Đồng chí Lê Quang Đạo, tên khai sinh là Nguyễn Đức Nguyện, sinh ngày 08/8/1921 trong một gia đình có truyền thống yêu nước, cách mạng tại xã Đình Bảng, huyện Tiên Sơn, tỉnh Bắc Ninh (nay là phường Đình Bảng, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh).
Năm 1950, đồng chí Lê Quang Đạo được điều động vào quân đội. Gần suốt 30 năm chiến tranh, ông thường có mặt ở những chiến trường nóng bỏng với những trọng trách quan trọng. Trên cương vị Cục trưởng Cục Tuyên huấn (tháng 10/1950), ông nắm bắt được những yêu cầu quan trọng đặt ra đối với công tác lãnh đạo chính trị, chủ động đề xuất những nội dung quan trọng của công tác giáo dục chính trị và được phân công biên soạn, viết nhiều tài liệu về công tác chính trị, tư tưởng, xây dựng Đảng. Đặc biệt là các tài liệu chỉnh huấn, chỉnh quân.
Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, đồng chí Lê Quang Đạo được Quân ủy Trung ương giao phụ trách công tác đảng, công tác chính trị trong các chiến dịch lớn, vào những thời điểm quyết liệt, như: Phó Chủ nhiệm chính trị chiến dịch Biên giới (1950); Phó Chủ nhiệm chính trị chiến dịch Điện Biên Phủ (1954); Bí thư Đảng ủy, Chính ủy chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh (1968), chiến dịch Đường 9 - Nam Lào (1971), đường 9 – Quảng Trị (1972). Trên cương vị được giao, ông đã cùng cán bộ, chiến sỹ quân đội ta lập nên những chiến thắng vẻ vang, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ, góp phần vào thắng lợi vĩ đại của dân tộc.
Ngày 27/1/1973, Mỹ và chính quyền Sài Gòn buộc phải ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình ở Việt Nam. Giữa tháng 6/1973, Hội nghị lần thứ 21 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa III được tổ chức tại Hà Nội, thay mặt Quân ủy Trung ương, đồng chí Lê Quang Đạo đã trình bày tham luận khẳng định sự lãnh đạo đúng đắn, sáng tạo độc lập, tự chủ của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến. Bài phát biểu đã góp phần vào thành công của Hội nghị lịch sử, quyết định đường lối chiến lược để kết thúc cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Cuối năm 1973, đồng chí Lê Quang Đạo được cử giữ chức Giám đốc kiêm Bí thư Đảng ủy Học viện Chính trị quân sự. Với những hoạt động và đóng góp với ngành tuyên huấn quân đội trong hai cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc, ông đã được phong hàm Thiếu tướng năm 1958 và Trung tướng năm 1974.
MỘT NHÀ LÝ LUẬN TRÊN LĨNH VỰC KHOA GIÁO CỦA ĐẢNG
Tháng 3/1982, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V của Đảng, đồng chí Lê Quang Đạo tiếp tục được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Bí thư Trung ương Đảng, được phân công làm Trưởng ban Khoa giáo Trung ương. Trong những năm đầu thập niên 80 của thế kỷ XX, tình hình kinh tế - xã hội đất nước lâm vào tình trạng khó khăn, ông đã đề xuất quan điểm đổi mới, dân chủ trong nghiên cứu khoa học, coi trọng bồi dưỡng và sử dụng nhân tài. Nhất là đội ngũ trí thức, trí thức trẻ. Ông đã cùng với tập thể Ban Khoa giáo Trung ương tổ chức nhiều buổi tọa đàm, hội thảo, gặp gỡ để lắng nghe ý kiến tâm huyết, trí tuệ của nhân sĩ, trí thức, nhà khoa học, góp phần tìm ra giải pháp tháo gỡ tình hình khó khăn, đưa đất nước thoát ra khỏi khủng hoảng. Qua đó, tổng hợp báo cáo trực tiếp với Tổng Bí thư Trường Chinh. Nhiều vấn đề đã được thể hiện trong "Báo cáo chính trị đổi mới toàn diện đất nước" mà Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng đã thông qua.
Ngày 17/6/1987, tại phiên họp thứ nhất Quốc hội khóa VIII, đồng chí Lê Quang Đạo được bầu giữ chức vụ Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước. Trên cương vị người đứng đầu Quốc hội, ông đã có nhiều đóng góp quan trọng vào việc đổi mới sâu sắc, toàn diện về tổ chức hoạt động của Quốc hội. Trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng. Nhất là việc đẩy nhanh công tác lập hiến và lập pháp để thể chế hóa các nghị quyết của Đảng, đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước bằng pháp luật. Ông đã đóng góp nhiều công sức vào việc soạn thảo Hiến pháp năm 1992, phù hợp với cương lĩnh đổi mới của Đảng, đáp ứng đòi hỏi của cách mạng và nhân dân trong giai đoạn mới. Đồng thời, ra sức thực hiện chương trình xây dựng pháp luật để Quốc hội và Hội đồng Nhà nước thông qua được nhiều Bộ luật, Luật và Pháp lệnh.
Với 17 năm tham gia Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và 5 năm giữ chức vụ Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (1994 - 1999), ông đã có nhiều đóng góp trong xây dựng Mặt trận, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc. Năm 1993, ông đã cùng cán bộ, Đảng đoàn Mặt trận tham mưu Đảng ban hành Nghị quyết 07 ngày 17/11/1993 về "Đại đoàn kết dân tộc, tăng cường Mặt trận dân tộc thống nhất trong tình hình mới". Một nghị quyết tạo bước ngoặt cho đại đoàn kết dân tộc và công tác Mặt trận trong công cuộc đổi mới đất nước.
Với tư cách là Trưởng ban soạn thảo Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, ông đã dốc sức cùng tập thể hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa X, kỳ họp thứ 5 nhất trí thông qua Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Đây là công trình lớn cuối cùng của ông cống hiến cho Đảng, Nhà nước, Mặt trận và nhân dân ta trước lúc ra đi. Ngày 24/7/1999, đồng chí Lê Quang Đạo mất tại Hà Nội.
Hơn 60 năm hoạt động cách mạng, đồng chí Lê Quang Đạo đã có những công lao to lớn đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Ghi nhận công lao to lớn của ông với dân tộc, Đảng, Nhà nước tặng ông Huân chương Sao Vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Quân công hạng Nhất, Huân chương Chiến thắng hạng Nhất, Huân chương Đại đoàn kết dân tộc và nhiều Huân, Huy chương cao quý khác.