Kỷ lục hơn 1,4 triệu liều vaccine tiêm trong 1 ngày
Bản tin sáng 11/8 của Bộ Y tế cho biết, trong ngày 10/8 có 1.408.453 liều vaccine phòng COVID-19 được tiêm, nâng tổng số liều vaccine đã được tiêm ở nước ta lên 11.341.864 liều.
Đây là kỷ lục cao nhất về số liều vaccine được tiêm trong một ngày ở nước ta từ khi bắt đầu tiêm vaccine COVID-19 đến nay (8/3/2021). Như vậy, tổng số liều vaccine đã được tiêm là 11.341.864 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 10.305.762 liều, tiêm mũi 2 là 1.036.102 liều.
Tiểu ban Tiêm chủng cho biết, đến nay đã có khoảng 18,7 triệu liều vaccine từ các nguồn khác nhau về đến Việt Nam. Hiện nay trong các kho đang để lại 2,5 triệu liều vaccine Moderna và 250.000 vaccine Vero Cell để tiêm mũi thứ 2 cho những người đã tiêm mũi 1 loại vaccine.
Như vậy, số liều vaccine đã được tiêm chiếm tỷ lệ khoảng 72% so với tổng số vaccine đã nhận về và phân bổ.
Trong hướng dẫn mới nhất về đối tượng được tiêm vaccine COVID-19 của Bộ Y tế đã nới lỏng hơn các điều kiện. Nhóm cần trì hoãn tiêm chủng từ 5 xuống 3 nhóm đối tượng. Phụ nữ mang thai trên 13 tuần và cho con bú vẫn được tiêm vaccine .
Theo quyết định 3802/QĐ-BYT ban hành hướng dẫn tạm thời khám sàng lọc trước tiêm chủng vaccine COVID-19 của Bộ Y tế đã còn 10 mục cần sàng lọc, thay cho văn bản 3445 ban hành ngày 15/7 có tới 15 mục.
Tất cả người trên 18 tuổi, khoẻ mạnh đủ các điều kiện tiêm, đều được tiêm vaccine COVID-19.
Trước đây người trên 65 tuổi và các nhóm có tiền sử dị ứng, tiền sử bệnh nền, tiền sử rối loạn đông máu, có bất thường dấu hiệu sống, bất thường khi nghe tim phổi, rối loạn tri giác đều phải tiêm và theo dõi tại các bệnh viện. Tuy nhiên trong hướng dẫn mới không còn.
Hiện duy nhất nhóm phản vệ độ 3 khi tiêm vaccine phải tiêm tại các cơ sở y tế có đủ điều kiện cấp cứu sốc phản vệ.
Các nhóm cần khám sàng lọc kỹ lưỡng và thận trọng trước khi tiêm
- Người có tiền sử dị ứng với các dị nguyên khác.
- Người có bệnh nền, bệnh mạn tính.
- Người mất tri giác, mất năng lực hành vi.
- Người có tiền sử giảm tiểu cầu và/hoặc rối loạn đông máu.
- Phụ nữ mang thai ≥ 13 tuần.
- Người phát hiện thấy bất thường dấu hiệu sống: nhiệt độ dưới 35,5 độ C hoặc trên 37,5 độ C, mạch < 60 lần/phút hoặc > 100 lần/phút; nhịp thở trên 25 lần/phút; huyết áp tối thiểu < 60 mmHg hoặc > 90 mmHg và/hoặc huyết áp tối đa < 90 mmHg hoặc > 140 mmHg hoặc cao hơn 30 mmHg so với huyết áp hàng ngày (ở người có tăng huyết áp đang điều trị và có hồ sơ y tế).
Nhóm cần trì hoãn tiêm chủng từ 5 xuống 3 nhóm đối tượng
- Người có tiền sử rõ ràng đã mắc COVID-19 trong vòng 6 tháng;
- Người đang mắc bệnh cấp tính;
- Phụ nữ mang thai dưới 13 tuần.
Phụ nữ mang thai trên 13 tuần và cho con bú vẫn được tiêm vaccine
Với phụ nữ mang thai trên 13 tuần và cho con bú vẫn được tiêm vaccine (nếu có cam kết). Tuy nhiên không áp dụng với vaccine Sputnik V. Trường hợp này chuyển sang nhóm cần thận trọng tiêm chủng và nếu tiêm cần theo dõi tại cơ sở y tế có khả năng cấp cứu sản khoa.
Theo hướng dẫn của Bộ Y tế đối với phụ nữ mang thai khi khám cần hỏi tuổi thai. Giải thích nguy cơ/lợi ích, chỉ nên cân nhắc tiêm vaccine phòng COVID-19 cho phụ nữ mang thai ≥13 tuần khi lợi ích tiềm năng lớn hơn bất kỳ nguy cơ tiềm tàng nào đối với mẹ và thai nhi.
Sau khi khám sàng lọc, chỉ định tiêm chủng ngay cho những trường hợp đủ điều kiện tiêm chủng. Trì hoãn tiêm chủng cho những trường hợp có ít nhất một yếu tố phải trì hoãn tiêm chủng. Chuyển tiêm đến cơ sở y tế có đủ khả năng cấp cứu phản vệ cho những trường hợp có tiền sử phản vệ độ 3 với bất kỳ dị nguyên nào.
Bộ Y tế yêu cầu cơ quan tiêm chủng phải ghi chép, lưu giữ cơ sở dữ liệu tiêm chủng của các đối tượng bao gồm cả trường hợp chống chỉ định vào phần mềm quản lý hồ sơ sức khỏe toàn dân. Phiếu khám sàng lọc trước tiêm chủng và phiếu cam kết đồng ý tiêm chủng được lưu tại đơn vị tổ chức tiêm trong 15 ngày.
Huyền My (T/h)Công ty CP Vận tải đường sắt cho biết tổ chức chạy tăng cường thêm nhiều chuyến tàu tuyến Bắc - Nam phục vụ người dân về quê, đón tết Nguyên đán 2025.