặc lũ lụt, bão gió, ảnh hưởng từ miền núi đến vùng biển. Hằng năm, Sở NN&PTNT trước mùa mưa lũ hoặc nắng nóng đều có kiểm tra để hướng dẫn các chủ hồ đập, địa phương trong công tác phòng, chống thiên tai. Ngành đã xây dựng các đề án sản xuất nông nghiệp, trong đó có dự báo tình hình thời tiết, thiên tai để xây dựng các phương án sản xuất phù hợp.
Hàng năm, các chủ quản lý hồ đập cũng như UBND các huyện, các xã đều xây dựng các phương án phòng chống thiên tai đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, trong đó tập trung thực hiện phương án "4 tại chỗ". Ngoài ra, Sở NN&PTNT cũng đã chủ động rà soát các công trình hồ đập, trình HĐND tỉnh, Trung ương xin chủ trương sửa chữa một số công trình ách yếu để đảm bảo phòng chống thiên tai hiệu quả nhất.
Tham gia ý kiến thảo luận, theo đại biểu Trần Thị Thanh Huyền (huyện Thanh Chương) cho biết, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công còn chậm, công tác giải phóng mặt bằng nhiều địa phương vẫn chưa đạt yêu cầu, đề nghị UBND tỉnh có giải pháp cụ thể để thực hiện tốt các nội dung này. Đại biểu Huyền cũng đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các Sở, ngành đẩy nhanh tiến độ hỗ trợ xi măng kịp thời để các địa phương xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao triển khai thực hiện trước mùa mưa bão.
Cùng liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp, đại biểu Huyền cho rằng chính sách hỗ trợ bà con nông dân bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh triển khai còn chậm, trong đó có chính sách hỗ trợ thiệt hại do dịch tả lợn Châu Phi. Mặc dù các địa phương đã tổng hợp, có tờ trình đề nghị, tuy nhiên đến nay chưa được hỗ trợ, đề nghị UBND tỉnh hỗ trợ kịp thời để người dân khắc phục thiệt hại, tái sản xuất trong chăn nuôi.
Đại biểu Ngô Văn Thành (huyện Nghĩa Đàn) phản ánh tình trạng hoạt động khai thác cát, sỏi trên địa bàn thời gian quan, đại biểu Thành đề nghị Sở TN&MT kiểm tra toàn diện hoạt động khai thác khoáng sản của các doanh nghiệp để có biện pháp xử lý nghiêm đối với những doanh nghiệp không chấp hành đúng quy định.
Thay mặt chủ tọa kỳ họp, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Nam Đình cảm ơn các vị đại biểu đã chủ động tham gia và có những ý kiến sâu sát, phù hợp với thực tiễn; phản ánh đúng ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân toàn tỉnh đến với kỳ họp.
Đa số các đại biểu đều đồng ý với các báo cáo, dự thảo Nghị quyết Thường trực HĐND tỉnh, UBND tỉnh trình kỳ họp. Trong đó, thống nhất cao với kết quả thực hiện nhiệm vụ, kết quả phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2024. Bên cạnh đó, đại biểu cũng đồng tình, nhất trí với đánh giá về một số tồn tại, hạn chế, khó khăn trong việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2024 và 5 nhóm nhiệm vụ trọng tâm triển khai hoàn thành mục tiêu nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng cuối năm 2024.
Trong phiên họp ngày 11/7,các đại biểu thảo luận các vấn đề trọng tâm về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh Nghệ An, giai đoạn 2023 - 2025 và sắp xếp, giải quyết chế độ, chính sách cho cán bộ, công chức, người làm việc dôi dư sau sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã. Đây là vấn đề nóng, có tính thời sự, được đông đảo cử tri, nhân dân rất quan tâm.
Đại biểu Nguyễn Đức Hồng (Yên Thành) đặt câu hỏi: Từ những kinh nghiệm sắp xếp đơn vị hành chính trước đây, đề nghị Giám đốc Sở cho biết việc tham mưu văn bản cấp cơ sở trong việc sắp xếp, bố trí đào tạo cán bộ viên chức công chức, cơ quan ban ngành trong thời gian qua và yêu cầu nhiệm vụ trong thời gian tới?
Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Đức Hồng, Giám đốc Sở Nội vụ Nguyễn Viết Hưng cho biết đây là lần thứ 2 tỉnh ta sắp xếp, thực hiện 2 chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước; Đưa công an chính quy về xã; thực hiện Nghị định 34 thay thế Nghị định 92, giảm thêm mỗi xã 2 CBCC, tổng số toàn tỉnh giảm gần 1700 CBCC. Hiện, chỉ còn 28 trường hợp dôi dư tại Hưng Nguyên và Nam Đàn, sẽ được giải quyết dứt điểm vào cuối năm nay. Đây là 1 kinh nghiệm để ngành Nội vụ thực hiện giải quyết cán bộ dôi dư trong giai đoạn này.
Trong thực hiện đề án sắp xếp, giải quyết chế độ, chính sách cho cán bộ, công chức, người làm việc dôi dư sau sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, ngay từ đầu, Sở Nội vụ với tư cách là cơ quan Thường trực đã có chỉ đạo hướng dẫn cụ thể các đơn vị. Khi xây dựng dự án đã lồng ghép việc này, Sở đã có tham mưu để Tỉnh ủy có Công văn 2646, UBND tỉnh có Kế hoạch 588, chỉ đạo khi sắp xếp tổ chức bộ máy CCVC sau sắp xếp đưa vào chỗ này. Trên tinh thần đó, Sở Nội vụ đã bàn bạc, thống nhất với các đơn vị để tổ chức thực hiện, chỉ đạo qua tập huấn các đơn vị hành chính. Tỉnh đã xây dựng phương án sắp xếp cán bộ CCVC, cán bộ không chuyên trách dôi dư vào đề án và lấy ý kiến rộng rãi. Về đề án của tỉnh, Bộ Nội vụ đã tổ chức hội đồng liên bộ để thẩm định. Trong đó có thành phần của Ban Tổ chức TW, Văn phòng Chính phủ. Các đơn vị này đánh giá rất cao phương án sắp xếp cán bộ dôi dư của tỉnh Nghệ An. Việc tính toán dựa trên căn cứ khoa học.
Theo Kế hoạch 117 của Chính phủ, Kế hoạch 588 của UBND tỉnh, sau khi có Nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Sở Nội vụ tiếp tục tham mưu chi tiết quy trình thủ tục tiếp nhận thuyên chuyển cán bộ công chức, tiếp tục đào tạo. Đặc biệt, rút kinh nghiệm từ lần sát nhập trước để thực hiện bố trí cán bộ công chức dôi dư cấp xã. Trước, trong và sau sát nhập, đều có sự phối hợp giữa các bộ ngành TƯ, từ tỉnh đến xã có sự nhịp nhàng, các ngành cấp tỉnh thường xuyên trao đổi khi sắp xếp cán bộ, công tác phối hợp giữa các Sở ngành thường xuyên cung cấp thông tin về lộ trình, số lượng, thời gian.
Đại biểu Nguyễn Thị Hương (Hưng Nguyên) nêu ý kiến: Việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã sát nhập thôn, xóm, bản, khối sẽ phát sinh những thay đổi về các loại giấy tờ của tổ chức, cá nhân. Việc giải quyết vấn đề này trong thực tế còn rườm rà, phức tạp. Đại biểu đề nghị Giám đốc Sở Nội vụ cho biết các giải pháp nhằm tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân thay đổi giấy tờ thuận tiện hơn.
Giải thích ý kiến này, Giám đốc Sở Nội vụ Nguyễn Viết Hưng cho hay: Theo khoản 1, Điều 21, Nghị quyết 35 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nêu rõ, các loại giấy tờ đã được cơ quan cấp có thẩm quyền cấp cho công dân, trước khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính, nếu chưa hết hạn theo quy định vẫn được tiếp tục sử dụng; Khi thực hiện chuyển đổi được tạo điều kiện thuận lợi; Không thu phí, lệ phí khi thực hiện chuyển đổi các giấy tờ.
Trong Kế hoạch 58 của UBND tỉnh và Thông báo số 01 của Ban chỉ đạo đã nêu vấn đề này, có phân công cụ thể, khi có quyết định của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sẽ có kế hoạch triển khai tổ chức thực hiện việc chuyển đổi này.
