Kỷ niệm 130 năm ngày sinh đồng chí Võ Văn Tần (08/1891 - 08/2021): Người Bí thư Xứ ủy trung kiên

Tư liệu
10:06 AM 03/08/2021

Võ Văn Tần (bí danh Bảy, Già Trầu) sinh tháng 8/1891 trong một gia đình nông dân có truyền thống yêu nước ở làng Đức Hòa, huyện Đức Hòa, tỉnh Chợ Lớn (nay thuộc tỉnh Long An) - Vùng đất có vị trí chiến lược quan trọng, có bề dày lịch sử và truyền thống văn hóa, yêu nước và cách mạng.

Luôn cống hiến cho vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, vì lợi ích của Tổ quốc, vì tự do, hạnh phúc cho nhân dân 

Kỷ niệm 130 năm ngày sinh đồng chí Võ Văn Tần (08/1891 - 08/2021): NGƯỜI BÍ THƯ XỨ ỦY TRUNG KIÊN - Ảnh 1.

Đồng chí Võ Văn Tần

 Lớn lên trong cảnh nước mất, nhà tan, Võ Văn Tần sớm lao động cực nhọc vừa tần tảo phụ giúp gia đình vừa tìm hiểu, trải nghiệm nhiều mặt của đời sống xã hội. Ông từng lên Sài Gòn làm nghề kéo xe tay, về làm Biện làng, dạy học,… 

 Năm 1923, cùng nông dân đấu tranh chống chính quyền thực dân thu thuế sát sinh vô lý, ông bị thực dân Pháp bắt giam khép tội "cầm đầu các cuộc chống đối". Không có chứng cớ để khép tội, thực dân buộc phải trả tự do.

 Cuối năm 1926, Võ Văn Tần tham gia Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ở Nam kỳ. Ông đã tích cực tuyên truyền, vận động, chọn những người hăng hái tích cực trong nông dân lao động, nhất là thanh niên giáo dục lòng yêu nước và ý thức giai cấp; gây dựng, thành lập các tổ chức chi hội Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ở Đức Hòa, Mỹ Hạnh, Đức Lập, Hữu Thạnh và kết nạp được nhiều hội viên. Về sau, trở thành những đảng viên cộng sản kiên trung như: Nguyễn Văn Thỏ, Trần Văn Thẳng, Trần Văn Thủ, Dương Thị Biết, Lê Văn Mè, Huỳnh Văn Bằng, Huỳnh Văn Ngọ,…

 Hưởng ứng lời kêu gọi của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc nhân dịp thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, với vai trò là Bí thư chi bộ Đảng Cộng sản xã Đức Hòa, Võ Văn Tần dẫn đầu cuộc biểu tình của nông dân Đức Hòa ngày 4/6/1930. Đây là cuộc biểu dương lực lượng lớn ở Nam kỳ dưới sự lãnh đạo của Đảng; là đỉnh cao của phong trào cách mạng ở Chợ Lớn, Tân An. Cuộc biểu tình đã giương cao cờ đỏ búa liềm và các biểu ngữ với nội dung: chống thuế nặng, chống đánh đập vô cớ, chống sách nhiễu dân,… 

 Trong hoạt động cách mạng, ông có tác phong làm việc khoa học, sâu sát, bám sát thực tiễn và phong trào đấu tranh cách mạng của quần chúng; luôn tin tưởng, lạc quan vào con đường cách mạng của Đảng. Ông luôn nhiệt tình, năng nổ, hết lòng vì nhiệm vụ, được quần chúng rất tin yêu; kiên quyết, khẳng khái bảo vệ quyền, lợi ích của nhân dân, của đất nước; kiên định với lý tưởng cách mạng, sắt son niềm tin với Đảng, với Tổ quốc. 

Người chiến sĩ cộng sản kiên cường, quả cảm, mẫu mực, tuyệt đối trung thành với lý tưởng cộng sản

 Cuối năm 1930 - đầu năm 1931, cuộc khủng bố trắng của thực dân Pháp đã làm tổn thất nghiêm trọng đến lớp đảng viên đầu tiên trong cả nước, cũng như của Đảng bộ Chợ Lớn. Trong tình thế hết sức căng thẳng, khó khăn, chính quyền thực dân truy lùng ráo riết, với sự che chở của quần chúng, Võ Văn Tần và các đảng viên vẫn kiên trì len lỏi hoạt động, bám quần chúng, tìm cách khôi phục cơ sở, chắp nối lại liên lạc, quyết không để phong trào bị tê liệt.

Kỷ niệm 130 năm ngày sinh đồng chí Võ Văn Tần (08/1891 - 08/2021): NGƯỜI BÍ THƯ XỨ ỦY TRUNG KIÊN - Ảnh 2.

