Kỷ niệm 45 năm Đại thắng mùa Xuân 1975, Chiến dịch Hồ Chí Minh: Nét độc đáo trong nghệ thuật quân sự Việt Nam
Việc nhân dân ta kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ bằng một trận quyết chiến chiến lược với sức mạnh hùng hậu nhất, ý chí quyết tâm cao nhất là nhờ nghệ thuật quân sự sáng tạo, độc đáo đưa đến việc giải phóng Sài Gòn gần như còn nguyên vẹn.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Quân ủy Trung ương duyệt phương án tác chiến Chiến dịch Hồ Chí Minh. Ảnh: TTXVN
Nghệ thuật quân sự của chiến tranh nhân dân Việt Nam từ xưa đến nay về cơ bản là nghệ thuật tổ chức lực lượng toàn dân đánh giặc và buộc đối phương phải đánh theo cách của Việt Nam.
Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước 21 năm, nghệ thuật quân sự truyền thống ấy được thừa kế và phát huy ngày càng cao, đem lại hiệu quả đánh lui địch từng bước, giành thắng lợi từng bước, tiến tới đánh bại hoàn toàn âm mưu, thủ đoạn chiến tranh của địch, giành thắng lợi hoàn toàn.
Đặc biệt là đến cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, nghệ thuật quân sự Việt Nam được phát triển lên đỉnh cao mới, trong đó độc đáo nhất là việc giải phóng Sài Gòn gần như nguyên vẹn.
Chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975 giải phóng Sài Gòn là chiến dịch kết thúc một cuộc chiến tranh hiện đại, đánh bại cuộc chiến tranh thực dân mới sau 20 năm Mỹ đầu tư lớn vào chiến trường miền Nam Việt Nam. Theo quy luật và yêu cầu của nó, sức mạnh quân sự là quyết định nhất cho vấn đề thắng - thua trong chiến tranh, đặc biệt là trong trận cuối cùng. Sức mạnh quân sự trong trận này thể hiện nghệ thuật quân sự độc đáo của quân và dân ta.
Nét độc đáo đầu tiên là sự chỉ đạo chiến dịch tài tình, sáng suốt của Đảng mà hạt nhân là Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng Tư lệnh thông suốt từ Trung ương đến từng cánh quân trong trận cuối cùng ở cửa ngõ Sài Gòn khi tổ chức lực lượng quân sự, chính trị tập trung áp sát địch, sẵn sàng đánh tiêu diệt, vì thế có thể buộc địch phải chấp nhận lối kết thúc cuộc chiến theo cách của chiến tranh cách mạng Việt Nam.
Với lực lượng tập trung đủ các quân binh chủng, 5 cánh quân tiến vào Sài Gòn thực hiện phương án đánh nhanh, dứt điểm nhanh theo phương châm “thần tốc, táo bạo”, nhằm vào những mục tiêu quân sự trọng điểm đã lựa chọn, bảo đảm chắc thắng; làm cho đối phương dù còn rất đông quân và vũ khí phương tiện chiến tranh rất hiện đại cũng không thể “tử thủ” được nữa, không thể tiến thoái và không còn lựa chọn nào khác ngoài việc đầu hàng không điều kiện để tránh cái mà phương Tây gọi là “một cuộc tắm máu”.
“Một cuộc tắm máu” mường tượng ấy thực chất chỉ là logic của luận điệu tuyên truyền chống cộng trong quá trình chiến tranh thực dân mới của Mỹ. Từ sau Hiệp định Paris, khi chỉ còn “một mình” chính quyền và quân đội Việt Nam Cộng hòa đối phó với chiến tranh cách mạng Việt Nam, việc thất bại về quân sự là điều không tránh khỏi, nhưng đầu hàng không điều kiện thì lại là điều cả Mỹ và chính quyền Sài Gòn không dự kiến, càng không thể nghĩ tới một sự “bất ngờ” nào giống như thực tế lịch sử đã diễn ra.
Nét độc đáo thứ hai trong nghệ thuật quân sự truyền thống được thể hiện ngay trong trận cuối cùng giải phóng Sài Gòn: Đội quân cách mạng lúc này đủ sức đánh tiêu diệt toàn bộ lực lượng còn lại của địch, hình thành thế trận bao vây, tiêu diệt, làm tan rã chủ lực của địch ở vòng ngoài; nhanh chóng thọc sâu đánh chiếm các địa bàn then chốt ven đô, đập tan lực lượng địch tại vòng trong; đột kích bằng cơ giới hóa mạnh đánh thẳng vào các mục tiêu quan trọng nhất trong nội đô. Nhưng trước giờ phút sinh tử của chính quyền và quân đội Sài Gòn, đội quân chiến thắng ấy đã thực hiện “Mở đường hiếu sinh”(như Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi đã viết), bắt buộc và cho phép đối phương “cởi giáp ra hàng”.