Và khi có Nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Sở sẽ tham mưu ban hành kế hoạch triển khai Nghị quyết để tham mưu phân công nhiệm vụ. Phía Sở cũng đã chuẩn bị dự thảo khi có chủ trương của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sẽ trình cấp có thẩm quyền ký, ban hành để các cơ quan đơn vị căn cứ tổ chức thực hiện, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân nhất tránh rườm rà, phiền hà.
Sau phần trả lời của Giám đốc Sở Nội vụ và các ngành liên quan, một số đại biểu vẫn còn bày tỏ sự trăn trở và đăng kí tranh luận. Đó là các vấn đề về phương án giải quyết cán bộ dôi dư; Tình trạng một cán bộ xã kiêm quá nhiều phần việc, ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả công tác.
Bế mạc kỳ họp, đồng chí Thái Thanh Quý - Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh có những ghi nhận và đánh giá tích cực.
Sau hai ngày làm việc tích cực, Kỳ họp thứ 21, Hội đồng nhân dân tỉnh đã hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình đề ra.
Không khí kỳ họp diễn ra sôi nổi, nghiêm túc, dân chủ; các vị đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, có nhiều ý kiến phát biểu cụ thể, tâm huyết, trên tinh thần xây dựng, phản ánh khách quan, toàn diện thực tế sinh động đời sống kinh tế - xã hội của tỉnh 6 tháng qua. Công tác chuẩn bị, công tác phục vụ, thông tin, tuyên truyền được thực hiện kịp thời, góp phần mang lại thành công của kỳ họp.
Hội đồng nhân dân tỉnh đã xem xét, cho ý kiến đối với 26 báo cáo của Thường trực HĐND tỉnh, UBND tỉnh, các Ban của HĐND tỉnh và các cơ quan, đơn vị có liên quan trình tại kỳ họp. Đồng thời đã thảo luận, biểu quyết thông qua 26 nghị quyết liên quan trực tiếp đến đời sống dân sinh và sự phát triển của tỉnh, bao gồm 01 nghị quyết về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội; 6 nghị quyết về đầu tư phát triển và phân bổ vốn; 5 nghị quyết về điều chỉnh chủ trương đầu tư các dự án; 5 nghị quyết quy phạm pháp luật ban hành các cơ chế chính sách và 9 nghị quyết về các nội dung quan trọng khác.
Hội đồng nhân dân tỉnh đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh, các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, tập trung tổ chức triển khai khẩn trương, quyết liệt, đồng bộ các giải pháp đảm bảo các nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh sớm đi vào cuộc sống và đạt hiệu quả cao, trong đó tập trung một số nhiệm vụ cụ thể.
Kết thúc bài phát biểu, đồng chí khẳng định: Với tinh thần nghiêm túc, thẳng thắn, Hội đồng nhân dân tỉnh đã dành thời gian hợp lý để tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn 2 nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực nội vụ, công thương và mở rộng ra các lĩnh vực khác. Kết quả chất vấn là kênh thông tin quan trọng để Ủy ban nhân dân tỉnh, các sở, ngành, địa phương nhìn nhận trách nhiệm của mình; qua đó tiếp tục đổi mới phương pháp chỉ đạo, điều hành, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động thuộc lĩnh vực quản lý phụ trách, trong đó có việc tập trung khắc phục những bất cập, tồn tại, hạn chế được chỉ ra qua hoạt động chất vấn, giám sát tại kỳ họp này.
Những kết quả đạt được trong 6 tháng đầu năm 2024, cùng với tinh thần đoàn kết, đồng thuận trong toàn đảng bộ, chính quyền và nhân dân ngày càng được phát huy, Hội đồng nhân dân tỉnh tin tưởng toàn tỉnh sẽ vượt qua các thách thức, hoàn thành cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, tạo không khí phấn khởi bước vào nhiệm kỳ mới Đại hội Đảng các cấp.
Thái QuảngCác nhà đầu tư Hoa Kỳ đã đóng góp đáng kể vào quá trình chuyển biến và tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam. Hoa Kỳ hiện là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 11 tại Việt Nam, với hơn 1.400 dự án có tổng vốn đầu tư gần 12 tỷ USD.