Nhân dân Nam Bộ vùng lên đấu tranh trong cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ (Tranh vẽ-Ảnh tư liệu Bảo tàng Lịch sử quốc gia)

 Tháng 6/1932, Võ Văn Tần đứng ra thành lập cơ quan Liên huyện ủy Hóc Môn - Bà Điểm - Đức Hòa và tổ chức viết báo "Cờ lãnh đạo" (sau chuyển thành cơ quan tuyên truyền của Xứ ủy Nam kỳ) để vận động phục hồi cơ quan lãnh đạo của Đảng vừa bị phá vỡ. 

 Giữa năm 1933, ông đích thân liên lạc xuống Miền Tây, chỉ đạo việc thành lập Tỉnh ủy Lâm thời Mỹ Tho. Đồng thời, với tư cách là cán bộ Xứ ủy, ông đề nghị Tỉnh ủy Gia Định ra tờ báo "Lao động" để tuyên truyền, giáo dục đảng viên và giác ngộ quyền lợi giai cấp cho quần chúng lao động. Từ năm 1933 đến năm 1934, Võ Văn Tần dành nhiều công sức để liên lạc và tổ chức các hoạt động của Đảng giữa Liên tỉnh miền Đông và miền Tây, cũng như tham gia công việc xây dựng lại Xứ ủy Nam kỳ. Bằng năng lực và kinh nghiệm thực tiễn, ông đã góp phần quan trọng vào việc duy trì, khôi phục và phát triển cơ sở Đảng ở các địa phương nhất là vùng Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định trong thời kỳ cách mạng gặp cơn thoái trào do sự đánh phá liên tiếp của địch. Đến tháng 5/1935 khi Xứ ủy Nam kỳ phục hồi, ông được cử vào Ban Thường vụ của Xứ ủy Nam kỳ.

 Từ năm 1930 - 1935, Võ Văn Tần cùng các đồng chí đảng viên trong Xứ ủy Nam kỳ đã khẳng định, minh chứng, tạo niềm tin cho quần chúng bằng những việc làm thiết thực đưa cách mạng Nam kỳ vượt qua thử thách khó khăn; khẳng định tinh thần, ý chí kiên cường, quả cảm, lòng trung thành vô hạn của những người cộng sản đối với quần chúng nhân dân.

Kỷ niệm 130 năm ngày sinh đồng chí Võ Văn Tần (08/1891 - 08/2021): NGƯỜI BÍ THƯ XỨ ỦY TRUNG KIÊN - Ảnh 3.

Đài tưởng niệm đồng chí Võ Văn Tần tại Đức Hòa, Long An

 Ngày 14/7/1940, Võ Văn Tần bị địch bắt trong khi đang cùng một số đồng chí họp bàn tại nhà chị Nà ở ấp Tân Thới Trung (nay là xã Tân Xuân, huyện Hóc Môn). 16 tháng bị thực dân Pháp giam cầm, mua chuộc, dụ dỗ và dùng cực hình tra tấn dã man làm cho ông chết đi sống lại; gông sắt, xiềng xích, đòn roi của địch không thể lay chuyển được ý chí bất khuất kiên cường và khí tiết cách mạng của Võ Văn Tần. Vượt qua chế độ dã man của nhà tù thực dân, ông vẫn tiếp tục hoạt động, tuyên truyền và nhắc nhở các đồng chí của mình giữ vững khí tiết của người cộng sản. Không khuất phục được, thực dân Pháp đã đưa Võ Văn Tần cùng với nhiều đồng chí lãnh đạo khác của Đảng ta như: Hà Huy Tập, Nguyễn Thị Minh Khai,…ra xử bắn ngày 28/8/1941. Quyết giữ trọn lời thề trung thành với Đảng, với cách mạng và nhân dân, ông bình thản đón nhận sự hy sinh vẻ vang. Trước khi ra pháp trường, Võ Văn Tần đã để lại di bút trên tường xà lim "Thà mình chết, không khi nào mình giết chết phong trào cách mạng…" 

 Cả cuộc đời ông luôn phấn đấu không mệt mỏi vì nước, vì dân, luôn kiên định niềm tin son sắt vào thắng lợi của sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, không ngừng trau dồi bản chất cách mạng của người cộng sản, phát huy hết trí tuệ sáng tạo, gắn bó máu thịt với nhân dân, tận trung với nước, với Đảng, thủy chung với đồng chí, đồng bào. Võ Văn Tần là một tấm gương cao đẹp về lòng trung thành vô hạn với lý tưởng, về ý chí và tinh thần cách mạng của một chiến sĩ cộng sản kiên cường, quả cảm, sống giản dị khiêm nhường và tình cảm sâu sắc đối với đồng chí, đồng bào. Võ Văn Tần là tấm gương sáng ngời về đạo đức cách mạng, về lý tưởng sống để thế hệ trẻ học tập và noi theo.

Minh Chánh
Ý kiến của bạn