Việc lấy đại nghĩa làm trọng, thực hiện khoan dung đã giải thích rõ bản chất sự việc đầu hàng không điều kiện của Tổng thống Dương Văn Minh trưa ngày 30/4/975 là việc làm cần thiết, kịp thời, không chỉ có ý nghĩa logic đến việc giải phóng Sài Gòn gần như nguyên vẹn mà còn trực tiếp kết thúc cuộc chiến nhanh nhất, làm mất ý chí và điều kiện của những thế lực chống đối muốn “tử thủ”, đồng thời dập tắt mọi hy vọng về “thương lượng đàm phán” vốn đã bị Mỹ và chính quyền Sài Gòn chà đạp, phá hoại ngay sau khi Hiệp định Paris có hiệu lực.
Rõ ràng điều này phản ánh một trình độ mới của nghệ thuật kết thúc chiến tranh nhân dân Việt Nam thời hiện đại, buộc đối phương phải kết thúc chiến tranh theo cách của chiến tranh cách mạng có lợi cho phát triển về sau.
Đương nhiên đây là kết quả của quá trình xây dựng và rèn luyện của Quân đội nhân dân Việt Nam trong suốt cuộc kháng chiến; đến Chiến dịch Hồ Chí Minh đã thể hiện thành quá trình phát triển lối đánh thần tốc, táo bạo.
Quá trình đó cũng đồng thời là quá trình quân đội ta thường xuyên xây dựng và rèn luyện cả ý thức chính trị và trình độ tác chiến quân sự, từng cán bộ, chiến sĩ thường xuyên học tập, hiểu biết lịch sử, trau dồi truyền thống, kinh nghiệm của cha ông đánh giặc giữ nước; trở thành người lính có ý thức và bản lĩnh chính trị.
Khi đánh giặc, không sợ hy sinh gian khổ, sẵn sàng xung phong thực hiện nhiệm vụ, xông thẳng vào mục tiêu được phân công và áp sát đối phương. Khi xuất hiện hoàn cảnh và tình huống đặc biệt trong dinh Tổng thống chính quyền Sài Gòn, ai cũng có khả năng trở thành người đại diện cho đội quân cách mạng như Bùi Quang Thận, Phạm Xuân Thệ, Bùi Văn Tùng và nhiều cán bộ chiến sĩ khác trong ngày 30/4.
Cách xử lý để Tổng thống Dương Văn Minh đầu hàng không điều kiện (hoặc bất cứ ai trong chính quyền Việt Nam Cộng hòa lúc ấy cũng phải làm như thế) để kết thúc chiến tranh nhanh chóng và tức thời; hạn chế tổn thất trong trận cuối cùng cũng là thực tế giữ cho Sài Gòn còn gần như nguyên vẹn khi kết thúc cuộc chiến.
Nét độc đáo thứ ba chỉ chiến tranh nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam mới có được, đó là sự kết hợp tiến công của lực lượng vũ trang cách mạng với nổi dậy của quần chúng nhân dân Sài Gòn trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
Trong cuộc Tổng tấn công và nổi dậy mùa Xuân 1975, ở hầu khắp các quận nội thành, ngay cả ở địa bàn trung tâm và các cửa ngõ quan trọng của Sài Gòn, nhất là các khu vực: Bàn Cờ, Vườn Chuối, Đa Kao, Tân Định, Phú Nhuận, Khánh Hội-Vĩnh Hội, Tân Phú, Bảy Hiền, Gò Môn, Bình Tân, lực lượng quần chúng đông đảo gồm nhiều thành phần dân cư. Họ là những người dân thuộc đủ tầng lớp, lứa tuổi hướng theo và vững tin vào thắng lợi của cách mạng, mong đợi ngày hòa bình, độc lập, thống nhất Tổ quốc và tạo nên những căn cứ lòng dân vững chãi; họ sẵn sàng hành động nổi dậy và tiếp sức cho hàng chục sư đoàn quân cách mạng ập vào từ 5 hướng đánh chiếm Sài Gòn.
Trong 5 ngày (từ chiều 26/4/1975 đến trưa ngày 30/4/1975), lực lượng nổi dậy từ các căn cứ “lõm” đã tiếp ứng cho 5 cánh quân có đầy đủ binh chủng và trang thiết bị hiện đại chiếm lĩnh tất cả các vị trí mục tiêu ở Sài Gòn từ trong ra ngoài, làm sụp đổ toàn bộ bộ máy chính quyền và quân đội Việt Nam Cộng hòa, buộc họ phải đầu hàng vô điều kiện và giữ cho Sài Gòn còn gần như nguyên vẹn.
Theo VGP News
Với 506 tỷ USD, nền kinh tế Việt Nam đang phát triển nhanh chóng nhờ sự bùng nổ sản xuất và đầu tư nước ngoài.