Kỷ niệm 110 năm ngày sinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp (25/8/1911 – 25/8/2021): Huyền thoại Danh tướng gắn với mùa thu Tháng Tám
Nói đến thắng lợi của Cách mạng tháng Tám, bên cạnh vai trò của Bác Hồ, của Đảng và toàn thể dân tộc Việt Nam, không thể không nói tới Đại tướng Võ Nguyên Giáp – một Danh tướng huyền thoại sinh ra vào mùa thu mà tên tuổi cũng gắn liền với mùa thu Cách mạng tháng Tám, người có vai trò to lớn trong việc xây dựng đội quân chủ lực, góp phần vào thắng lợi của cuộc cách mạng giành độc lập dân tộc tháng 8/1945
Theo một chương trình phát sóng Kỷ niệm 110 năm ngày sinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp (1911-2021) trên VTV, tại lán Nà Lưa giữa rừng Tân Trào (Tuyên Quang), trong một đêm tháng 7/1945, Tổng chỉ huy Võ Nguyên Giáp đã xin phép được nghỉ lại với Lãnh tụ Hồ Chí Minh khi Người mệt nặng. Tỉnh lại sau cơn sốt, Bác dặn ông câu nói đã đi vào lịch sử "Lúc này thời cơ thuận lợi đã tới, dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập".
PGS.TS Trần Ngọc Long, nguyên Phó viện trưởng Viện Lịch sử quân sự Việt Nam cho biết: "Vâng lệnh cụ Hồ, ông Võ Nguyên Giáp đã biến mệnh lệnh ấy thành hành động mang tầm chiến lược. Thứ nhất, với tư tưởng người trước súng sau, khơi thêm nước cho cá vẫy vùng. Một mặt xây dựng mở rộng khu giải phóng, củng cố khu giải phóng. Thứ hai, ông là người đề xuất mở trường quân chính kháng Nhật để đào tạo đội ngũ cán bộ quân sự đầu tiên, sau trở thành những cán bộ nòng cốt trong cuộc tổng khởi nghĩa".
Vào những ngày đầu tháng 8/1945, nhận được tin Nhật tuyên bố đầu hàng Đồng minh không điều kiện (11/8), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ thị cho ông Võ Nguyên Giáp viết thư hỏa tốc gửi đi các nơi triệu tập các đại biểu về họp Hội nghị toàn quốc của Đảng và Đại hội quốc dân. Hội nghị toàn quốc của Đảng diễn ra trong 3 ngày (13 - 15/8/1945).
Tại hội nghị, Tổng Bí thư Trường Chinh đã nhấn mạnh tình thế cấp bách phải nắm đúng thời cơ, phát động nhân dân nổi dậy giành chính quyền trước khi quân Đồng Minh vào Đông Dương, "đó là khả năng duy nhất để giành độc lập dân tộc". Cũng tại Hội nghị này, ông Võ Nguyên Giáp cùng 3 đồng chí khác được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Theo đó, ngày 13/8/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra chỉ thị thành lập Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc và thông qua Quân lệnh số 1 do Trần Huy Liệu soạn thảo. 23 giờ cùng ngày, ông Võ Nguyên Giáp thay mặt Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc, ký vào quân lệnh số 1, từ trung tâm Tân Trào lệnh tổng khởi nghĩa đã được truyền đi khắp nơi trong cả nước.
Tháng 8/1945, chiến tranh thế giới thứ hai sắp kết thúc, các nước thắng trận đang vẽ lại bản đồ thế giới. Theo đó, tại Việt Nam, nam vĩ tuyến 16 được trao cho quân đội Anh, phía bắc vĩ tuyến 16 sẽ do quân đội Tưởng phụ trách.
Tại Tân Trào, lúc này, Hội nghị toàn quốc của Đảng dự kiến họp chậm lại vì còn phải đợi một số đại biểu ở xa. Nhưng Lãnh tụ Hồ Chí Minh đã nhìn thấy thời cơ thuận lợi hiếm hoi và ngắn ngủi. Không hành động ngay, cách mạng sẽ khó khăn khi cùng lúc phải đối phó với nhiều lực lượng quân sự nước ngoài tràn vào Việt Nam.
PGS.TS Trần Ngọc Long, nguyên Phó viện trưởng Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, cho biết thêm: "Võ Nguyên Giáp cũng là một người rất năng động trong vấn đề tổ chức hai sự kiện quan trọng liên quan đến vận mệnh của cả dân tộc đó là Hội nghị toàn quốc, ông là người vâng lệnh Bác Hồ đã thảo ra các bức điện hỏa tốc triệu tập các đại biểu về dự hội nghị toàn quốc của Đảng và sau đó là Quốc dân Đại hội Tân Trào để ra quyết định lịch sử quyết định Tổng khởi nghĩa".
Chiều này 16/8/1945, tại cây đa Tân Trào, dưới lá cờ đỏ sao vàng cỡ lớn, đại đội Giải phóng quân đội ngũ chỉnh tề, dưới sự chỉ huy của Đại đội trưởng Đàm Quang Trung, Tổng chỉ huy Võ Nguyên Giáp thay mặt Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc đọc bản Quân lệnh số 1, chính thức phát động Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước. Từ trung tâm Tân Trào, làn sóng tổng khởi nghĩa lan truyền như vũ bão, lần lượt các tỉnh trong cả nước đứng lên giành chính quyền. Các tỉnh Thái Nguyên, Tuyên Quang, Cao Bằng, Bắc Cạn…là những địa phương nổi dậy giành chính quyền sớm nhất trong cả nước.
Tối ngày 19/8/1945, cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Hà Nội kết thúc hoàn toàn thắng lợi. Nói đến thắng lợi của Cách mạng tháng Tám, bên cạnh vai trò của Bác Hồ, của Đảng cùng toàn thể dân tộc Việt Nam, không thể không nói tới Đại tướng Võ Nguyên Giáp - người có vai trò to lớn trong việc xây dựng đội quân chủ lực, góp phần vào thắng lợi cuộc Cách mạng mùa Thu năm 1945.
Dâng hương tưởng niệm 110 năm ngày sinh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp (25/8/1911 – 25/8/2021)
Trong những ngày qua, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng cùng nhiều lãnh đạo Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam đã tới nhà riêng, khu lưu niệm làm lễ dâng hương tưởng niệm và tri ân công lao to lớn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người đã cống hiến trọn đời cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc Việt Nam, người Anh cả của Quân đội Nhân dân Việt Nam, vị tướng huyền thoại của dân tộc Việt Nam, vị tướng lừng danh thế giới.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp có tên khai sinh Võ Giáp, bí danh là Văn, sinh ngày 25-8-1911 ở làng An Xá, xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình trong một gia đình nhà nho nghèo, giàu lòng yêu nước.
Đại tướng là người học trò xuất sắc và gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Từ một thầy giáo dạy lịch sử trở thành Đại tướng, Tổng tư lệnh, "Văn lo vận nước văn thành võ/Võ thấu lòng dân võ hóa văn". Ông là Đại tướng đầu tiên của quân đội ta. Tên tuổi và sự nghiệp của ông đã không chỉ được khắc ghi trong lịch sử dân tộc mà còn lừng danh thế giới và luôn ngời sáng mãi trong lòng dân… Trọn cuộc đời mình, Đại tướng gắn bó với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc.
Dự kiến từ đầu năm 2025, ngành thuế sẽ nâng cấp ứng dụng hỗ trợ cá nhân kê khai thuế điện tử, tự động hỗ trợ toàn bộ việc quyết toán thuế, hoàn thuế thu nhập cá nhân cho người nộp thuế.